Phiên dịch viên của FBI phải lòng và cưới phần tử IS
VOV.VN – Một người phiên dịch của FBI đã tới Syria năm 2014 và cưới một thành viên chủ chốt của IS mà cô được giao điều tra.
Kênh CNN của Mỹ dẫn hồ sơ tòa án liên bang cho biết, nhân viên “nổi loạn” này là Daniela Greene, 38 tuổi, sinh ra ở Tiệp Khắc (cũ), lớn lên ở Đức và từng cưới một binh sỹ Mỹ rồi chuyển tới Mỹ khi còn trẻ. Cô bắt đầu làm phiên dịch cho FBI từ năm 2011.
Daniela Greene, 38 tuổi, nhân viên phiên dịch của FBI đem lòng yêu đối tượng khủng bố mà cô phải điều tra. |
Với quyền miễn trừ kiểm tra an ninh cấp cao nhất, cô đã nói dối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) việc cô sắp đi đâu và cảnh báo chồng mới cưới (thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) rằng anh ta đang bị điều tra.
Câu chuyện của Daniela đã bộc lộ một lỗ hổng đáng xấu hổ trong mạng lưới an ninh quốc gia tại FBI, cơ quan có nhiệm vụ nhổ tận gốc những kẻ ủng hộ IS trên khắp đất nước.
Nó cũng đặt ra những câu hỏi về việc các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ có đối xử thiên vị với Daniela hay không khi chỉ khép cựu nhân viên phiên dịch của FBI vào tội khá nhỏ, sau đó đề nghị một thẩm phán giảm án để đổi lấy sự hợp tác của cô. Các tình tiết sâu xa trong vụ việc này hiện vẫn bị tòa án giấu kín.
Chồng mới cưới là một tên khủng bố có máu mặt
Người đàn ông mà Daniela cưới không phải chỉ là một tên khủng bố bình thường. Hắn là Denis Cuspert, trước đây là một ca sỹ nhạc rap người Đức, dù không nổi tiếng nhưng từng hát mở màn cho nghệ sỹ rap nổi tiếng của Mỹ DMX năm 2006.
Denis Cuspert từ lúc còn là một ca sỹ nhạc rap có nghệ danh là Deso Dogg (trái) đến khi trở thành phần tử IS có tên Abu Talha al-Almani (phải). |
Năm 2010, Denis từ bỏ nhạc rap, cải đạo sang Hồi giáo, trở thành một phần tử cực đoan. Năm 2011, đoạn video do hắn dàn dựng cảnh một binh sỹ Mỹ cưỡng bức một phụ nữ Hồi giáo được cho là đã kích động vụ tấn công khủng bố ở sân bóng Frankfurt làm 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Một năm sau, Denis trốn khỏi Đức, đến Ai Cập Libya rồi dừng chân ở Syria, gia nhập IS và có vai trò ngày càng quan trọng trong tổ chức khủng bố này với tư cách là một người nổi tiếng có thể chiêu mộ các phần tử thánh chiến qua mạng. Điều đó khiến Denis trở thành đối tượng truy lùng của các tổ chức chống khủng bố ở cả Mỹ và châu Âu.
Ở Đức, Denis từng được biết tới với nghệ danh là Deso Dogg. Còn ở Syria, hắn được gọi là Abu Talha al-Almani. Hắn từng ca ngợi Osama bin Laden trong một bài hát và đe dọa cắt cổ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hắn xuất hiện trong nhiều video tuyên truyền của IS, trong đó có cảnh hắn cầm một chiếc đầu người mới cắt.
Quay đầu là bờ
Chỉ vài tuần sau khi cưới Denis, cựu phiên dịch viên FBI Daniela dường như đã nhận ra cô đã phạm một sai lầm khủng khiếp và bay về Mỹ nhưng ngay lập tức bị bắt giữ và đã đồng ý hợp tác với cơ quan chức năng. Cô thừa nhận tội lỗi khi đưa ra những phát ngôn sai trái về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và bị kết án 2 năm giam giữ trong nhà tù liên bang. Daniela được thả tự do mùa hè năm ngoái.
Trong một thông cáo, FBI khẳng định, sau vụ việc của Daniela, cơ quan này “đã có một vài bước trên nhiều lĩnh vực khác nhau để xác định và giảm rủi ro an ninh, đồng thời tiếp tục củng cố các biện pháp bảo vệ khi tiến hành các công việc cần thiết”.
“Đây là một vụ việc đáng xấu hổ của FBI, không nghi ngờ gì là như vậy”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định.
Vụ việc có thể không đơn giản như vậy bởi ông Kirby nghi ngờ việc Daniela đến Syria là có sự đồng ý của các thủ lĩnh hàng đầu IS.
“Hầu hết những người ngoài muốn vào khu vực của IS ở Syria đều có nguy cơ bị chặt đầu”, ông nêu rõ. “Vì thế, việc một người phụ nữ được vào đó với tư cách là công dân Mỹ, đặc biệt là nhân viên FBI, và có thể định cư ở đó với một lãnh đạo IS thì điều đó cần phải được xem xét”.
Hồ sơ của tòa án ở Washington D.C. ghi nhận hành động của Daniela xứng đáng “hình phạt nghiêm khác” bởi cô đã “hủy hoại lòng tin của công chúng và các quan chức, những người đã trao cho cô quyền miễn trừ an ninh” và “gây nguy hại cho an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, các công tố viện cho rằng cô nên được giảm án vì sự hợp tác với cơ quan chức năng. Cô đã cung cấp một số thông tin tài khoản trên mạng và số điện thoại của một vài tên khủng bố.
Mức án 2 năm tù giam của Daniela được cho là nhẹ hơn hình phạt cho những đối tượng khác bị buộc tội hình sự liên quan đến khủng bố như những bị cáo đã tìm cách đến Syria gia nhập IS nhưng bất thành. Theo báo cáo của Trung tâm An ninh quốc gia thuộc Đại học Fordham đưa ra hồi tháng 4, trung bình những đối tượng khác phải nhận mức án 13 năm rưỡi tù giam.
Trong một phỏng vấn mới đây với CNN, Daniela Greene cho biết cô rất sợ chia sẻ về vụ việc này bởi gia đình cô có thể gặp nguy hiểm./.
Ảnh: Cuộc sống thường ngày tại “đại bản doanh” mới của IS ở Syria