2017- năm đầy ắp sự kiện quan trọng của Trung Quốc

VOV.VN - 2017 là một năm thành công của Trung Quốc khi tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19- sự kiện quan trọng nhất của đất nước.

Việc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 đã thể hiện rõ bầu không khí chính trị của Trung Quốc, nêu bật được thành tựu nhiều mặt trong đời sống, kinh tế-xã hội của Trung Quốc.

Sinh viên ở tỉnh An Huy vẫy cờ khi xem truyền hình trực tiếp buổi khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: AFP

2017 cũng là năm mà Trung Quốc có những bước đi ngoại giao thể hiện tầm nhìn chiến lược có quy mô toàn cầu nhưng cũng phải đối mặt với những đối trọng đáng chú ý trong khu vực và trên thế giới.

Trung Quốc đặt lộ trình thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa"

Trong năm 2017 thành tựu nổi bật nhất của Trung Quốc chính là tổ chức thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Giới phân tích nhận định, Đại hội lần này đã chính thức thể chế hóa chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, với tham vọng đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số 1 thế giới không chỉ về kinh tế mà cả quân sự. 

Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định, trong 5 năm qua, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới, ban hành nhiều phương châm chính sách quan trọng, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại, tạo nên những biến chuyển và thành tựu mang tính lịch sử.

Đại hội 19 xác định, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc hiện nay là mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của người dân với phát triển không cân đối, không đầy đủ. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.

"Tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" chính là kiên trì và phát triển Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực hiện nhiệm vụ chính là hiện đại hoá Xã hội chủ nghĩa và "phục hưng dân tộc Trung Hoa vỹ đại".

Trên cơ sở hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, bố cục tổng thể "5 trong 1" và bố cục chiến lược "4 toàn diện", việc thực hiện sẽ được chia làm hai giai đoạn từ năm 2020 - 2035 và từ năm 2035 - 2049, đến giữa thế kỷ 21 trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà, tươi đẹp.

Ngoài ra, Đại hội 19 cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế "Vành đai và con đường", xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại ... và thực hiện xây dựng quân đội Trung Quốc thành một đội quân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Thời gian gần đây Trung Quốc dùng chính thành công của Đại hội 19 để nâng cao vai trò cũng như quảng bá hình ảnh rộng rãi trên khắp thế giới.

Năm 2017, Trung Quốc một mặt giữ ổn định kinh tế để đảm bảo cho thành công của Đại hội 19, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh kết cấu, tái cơ cấu chiến lược kinh tế nhà nước.

Đi sâu cải cách các doanh nghiệp nhà nước, giảm sản lượng dư thừa, đào thải các doanh nghiệp yếu kém, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường tập trung bồi dưỡng những doanh nghiệp hàng đầu thế giới có sức cạnh tranh toàn cầu.

Có thể nói, về tổng thể trong năm 2017 kinh tế Trung Quốc tương đối ổn định, nhưng ổn định là mang tính chính sách, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như đầu tư dân gian phục hồi không ổn định, nợ địa phương, bong bóng bất động sản ...

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở thời kỳ nước này gọi là giai đoạn then chốt chuyển đổi phương thức phát triển, tối ưu hóa kết cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng, chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao.

Trung Quốc đề ra mục tiêu chiến lược cần thực hiện ngay đó là xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại, đề cao chất lượng, ưu tiên hiệu quả và lợi ích. Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng kinh tế thực thể, bền vững với nguồn tài chính, nguồn nhân lực hiệu quả, sáng tạo, giàu sức cạnh tranh.

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân (hay còn gọi là vấn đề "Tam nông") hết sức được coi trọng, mang tính căn bản liên quan đến kế hoạch dân sinh quốc gia. 

Theo kế hoạch, những năm tiếp theo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại: Đi sâu cải cách kết cấu nguồn cung; Đẩy nhanh xây dựng đất nước kiểu sáng tạo; Thực thi chiến lược chấn hưng làng xã; Thực thi chiến lược phát triển nhịp nhàng giữa các khu vực; Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện.

Đẩy mạnh hợp tác "Vành đai và con đường"

Đối ngoại được đánh giá là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc có nhiều chuyển động trong năm 2017 trong đó nổi bật là việc Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao “Vành đai, con đường”.

Sáng kiến này bộc lộ rõ hơn tầm nhìn của Trung Quốc không chỉ ở khu vực mà trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến chiến lược "Vành đai và con đường" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ tháng 9/2013, từ đó đến nay đây được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc coi trọng chính sách nói trên và quyết tâm thực hiện chính sách này đến mức đưa nó vào Điều lệ Đảng Cộng sản sửa đổi tại Đại hội 19 vừa qua để đặt thành mục tiêu mà mỗi đảng viên phải hướng tới. Sáng kiến “Vành đai và con đường” là sáng kiến rất lớn và mang tính bao trùm.

Việc thúc đẩy triển khai sáng kiến này sẽ mở thêm nhiều không gian phát triển cho Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, qua đó không chỉ giúp Trung Quốc có thêm cơ hội để phát triển kinh tế mà còn qua đó, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được gia tăng. Sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng sẽ giúp thúc đẩy xây dựng các mối quan hệ kiểu mới giữa Trung Quốc với các nước, thúc đẩy các nước xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc...

Bên cạnh đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mối quan hệ kiểu mới, chủ yếu trên 2 trục chính, một là quan hệ với Mỹ và hai là quan hệ với các nước láng giềng như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Như chúng ta thấy, cách tiếp cận của Trung Quốc với Mỹ hay với các nước láng giềng trong thời gian gần đây cũng có nhiều biến chuyển, mềm mỏng và linh hoạt hơn nhằm xây dựng hình ảnh một Trung Quốc thân thiện hơn trong mắt các đối tác.

Ngoài ra, để phục vụ cho chiến lược đối ngoại đã được xác lập thì những chính sách ngoại giao và kinh tế, Trung Quốc đã và đang thực hiện xây dựng quân đội Trung Quốc trở thành một đội quân hàng đầu thế giới, hiện đại, có thể tác chiến ở mọi địa bàn, xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài... và sẵn sàng can dự vào mọi điểm nóng trên thế giới nếu cần.

Tuy nhiên, trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc cũng gặp phải những khó khăn nhất định khi Mỹ vẫn phản đối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc, rồi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra khái niệm về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do trong đó có các mắt xích chính là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, trước mắt sẽ là xây dựng một trận tự kinh tế quốc tế mở, bền vững, dựa trên những luật lệ công bằng.

Các chuyên gia cũng nhận định, đây có thể là sợi dây liên kết nhằm kìm hãm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên các mặt. Trong năm qua, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ cũng có lúc hết sức căng thẳng do tranh chấp ở khu vực biên giới.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia cũng xấu đi trong thời gian gần đây do phía Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chính trường nước này. Ngay cả quan hệ với Triều Tiên cũng không thuận lợi như Trung Quốc mong muốn.

Thậm chí, ngay cả Pakistan -  đối tác số 1 của Trung Quốc trong khu vực cũng từ chối một số khoản cho vay nằm trong kế hoạch triển khai "Vành đai và con đường" của Trung Quốc vì thấy có những điều khoản bất lợi.

Chính vì vậy có thể thấy là trong năm 2017, trong lúc đẩy mạnh trọng tâm của chính sách đối ngoại là việc triển khai sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc cũng đang chủ động cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế cùng lúc phải đối mặt với sự nghi ngại đang ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng quan hệ "kiểu mới" với Mỹ

Có thể nói ngay việc ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ đã phần nào giúp Trung Quốc thuận lợi hơn trong việc triển khai những chiến lược của mình trong khu vực bởi Mỹ sẽ tạm gác chiến lược khiến Trung Quốc không khỏi "đau đầu", đó là chiến lược xoay trục tái cân bằng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương có từ thời Tổng thống Obama.

Thâm hụt thương mại và vấn đề Triều Tiên là hai mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc và Trung Quốc có vẻ như đã nghiên cứu khá kỹ cá tính cũng như tâm lý của ông Donald Trump.

Ngay khi ông Donald Trump lên nắm quyền không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm hết sức thân mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, hai bên đã đề ra kế hoạch 100 ngày thương lượng về thương mại nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Bước đi này thể hiện sự chủ động của Trung Quốc nhằm giải tỏa mối lo ngại từ phía Mỹ. Rồi việc Trung Quốc tổ chức đón Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sang thăm Trung Quốc với nghi thức đặc biệt chưa từng có.

Trong chuyến thăm này hai bên đã ký các hiệp định hợp tác có tổng giá trị lên tới 253,5 tỉ USD, đúng như những gì Trung Quốc nói sẽ dành cho Mỹ những gì Mỹ muốn. Tuy nhiên, qua đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì nhiều hợp đồng hợp tác trong số này không có tính ràng buộc cao.

Về vấn đề Triều Tiên, hai bên cũng đạt được những đồng thuận nhất định đó là ủng hộ các Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an LHQ.

Với sự thúc ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã áp dụng nhiêu biện pháp cả ngoại giao và kinh tế nhằm thuyết phục Triều Tiên dừng các hoạt động thử vũ khí hạt nhân hay phóng thử tên lửa, quay trở lại bàn đàm phán.

Trung Quốc đã cử các đoàn công tác sang Triều Tiên, cấm nhập hàng khoảng sản, dệt may từ Triều Tiên, dừng xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên, không sử dụng lao động là người Triều Tiên, hay đóng cửa các công ty của Trung Quốc có giao dịch làm ăn với Triều Tiên. Hãng hàng không Air China của Trung Quốc cũng đã đình chỉ vô thời hạn các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, việc nhà Lãnh đạo Kim Jong-un và chính quyền Triều Tiên kiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân khiến những tính toán của Trung Quốc phải thay đổi.

Việc cần làm của Trung Quốc hiện nay là ngăn không để xảy ra xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên do lo ngại chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra ngay sát nách Trung Quốc và hậu quả thì hết sức khó lường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc quan ngại trước bình luận của Trump về “Một Trung Quốc“
Trung Quốc quan ngại trước bình luận của Trump về “Một Trung Quốc“

VOV.VN - Trung Quốc kêu gọi ông Trump nhận thức đầy đủ về tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và duy trì chính sách “Một Trung Quốc”.

Trung Quốc quan ngại trước bình luận của Trump về “Một Trung Quốc“

Trung Quốc quan ngại trước bình luận của Trump về “Một Trung Quốc“

VOV.VN - Trung Quốc kêu gọi ông Trump nhận thức đầy đủ về tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và duy trì chính sách “Một Trung Quốc”.

Báo Trung Quốc đe dọa Mỹ phải thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”
Báo Trung Quốc đe dọa Mỹ phải thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”

VOV.VN - Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 8/1 cảnh báo Trung Quốc sẽ đáp trả nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Báo Trung Quốc đe dọa Mỹ phải thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”

Báo Trung Quốc đe dọa Mỹ phải thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”

VOV.VN - Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 8/1 cảnh báo Trung Quốc sẽ đáp trả nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ nguyên tắc “Một Trung Quốc”
Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ nguyên tắc “Một Trung Quốc”

VOV.VN - Trung Quốc cảnh báo, bất cứ thế lực nào tìm cách phá vỡ chính sách "Một Trung Quốc" cũng là tự ném đá vào chân họ.

Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ nguyên tắc “Một Trung Quốc”

Trung Quốc cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ nguyên tắc “Một Trung Quốc”

VOV.VN - Trung Quốc cảnh báo, bất cứ thế lực nào tìm cách phá vỡ chính sách "Một Trung Quốc" cũng là tự ném đá vào chân họ.

Lễ hội pháo hoa nguy hiểm nhất thế giới ở Đài Loan (Trung Quốc)
Lễ hội pháo hoa nguy hiểm nhất thế giới ở Đài Loan (Trung Quốc)

VOV.VN-Người ta sẽ phải mặc quần áo bảo hiểm từ đầu đến chân khi tham dự Lễ hội pháo hoa tổ ong ở Diêm Thủy, Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 10/2 vừa qua.

Lễ hội pháo hoa nguy hiểm nhất thế giới ở Đài Loan (Trung Quốc)

Lễ hội pháo hoa nguy hiểm nhất thế giới ở Đài Loan (Trung Quốc)

VOV.VN-Người ta sẽ phải mặc quần áo bảo hiểm từ đầu đến chân khi tham dự Lễ hội pháo hoa tổ ong ở Diêm Thủy, Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 10/2 vừa qua.