Philippines sẽ tăng cường tuần tra và tập trận đa phương tại Biển Đông
VOV.VN - Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đang chuẩn bị cho nhiều cuộc tập trận, tuần tra chung hơn ở Biển Đông với các đồng minh.
Đây là một phần trong sự thay đổi mô hình, có thể chuyển từ các thỏa thuận song phương hiện tại sang tuần tra đa phương vào năm 2024 và trong những năm sắp tới.
Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Medel Aguilar cho biết, sự thay đổi mô hình liên quan đến việc “thiết lập, tăng cường liên minh với các đối tác để thúc đẩy sức mạnh của các lực lượng vũ trang, tăng cường thủ tục, công cụ pháp lý nhằm đảm bảo lợi ích của Philippines, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Theo ông Aguilar, sẽ có nhiều cuộc tuần tra hơn trong năm 2024. Hiện Philippines có cuộc tuần tra chung, tuần tra trên không và trên biển với Mỹ, Australia và sắp tới có thể là Nhật Bản và các quốc gia khác, những nước đã thực sự bày tỏ ý định tham gia cùng Philippines trong các cuộc tuần tra hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông và duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quan chức Philippines nhấn mạnh, các cuộc tuần tra sẽ không chỉ là song phương, có thể sau này nó trở thành đa phương, với sự tham gia của một số quốc gia.
Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), Tướng Romeo Brawner Jr. trước đó cũng nêu ra khả năng tiến hành các cuộc tuần tra đa phương ở Biển Đông cùng với các đồng minh khác của nước này vào năm tới. Hoạt động này nằm ngoài các cuộc tập trận và hoạt động chung song phương mà Philippines đang tiến hành với các đồng minh khác. Không nêu con số chính xác về số lần tuần tra đa phương sẽ diễn ra nhưng ông Brawner nhấn mạnh các hoạt động này sẽ được thực hiện nhiều hơn trong tương lai. Điều này thể hiện nỗ lực tập thể của các quốc gia có cùng chí hướng nhằm nhấn mạnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Philippines và Nhật Bản đang sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng và tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông. Thỏa thuận tiếp cận đối ứng, cho phép hai nước triển khai lực lượng tới lãnh thổ của nhau để tập trận và huấn luyện chung.