Philippines tăng cường binh lực để đối trọng với Trung Quốc

(VOV) - Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, quốc đảo này đang tích cực mua sắm binh khí và cơ cấu lại quân đội.

Tờ Asia Times mới đây đăng bài viết về chi tiêu quân sự đột biến của Philippines trong những tháng gần đây và sắp tới.

Giải ngân ngân sách quốc phòng

Tác giả bài báo, Labita, cho biết tháng 7 này, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino bắt đầu mời thầu các hợp đồng quân sự trị giá khoảng 79 tỷ peso (tương đương 1,8 tỷ USD). Đây là phần giải ngân đầu tiên cho kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines (quân số 125.000 người) trong 5 năm với tổng ngân sách lên tới 500 tỷ peso.

Trong mấy tháng qua, các quan chức quân sự Philippines đi nhiều nước như Anh, Pháp, Italy, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc và Tây Ban Nha để tìm kiếm các đối tác cung ứng vũ khí. Thậm chí có nguồn tin cho rằng Manila đang xem xét khả năng mua một đội tàu tuần tra biển tốc độ cao do Việt Nam phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ Nga.

Chính phủ Philippines sẽ mời thầu tổng cộng 138 hợp đồng mua các khí tài hải quân và không quân mới tinh, bao gồm chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, phi cơ vận tải và tuần tiễu tầm xa, chiến hạm, radar phòng không, và các phương tiện chiến tranh tối tân khác nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ lãnh thổ và lãnh hải.

Toàn bộ số hợp đồng trên đều dành cho hải quân và không quân của Philippines, vốn được trang bị yếu kém trước lực lượng quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc – lực lượng quốc phòng lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Nga.

Các nhà phân tích cho rằng việc quá lệ thuộc vào chiếc ô an ninh khu vực của Mỹ đã khiến cho lực lượng quân sự Philippines lạc hậu hẳn so với các đối thủ trong khu vực về cả ngân sách, trang bị và hậu cần.

Bộ Quốc phòng Philippines đã ký hợp đồng đầu tiên mua 8 chiếc trực thăng tiến công đa năng Sokol của hãng Swidnik, Ba Lan. Bốn chiếc trong số này đã được gửi sang Philippines.

Tàu hải quân Philippines (ảnh: internet)

Năm 2011, Mỹ cung cấp 11,9 triệu USD vũ khí cho Philippines. Con số đó năm nay được nâng lên mức 30 triệu USD.

Điều chỉnh đối tượng tác chiến

Theo kế hoạch cải cách mới, quân đội nước này cũng đã cơ cấu lại tổ chức và định hướng tác chiến, chuyển từ việc trấn áp phiến quân sang tập trung vào phòng thủ đối ngoại, trực tiếp nghênh diện Trung Quốc trên Biển Đông.

Các tiểu đoàn lục quân từng được Mỹ huấn luyện kỹ năng chống khủng bố, nay được đào tạo lại thành các đơn vị bảo vệ lãnh thổ. Việc đương đầu với các nhóm phiến quân sẽ giao cho cảnh sát vũ trang đảm nhiệm.

Các nhóm cánh tả ở Philippines có nhiều động thái nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ trên phương diện quân sự. Hiến pháp Philippines cũng cấm mở các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên Mỹ đã “lách luật”  bằng cách luân chuyển quân và chuyên gia huấn luyện. Có nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ sẽ đẩy mạnh việc bán vũ khí để đổi lấy thế đứng chân lâu hơn trên lãnh thổ Philippines.

Một số quốc gia như Nhật và Australia sẵn sàng giúp Philippines tăng cường khả năng tuần tra trên biển nhưng những sự trợ giúp như thế này bao giờ cũng đi kèm điều kiện.

Hứa hẹn của Tokyo thì gắn với các điều kiện về ODA, còn Australia thì muốn được Manila phê chuẩn thỏa thuận về vị thế của lực lượng quốc phòng ghé thăm, giống như thỏa thuận với Mỹ cho phép quân Mỹ diễn tập trên đất Philippines. Gần đây liên quân Mỹ-Philippines đã nhiều lần diễn tập chung gần khu vực biển tranh chấp.

Phản ứng của Trung Quốc

Hoạt động mua sắm khí tài quân sự của Philippines đã bị phía Trung Quốc công kích và cảnh báo là sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Tướng Xu Yan thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, một khi Philippines “cả gan” biến hoạt động cảnh sát biển thành hoạt động quân sự thì nước này sẽ phải hứng chịu thảm họa khủng khiếp từ đòn tấn công trả đũa của Trung Quốc.

Các trang mạng có liên hệ với chính phủ Trung Quốc gần đây cũng cảnh báo Nhật Bản không được cung cấp tàu tuần tra cho Philippines.

Một bài bình luận trên website China.org.cn viết, “Nhật đã vướng vào tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền Đảo Điếu ngư, nay lại giúp đỡ Philippines trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thì chỉ càng làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Có 1 chi tiết thú vị là chính Trung Quốc từng đề nghị cho Philippines vay dài hạn 12 triệu USD để mua vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên,với tình hình căng thẳng hiện nay thì khoản vay nói trên đã rơi vào quên lãng.

Cho đến nay Philippines vẫn cố gắng sử dụng mọi phương cách ngoại giao và chính trị trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Một số nhà phân tích nhận định Philippines đang hoãn binh để tranh thủ thời gian, một mặt thì đối thoại với Bắc Kinh, mặt khác ra sức tăng cường sức mạnh phòng thủ, có hoặc không có sự trợ giúp của Mỹ, để có thể đối trọng với Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên