3 kịch bản có thể xảy ra trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VOV.VN - Chỉ còn ít ngày nữa, Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, với kết quả của cuộc bầu cử sẽ có tác động rất lớn tới chính trường nước này trong hai năm tới.

Các cuộc thăm dò và dự báo gần đây về bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ cho thấy, chưa thể xác định đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi đó đảng Cộng hòa có nhiều khả năng không giành được đa số tại Hạ viện.

Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện trong 2 năm qua sau cuộc bầu cử năm 2020, tạo điều kiện cho ông Biden có thể dễ dàng thông qua những điều luật và chính sách mà ông muốn.

Cuộc bầu cử giữa kỳ liên quan đến Quốc hội, bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện sẽ là cánh cửa đầu tiên để quyết định dự luật đó có được biểu quyết để đưa tới Thượng viện hay không. Thượng viện sau đó sẽ quyết định thông qua hoặc không thông qua các luật đó.

The Vox đã chỉ ra 3 kịch bản có thể xảy ra tại Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Kịch bản 1: Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội

Tạp chí Vox của Mỹ cho rằng, đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra. Các dự báo từ Politico và hãng thăm dò FiveThirtyEight cho thấy, đảng Cộng hòa chỉ có nhiều khả năng chiếm đa số ở Hạ viện, trong khi cuộc đua ở Thượng viện giữa hai đảng sẽ rất gay cấn.

Nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, họ có thể theo đuổi một chương trình nghị sự vượt ra ngoài những gì đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, ngay cả khi quyền phủ quyết của Tổng thống Joe Biden cuối cùng có thể ngăn chặn hầu hết khả năng biến nó thành hiện thực.

Quyền phá thai không nằm trong chương trình vận động bầu cử giữa kỳ của đảng Cộng hòa nhưng có thể trở thành vấn đề hàng đầu nếu họ nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Vào tháng 10, Tổng thống Biden cảnh báo rằng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội sẽ khiến “nền kinh tế Mỹ bị nghiền nát vào năm tới”, khi tìm cách cắt giảm an sinh xã hội và Medicare - các chương trình chăm sóc sức khỏe.

Hạ viện và Thượng viện cuối cùng vẫn bị hạn chế về những gì có thể ban hành thành luật trong hai năm tới vì Tổng thống Biden có thể dùng quyền phủ quyết. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Cộng hòa không thể được thông qua các dự luật, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát chắc chắn sẽ có thể thay đổi chương trình nghị sự của ông Biden.

Kịch bản 2: Quốc hội bị chia rẽ

Quốc hội Mỹ có thể được chia theo hai cách, với đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện hoặc ngược lại, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Tại Hạ viện, đảng Dân chủ giữ 220 ghế, trong khi đảng Cộng hòa có 212 ghế. Đảng Cộng hòa cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được 6 ghế để hội đủ 218 ghế và kiểm soát Hạ viện.

Hiện tại, Thượng viện đang ở thế rất sít sao. Ở Thượng viện, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cân bằng 50-50 ghế nhưng vì Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ, nên lá phiếu của bà sẽ cho phép đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần thắng 1 ghế trước đảng Dân chủ là có thể kiểm soát Thượng viện trong ít nhất 2 năm tới.

Theo kết quả thăm dò, nhiều khả năng, đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ vẫn giữ đa số ghế ở Thượng viện. Việc mất đi một hoặc cả lưỡng viện quốc hội sẽ ảnh hưởng sâu sắc cho nửa nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Biden.

Trong trường hợp mỗi đảng kiểm soát một viện tại Quốc hội, khả năng thông qua những đạo luật đầy tham vọng là rất khó khăn. Thay vào đó, hai viện sẽ tập trung vào các ưu tiên của riêng họ trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với các tranh cãi về các dự luật phải thông qua như tài trợ của chính phủ và việc tăng trần nợ.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẵn sàng nâng mức trần nợ để đổi lấy việc cắt giảm các chương trình khác như đầu tư năng lượng sạch và an sinh xã hội. Trong trường hợp đó, Hạ viện và Thượng viện có thể đối mặt với tình trạng bế tắc có thể khiến Mỹ đứng trước bờ vực vỡ nợ, một kịch bản có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.

Trong khi đó, về phía Hạ viện, một hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa sẽ có thể tiến hành các cuộc điều tra ngay cả khi đảng Cộng hòa không kiểm soát Thượng viện. Cũng giống như trường hợp nếu đảng Cộng hòa chiếm được đa số trong cả hai viện, họ sẽ có toàn quyền tổ chức các cuộc điều tra tại Hạ viện về mọi thứ, từ các giao dịch tài chính của Hunter Biden, con trai Tổng thống Biden, đến cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với an ninh biên giới. Các cuộc điều tra và bỏ phiếu luận tội đều có thể tiến hành mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện hoặc chữ ký của Nhà Trắng.

Kịch bản 3: Đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội

Kể từ năm 2020 đến nay, đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ rất quan trọng bởi việc đảng Dân chủ của Tổng thống Biden có kiểm soát được cả hai viện hay không có ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện chương trình nghị sự hoặc chính sách của ông trong thời gian tới. Tuy nhiên, khả năng giữ được đa số ở cả 2 viện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới là không dễ dàng.

Một số quan chức cho biết, Nhà Trắng lo ngại rằng đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.

Theo số liệu của hãng phân tích Gallup, 40% người dân Mỹ được hỏi ủng hộ cách làm việc của Tổng thống Biden, 17% hài lòng với tình hình ở Mỹ và 21% ủng hộ hoạt động của Quốc hội dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ.

“Tỷ lệ ủng hộ cách làm việc của tổng thống và Quốc hội đang gần mức thấp lịch sử của đảng”, hãng Gallup cho biết.

Nếu đảng Dân chủ vẫn giữ được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden sẽ có cơ hội tiếp tục các chính sách của mình như ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng chương trình y tế của chính phủ, bảo vệ quyền nạo phá thai hay siết chặt kiểm soát súng đạn.

Bên cạnh đó, các thành viên đảng Đảng Dân chủ cũng sẽ có cơ hội thông qua luật hòa giải ngân sách mà không phải lo lắng về sự phân tán, dù họ sẽ gặp những hạn chế nhất định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
Hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VOV.VN - Tới nay đã có hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ diễn ra ngày 08/11. Dự kiến số người bỏ phiếu sớm năm nay có thể sẽ vượt qua kỷ lục năm 2018.

Hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VOV.VN - Tới nay đã có hơn 13 triệu người bỏ phiếu sớm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ diễn ra ngày 08/11. Dự kiến số người bỏ phiếu sớm năm nay có thể sẽ vượt qua kỷ lục năm 2018.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Mỹ vào chặng nước rút
Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Mỹ vào chặng nước rút

VOV.VN - Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn hai tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Mỹ vào chặng nước rút

Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 tại Mỹ vào chặng nước rút

VOV.VN - Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn hai tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí thống đốc tiểu bang và chính quyền địa phương.

Cục diện chính trường Mỹ 4 tuần trước bầu cử giữa nhiệm kỳ
Cục diện chính trường Mỹ 4 tuần trước bầu cử giữa nhiệm kỳ

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden sẽ không có tên trên các lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 sẽ là cơ hội đầu tiên để cử tri đưa ra đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Cục diện chính trường Mỹ 4 tuần trước bầu cử giữa nhiệm kỳ

Cục diện chính trường Mỹ 4 tuần trước bầu cử giữa nhiệm kỳ

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden sẽ không có tên trên các lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 sẽ là cơ hội đầu tiên để cử tri đưa ra đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của ông.