Phiến quân IS dằn mặt phương Tây khi hành quyết nhà báo Foley
VOV.VN - Nhà báo Foley có thể không biết mình sắp bị giết. Việc quay clip rất chuyên nghiệp, sử dụng 2 camera và 1 micro gắn trên nạn nhân.
Tiến sĩ James Alvarez, một nhà đàm phán con tin cho cả Anh và Mỹ, cho biết phiến quân Nhà nước Hồi giáo hẳn là đã cố tình chọn một công dân Anh thực hiện việc giết nhà báo Mỹ nhằm gây sốc và phẫn nộ tối đa cho phương Tây.
“Mục đích của chúng là làm cho mọi người phải ghê sợ. Chẳng có gì khắc sâu hận thù vào trái tim con người bằng việc theo dõi một người Anh thực hiện một việc gì đó kinh hoàng đến như vậy”.
Tiến sĩ Alvarez cho biết đoạn video đã “được dàn dựng một cách chuyên nghiệp”. Clip sử dụng hai camera riêng, và một micro được gắn lên chiếc áo màu da cam của nhà báo Foley để bảo đảm chất lượng âm thanh tốt.
Bản thân việc chọn trang phục màu da cam cũng là do nó gắn với những tù nhân trong nhà tù Guatanamo gây tranh cãi của Mỹ. Con tin người Anh Ken Bigley cũng bị buộc phải mặc một chiếc áo chùm người màu da cam khi bắt ở Iraq vào năm 2004.
Đoạn video, mở đầu bằng cảnh Tổng thống Obama ra lệnh thực hiện không kích IS, có tựa đề “Thông điệp gửi nước Mỹ” và được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh (có thêm phụ đề tiếng Arab) nhằm phù hợp với khán thính giả phương Tây.
Trước khi bị chặt đầu, nhà báo Foley đã đọc một đoạn thông cáo được chuẩn bị trước với nội dung chỉ trích nước Mỹ và người em trai của mình phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ.
Ông Foley nói: “Tôi kêu gọi bạn bè, gia đình và những người yêu dấu của tôi hãy nổi dậy chống lại những kẻ sát nhân thực thụ của tôi, đó là chính phủ Mỹ. Bởi vì những gì xảy ra với tôi chỉ là hệ quả của thói tự mãn và tình trạng phạm tội của họ”.
Những lời cuối cùng của Foley: “Tôi ước gì tôi không phải là người Mỹ”.
Chuyên gia Alvarez cho rằng những người được huấn luyện về cách ứng xử khi bị bắt làm con tin sẽ được dạy không làm khó thêm cho những kẻ bắt giữ mình, và ông Foley có thể cũng đã không muốn gây thêm rắc rối.
Ông Alvarez nói thêm: “Vì lẽ đó, tôi không nghĩ là ông ấy biết mình sắp bị giết. Ông ấy có tư thế rất đĩnh đạc”.
Tiến sĩ Alvarez phân tích thêm: “Còn từ góc độ của bọn bắt cóc, chúng chắc không muốn phải vật lộn [với nạn nhân]”.
FBI cho biết họ nhất trí đoạn video là thật, đồng nghĩa với việc ông Foley trở thành người Mỹ đầu tiên chết ở Iraq kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011.
Tất nhiên ông Foley không phải là người phương Tây đầu tiên bị lực lượng khủng bố Hồi giáo chặt đầu. Hồi năm 2002, nhà báo Pearl bị bắt cóc rồi chặt đầu ở Pakistan. Năm 2004, một kỹ sư tên Bigley người Liverpool (Anh) bị bắt cóc và cắt đầu ở Iraq.
Nick Berg 26 tuổi người Philadephia bị chặt đầu ở Iraq năm 2004. Hai người đồng hương của anh này gặp số phận tương tự.
Các phần tử khủng bố IS, cũng giống như al-Qaeda, lựa chọn cách chặt đầu công khai các con tin để cảnh báo kẻ thù về số phận tương tự và chứng tỏ sự tàn bạo và dã man của chúng./.