Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính
VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Phương Tây hậu thuẫn "khủng bố" và những đối tượng thực hiện đảo chính nhằm lật đổ ông.
Ngày 2/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước là “một kịch bản được xây dựng từ bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ”, với ngụ ý khả năng có sự liên quan của nước ngoài trong âm mưu này.
Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây đang bị rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính. (Ảnh: Sputnik)
Đây được coi là tuyên bố công kích mạnh mẽ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các đồng minh Phương Tây. Tuyên bố này cũng cho thấy mối quan hệ đang rạn nứt nghiêm trọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, làm ít nhất 271 người thiệt mạng.
“Có hay không việc phương Tây hỗ trợ khủng bố? Liệu phương Tây có đứng về phía phe đảo chính hay khủng bố? Thật không may là phương Tây đang hỗ trợ khủng bố và đứng về phía phe đảo chính”, Tổng thống Erdogan nói.
Ông Erdogan cũng đề cập tới việc tòa án ở Đức đã không cho phép ông phát biểu trước đám đông ủng hộ ở Cologne hồi tuần trước, trong khi Đức từng cho phép đảng Công nhân người Kurd (PKK) làm điều này, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho Đức danh sách hơn 4.000 tay súng bị truy nã song không nhận được hồi âm.
Ông Erdogan cũng chỉ trích Bỉ không giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên quan đến vụ giết hại doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Ozdemir Sabanci hồi năm 1996.
Ông cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ đối tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khi mà Mỹ cho đến nay vẫn từ chối dẫn độ Giáo sĩ Fehullah Gulen- người hiện sống lưu vong ở Mỹ, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính về Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố sẵn sàng xem xét việc trao trả ông Gulen với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ chứng minh được ông này thực sự liên quan tới cuộc đảo chính vừa qua. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đưa ra một "số lượng hạn chế" những chứng cứ về vai trò của ông Gulen, cũng như tổ chức Hồi giáo Hizmet của vị giáo sĩ này, trong cuộc đảo chính đêm 15/7.
Ngoài Mỹ, nhiều nước châu Âu khác cũng đang bày tỏ lo ngại về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính với những vụ bắt giữ, thẩm vấn và tra xét tràn lan suốt nhiều ngày qua.
Theo các nước này, chưa bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến một cuộc thanh lọc các cơ quan công quyền sâu rộng như sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua. Cũng chưa bao giờ những tin tức về các vụ bắt giữ, tiến hành điều tra, sa thải hay đình chỉ chức vụ lại xuất hiện với tần suất hàng ngày như bây giờ.
Những bất ổn ở nước này đang lan rộng vào thời điểm châu Âu đang cần Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện vai trò chốt chặn dòng người di cư và Mỹ cũng cần sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong rất nhiều vấn đề ở khu vực./.