10 điều rút ra từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan (phần II)
VOV.VN - VOV xin trân trọng giới thiệu phần 2 bài viết của Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN về quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden, kết thúc cuộc chiến hao người tổn của kéo dài suốt 20 năm tại quốc gia này.
>> 10 điều rút ra từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan (phần I)
5. Trong kỷ nguyên "hậu Afghanistan", Mỹ sẽ càng có điều kiện tập trung nguồn lực nhiều hơn đối phó với nguy cơ Trung Quốc.
Ngay sau khi lên nắm quyền 20/1/2021, chính quyền Biden đã "phá bỏ" nhiều di sản đối nội và đối ngoại của chính quyền Trump. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất giữa hai chính quyền là việc tiếp tục coi Trung Quốc là thách thức chiến lược nghiêm trọng và toàn diện nhất đối với nước Mỹ.
Khác với thất bại trong chiến tranh Việt Nam, cùng "Hội chứng Việt Nam" kéo dài hàng thập kỷ sau đó, cuộc rút lui khỏi Afghanistan 8/2021 có thể sẽ không để lại hội chứng lớn, bởi lẽ: (i) Vào những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến Afghanistan, Mỹ chỉ duy trì một lực lượng quân sự hạn chế gồm 2.500 lính và một ngân sách quân sự tượng trưng; (ii) Nga và Trung Quốc tuy được xem là địch thủ, nhưng khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh, hai nước này chưa đủ tiềm lực quân sự để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài, thách thức sự có mặt quân sự của Mỹ hay chỉ đơn giản là lấp khoảng trống về an ninh do Mỹ để lại.
Tuy cùng chia sẻ mục tiêu ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, nhưng cách thức tiếp cận và xử lý vấn đề Trung Quốc giữa hai chính quyền lại có những khác biệt cơ bản. Trong khi Chính quyền Trump thiên về hành động đơn phương (America Alone) thì Chính quyền Biden lại "nhẹ nhàng" hơn trong cách sử dụng ngôn từ, nhưng hành động thì quyết liệt không kém.
Ngoài ra, chính quyền Biden còn khéo léo lôi kéo đồng minh, đối tác trong việc xây dựng các liên minh trên phạm vi toàn cầu và ở các khu vực thiết yếu như củng cố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đẩy nhanh tiến trình thiết chế hóa Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản để hình thành mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Đối với giới hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc, việc đối phó với một đối thủ cứng rắn công khai như Trump thậm chí còn "dễ xơi" hơn là đối phó với một Biden mềm mỏng bên ngoài, nhưng quyết liệt bên trong.
Thái độ cứng rắn với Trung Quốc thể hiện rõ nhất trong Tuyên bố chung mang tên "Tinh thần Nhóm bộ tứ" được đưa ra nhân kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm này tháng 3/2021. Tiếp đó, tinh thần chống Trung Quốc còn được thể hiện trong các Tuyên bố, Thông cáo chung nhân kết thúc các Hội nghị Thượng đỉnh NATO, G-7, G-20, Mỹ-EU trong tháng 6/2021.
Kết quả đáng chú ý của các cuộc gặp trên dưới sự dẫn dắt của Chính quyền Biden là các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine từ nay đến cuối năm 2022 cho các nước châu Á, còn các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 cam kết thúc đẩy đại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển với tên gọi Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn B3W (Build Back Better World) trị giá 40.000 tỷ USD từ nay đến năm 2035.
Tất cả đều nhằm tranh thủ, lôi kéo đồng minh, tập hợp lực lượng để đối phó với Trung Quốc, cũng như hóa giải Sáng kiến Vành Đai và Con đường BRI (Belt and Road Initiative) của Trung Quốc mà hiện đã có trên 100 quốc gia tham gia.
Ngay cả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Geneva ngày 9/6/2021 cũng không nằm ngoài mục tiêu đó của chính quyền Biden, đó là ý đồ tìm cách tách liên minh Trung-Nga hay ít nhất cũng trung hòa thái độ của Nga trong cuộc đấu Mỹ-Trung hiện nay. Cuộc gặp này, ở khía cạnh chiến lược, cũng có phần tương tự như cuộc gặp lịch sử Nixon-Mao Trạch Đông năm 1972 dẫn đến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, còn Mỹ thì được rảnh tay "chơi tất tay" với Liên Xô, với kết cục là Liên bang Xô Viết tan rã hoàn toàn vào năm 1991.
6. Thay vì trông cậy vào sự có mặt quân sự của Mỹ tại Afghanistan, biến Afghanistan thành vùng đệm an ninh, giờ đây Trung Quốc sẽ phải chi nhiều nguồn lực hơn và trực tiếp đối phó với nguy cơ bất ổn mới ở khu vực biên giới phía Tây.
Cuối tháng 7/2021, tức trước khi Kabul thất thủ khoảng hai tuần, giới truyền thông và nhiều nhà phân tích chính trị thế giới không khỏi bất ngờ về cuộc gặp công khai cấp cao tại Thiên Tân giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và thủ lĩnh, đồng sáng lập Taliban Mulla Abdul Ghani Baradar.
Tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Vương nghị đề cập đến một số vấn đề đáng chú ý: (i) Trung Quốc coi Taliban là một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Afghanistan; (ii) Trung Quốc mong muốn Taliban sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình, hòa giải và xây dựng hình ảnh đất nước Afghanistan; (iii) Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan và kiên trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này; (iv) Trung Quốc sẽ đóng góp vào tiến trình tái thiết Afghanistan sau khi Mỹ rút quân và xem xét việc mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan, một thành tố quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường, cho Afghanistan tham gia; (v) Trung Quốc đề nghị Taliban chấm dứt và cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một tổ chức Trung Quốc coi là khủng bố quốc tế, để thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Ở góc độ nào đó, việc Trung Quốc công khai quan hệ ở cấp cao với Taliban ngay trước ngày Kabul thất thủ cho thấy "tầm nhìn xa, trông rộng", cũng như chính sách thực dụng của Trung Quốc. Nhưng ở một góc độ khác, nó cho thấy lãnh đạo Trung Quốc thực sự lo ngại về các nguy cơ an ninh tiềm ẩn sau khi Mỹ rút quân.
Một là, với 76 km đường biên giới chung phía với Afghanistan, lại nằm ở khu vực phía Tây bất ổn giáp với khu Tự trị Tân Cương và Trung Á, Trung Quốc lo ngại thắng lợi của Taliban sẽ sẽ tạo ra động lực tinh thần khích lệ các phần tử Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, mở rộng các hoạt động khủng bố gây bất ổn tại khu vực Tân Cương, cũng như các khu vực nằm phía sâu trong nội địa Trung Quốc.
Hai là, khi Mỹ và NATO không còn đảm nhiệm vai trò bảo trợ về an ninh và viện trợ kinh tế cho Afghanistan, khả năng cao là nước này dưới sự cai trị của Taliban sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế rồi tiếp theo là vòng xoáy nội chiến và các bất ổn an ninh như trường hợp Somalia, Syria, Libya... Nếu không xử lý khéo, các bất ổn tại Afghanistan sẽ trở thành các bất ổn ở khu vực biên giới của chính Trung Quốc, như trường hợp Pakistan.
Ba là, việc tập trung nguồn lực xử lý các thách thức an ninh phía Tây sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc tập trung phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như năng lực của Trung Quốc đối phó với liên minh toàn cầu mới kiềm chế Trung Quốc do Mỹ phát động.
7. Khả năng cao là Afghanistan sẽ trở thành trung tâm bất ổn mới của thế giới, tác động trực tiếp đến an ninh Trung Á, đến an ninh của 3 cường quốc láng giềng là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, thậm chí cả EU xa xôi.
Trước Afghanistan, lịch sử can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vào các quốc gia Hồi giáo từ Trung Đông đến Bắc Phi như Iraq, Syria đến Somalia, Libya... là những câu chuyện thất bại đáng buồn. Afghanistan nhiều khả năng không nằm ngoài ngoại lệ đó.
Afghanistan có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu sự can thiệp và xâm lược liên tục của các siêu cường suốt từ thời kỳ cao điểm của Chiến tranh lạnh năm 1979 đến nay. Chưa khi nào kể từ năm 1979 đến nay, một phe thắng cuộc ở Afghanistan kiểm soát có hiệu quả 2/3 lãnh thổ đất nước do các cuộc nội chiến nồi da, nấu thịt diễn ra triền miên giữa các nhóm du kích, các bộ lạc và các nhóm sắc tộc. Thực tế đó như những vết thương không bao giờ lành và khiến cho quá trình hòa giải dân tộc ở nước này không bao giờ đi đến đích. Do đó, khả năng nước này rơi vào vết xe đổ của các quốc gia bất ổn nêu trên không phải là không có cơ sở.
Việc Taliban hứa hẹn không sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công nước Mỹ theo thỏa thuận Doha là một chuyện, nhưng có làm được việc đó hay không lại là chuyện khác vì trên thực tế Taliban không đủ khả năng để kiểm soát toàn bộ lãnh thổ rộng lớn, cũng như hoạt động của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác.
Tuy nhiên, do cách xa về địa lý, cộng với ưu thế vượt trội của vũ khí thông minh, thông tin tình báo... nên nước Mỹ có khả năng kiểm soát các cuộc tấn công khủng bố như dạng 11/9 hay ở quy mô nhỏ tốt hơn trước rất nhiều. Và từ năm 2001 đến nay hầu như không có vụ khủng bố lớn nào xảy ra trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, các quốc gia khác lại không có được ưu thế đó. Nhìn dòng người tỵ nạn chạy trốn khỏi Afghanistan trong những ngày qua, nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh, dù khả năng lúc này tương đối thấp, là Taliban trà trộn vào dòng người di tản và đợi thời cơ để "ra tay" sau đó. Những vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Jammu và Kashmir, Hyderabade, Mumbai (Ấn Độ), St. Petersburg, Moscow (Nga), Brussels, Paris, Berlin... bởi bàn tay của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, trong đó có nhiều phần tử đến từ dòng người tỵ nạn Trung Đông, Nam Á trong những năm qua là những ví dụ nhãn tiền.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong tình huống xấu nhất, phong trào Taliban của Bộ tộc Pashtun sống ở miền Bắc Pakistan, một phiên bản khác của Taliban Afghanistan, tìm cách gây bất ổn khắp đất nước hoặc đấu tranh ly khai. Chưa kể, việc Taliban công khai tuyên bố sẽ sử dụng đạo luật Hồi giáo Sharia trong cai trị cũng là một nhân tố cản trở các cải cách dân chủ và thúc đẩy xu hướng hà khắc tôn giáo, mầm mống gây bất ổn trên phạm vi toàn cầu./.
(còn nữa)