2014- 'Năm xấui' của Tổng thống Obama
VOV.VN - Hai năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama sẽ đơn độc chống chọi với một lưỡng viện Cộng hòa.
Tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba chỉ là điểm sáng le lói giữa bầu không khí u ám, bế tắc cả về vấn đề đối nội lẫn đối ngoại của nước Mỹ trong năm 2014. Thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ tháng 11/2014 là lý do chính khiến 2014 được đánh giá là năm xấu nhất của ông chủ Nhà Trắng.
Thành tựu “còi” trong đối nội
Bất chấp tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2014 ước tính 2,6%, khá nhất so với EU, Nhật Bản và tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm cuối năm là 5,8%, thấp nhất trong 6 năm qua, nhưng thành tích kinh tế của ông Obama vẫn bị đánh giá là khiêm tốn và bị chỉ trích dữ dội nhất so với các bảng đánh giá Tổng thống thường niên kể từ sau năm 2001 trở lại đây.
Thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 đồng nghĩa với việc Tổng thống hoàn toàn đơn độc giữa lưỡng viện Cộng hòa; đẩy ông Obama tới hành động đơn phương sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp để cải cách luật nhập cư, buộc phe Cộng hòa hoặc lên tiếng chỉ trích và dọa đâm đơn kiện ông chủ Nhà Trắng “vi hiến.”
Tranh cãi khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ cả Tổng thống Obama và Quốc hội đều giảm xuống mức thấp kỷ lục, với 81% số người được hỏi ý kiến không hài lòng với sự chia rẽ về chính trị chưa từng có hiện nay.
Nước Mỹ năm 2014 chứng kiến sự trở lại của bóng ma phân biệt chủng tộc. Cái chết của thanh niên da đen Michael Brown tại thị trấn Ferguson, bang Missouri do bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn, đã làm bùng lên hàng loạt cuộc biểu tình tại hàng chục thành phố của nước Mỹ. Họ phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát cũng như không chấp nhận phán quyết cảnh sát vô tội của Tòa án.
Vụ việc gây căng thẳng tới mức Tổng thống Obama đã phải đề nghị Quốc hội khoản ngân sách 263 triệu USD để chỉnh đốn lực lượng cảnh sát, trong đó dùng 75 triệu USD mua 50.000 camera gắn vào người để ghi lại các hành xử của các sỹ quan cảnh sát khi thực thi nhiệm vụ.
Làn sóng chỉ trích gay gắt còn bùng nổ ở cả trong nước và quốc tế sau vụ Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo mô tả chi tiết các biện pháp thẩm vấn tàn bạo của các sĩ quan Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đối với các nghi can khủng bố bị bắt sau vụ tấn công 11/9/2001.
Nhiều ngày trước khi bản báo cáo được công bố, Nhà Trắng đã ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ sở của Mỹ trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Hồi giáo, do lo ngại xảy ra các hành động tấn công khủng bố trả thù.
Di sản đối ngoại
Việc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm gián đoạn quan hệ có thể được xem là một di sản đối ngoại quan trọng bậc nhất của ông Obama, trở thành cá nhân đặt dấu chấm hết cho một trong những di sản còn lại cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Năm 2014 cũng chứng kiến quan hệ Mỹ-Nga được đánh giá là ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu do nhân tố Ukraine. Với thực trạng này, chủ trương của Tổng thống Obama “cài đặt lại” quan hệ với Nga không chỉ hoàn toàn thất bại, mà thậm chí còn làm gia tăng sự đối đầu giữa hai cường quốc.
Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt hòng bóp nghẹt nền kinh tế Nga, không chắc có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Ukraine mà thậm chí có thể gây ra các hiệu ứng ngược.
Với một cường quốc khác là Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Trung cũng ở trạng thái “so găng” liên tục. Tại APEC 2014, việc đặt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên cạnh Khu vực tự do thương mại Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là hình ảnh rõ nét nhất cho sự đối đầu Mỹ - Trung về kinh tế. Ngoài ra, vấn đề tin tặc, tỷ giá hối đoái, cán cân buôn bán và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.... vẫn là những khúc mắc lớn giữa 2 quốc gia.
Khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama cam kết rút quân khỏi hai cuộc chiến hao người tốn của ở Iraq và Afghanistan, song năm 2014, Washhington lại phải phát động cuộc chiến không biết bao giờ mới có hồi kết nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bế tắc, trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu chuyển biến. Tiến trình hòa bình Trung Đông gặp nhiều trắc trở bất chấp các nỗ lực ngoại giao “con thoi” của Ngoại trưởng John Kerry.
Chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ năm 2014 vẫn dậm chân tại chỗ. Điều này cũng được chính giới chức Mỹ thừa nhận, kế hoạch triển khai không - hải chiến tại châu Á mà Mỹ đang hướng tới hiện vẫn chỉ trên giấy.
Ví dụ việc cơ cấu lại lực lượng toàn cầu theo quan hệ 60/40 giữa châu Á và châu Âu vẫn không được thể hiện. Số lính thủy đánh bộ Mỹ điều chuyển đến Australia hai lần mới chỉ là 450/2.500 theo kế hoạch.
Nói tóm lại, trên bình diện thế giới, nước Mỹ đang rất vất vả và có biểu hiện đuối sức khi cố gắng duy trì vị trí siêu cường số một của mình.
Chờ đợi?
Dù 2014 là 1 năm xấu của ông Obama nhưng cũng không nên vội vã sớm tổng kết nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, vì ông vẫn còn hai năm để thể hiện.
2015 có thể trông đợi một tổng thống Mỹ mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, nhất là trong chính sách đối ngoại để chứng tỏ những công kích ông “mềm yếu” là sai lầm.
Riêng với châu Á, rất có thể chiến lược xoay trục có thể cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Bởi phe Cộng hòa nắm lưỡng viện, đây cũng là phe chủ trương tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với các nguy cơ đe dọa Mỹ ở khắp nơi. Trong chủ trương tăng ngân sách sẽ có việc gia tăng hiện diện, tăng sức mạnh quân sự ở khu vực.
Khả năng kết thúc đàm phán và ký được Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một trong những ưu tiên trong thời gian còn lại làm Tổng thống của Obama. Việc ký kết TPP được phe Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ trong khi không ít nghị sĩ của đảng Dân chủ tỏ ra hoài nghi. Một khi được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Đây cũng có thể coi là một xung lực quan trọng giúp cho kinh tế Mỹ tiếp tục đi lên và giúp Mỹ duy trì được vị thế của mình, vốn đang bị các đối thủ chính đe dọa./.