3 kịch bản xung đột quân sự Nga - Ukraine trong năm 2023
VOV.VN - Vậy là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã tròn một năm. Với nhiều điều bất ngờ, chiến sự đã diễn ra ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Trong năm 2023 này, cuộc xung đột đó sẽ diễn biến theo những kịch bản như thế nào?
Tiền tuyến ở Ukraine có thể tạm đóng băng nhưng chiến trận tại đây vẫn diễn ra ác liệt. Tại thành phố Bakhmut, nơi Nga xem là chìa khóa để giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine (Nga trước đó tuyên bố sáp nhập), các tuần qua chứng kiến thương vong lớn của cả hai bên, theo các nhà phân tích Mỹ.
Vào tháng 2/2023 này, xung đột Ukraine - Nga tròn một năm. Nhiều nhà quan sát kỳ cựu về Nga đã không dự báo trước được sẽ có một cuộc xung đột như thế. Khi ấy, họ tin rằng Tổng thống Nga Putin chỉ cắm quân ở biên giới với Ukraine nhằm tạo “đòn ngoại giao thép hạng nặng” răn đe Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO chớ mở rộng ảnh hưởng sang phía Đông.
Sau khi xung đột quân sự nổ ra vào tháng 2/2022, cuộc đối đầu đó lại tạo ra nhiều bất ngờ mới về quân sự, ngoại giao và chiến lược. Một mặt, Nga vấp phải sức chiến đấu đáng kể của Ukraine cũng như mức độ hậu thuẫn và viện trợ to lớn của EU và Mỹ dành cho Ukraine. Mặt khác, giới chức phương Tây cũng phải vật vã đối phó với các kênh ngoại giao bị chặn ở Liên Hợp Quốc và sự ủng hộ không hề nhỏ của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á dành cho Nga. Mặc dù phương Tây tung ra vô số lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga ở cấp độ toàn cầu, Nga vẫn xoay sở để trụ vững được. Và quy mô của làn sóng nhập cư người Ukraine vào châu Âu đang khiến nhiều nước phương Tây phải đau đầu.
Trong năm 2023, xung đột này được dự báo có thể diễn tiến theo 3 hướng sau:
Kịch bản 1: Nga giành thắng lợi rõ ràng
Theo kịch bản này, Nga giành được một loạt chiến thắng quân sự từ cuối mùa đông này. Nga tái chiếm hầu hết tỉnh Kherson, đe dọa trực tiếp thủ đô Kiev từ Belarus và thẳng tiến tới Odessa. Để có được kết quả đó, về phía Ukraine phải bị cạn kiệt cả về nhân lực và vật lực.
Các binh sĩ Nga, được động viên vào mùa thu năm 2022, trải qua huấn luyện hiệu quả và được triển khai ở cấp chiến thuật. Chuỗi cung ứng bám vào 3 mặt trận chính (Bắc, Đông, và Nam). Đã hiểu về cuộc phản công của Ukraine, quân đội Nga đặt các trung tâm hậu cần của mình bên ngoài tầm với của pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất.
Thành công trên sẽ kéo theo một chiến thắng rõ ràng cho Nga ở Ukraine. Các vùng mà Nga sáp nhập ở miền Đông Ukraine sẽ được củng cố. Trong khi đó, Ukraine sẽ thiếu sự thống nhất cần thiết cho nỗ lực tái thiết sau này.
Về phía Ukraine, kịch bản được xem là tệ nhất này có thể trở thành hiện thực nếu xảy ra vài bước phát triển sau: Lực lượng vũ trang Ukraine bị hao mòn nghiêm trọng và gặp các vấn đề về cung ứng vũ khí. Chính quyền Ukraine sẽ gặp khó khăn trong duy trì nguồn viện trợ từ phương Tây, nhất là trong bối cảnh thời gian qua họ chứng kiến một số bê bối về tham nhũng.
Trên phương diện quốc tế, kịch bản này bảo đảm Nga tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang châu Á và duy trì chiến lược định giá ở bên phía các nước có thế mạnh về khí đốt. Moscow sẽ khai thác tối đa mạng lưới ngoại giao và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc khi đối mặt với ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, ảnh hưởng của các chính phủ thân Ukraine ở Ba Lan và các nước Bắc Âu trong EU sẽ suy giảm. Nếu tình hình Đài Loan căng thẳng vào lúc này, sự chú ý của Mỹ vào tình hình Ukraine sẽ lại càng bị pha loãng thêm.
Kịch bản 2: Nga hứng chịu bước lùi
Trong kịch bản này, Nga mở cuộc tấn công mới vào Kiev cũng như ở Donbass và tỉnh Kherson.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công này không đạt được mục tiêu đề ra. Nga tổn thất nhiều binh sĩ và đánh mất một số vùng lãnh thổ đáng kể trong 4 tỉnh họ sáp nhập vào tháng 9/2022. Ukraine sẽ chiếm lại các thành trì của Nga và tiến vào Crimea.
Có một số nhân tố dẫn tới kịch bản này. Trong nước Nga, việc tuyển thêm quân có thể gặp khó khăn. Và việc huấn luyện lượng lớn tân binh không phải là điều đơn giản. Các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục gặm nhấm, làm trầm trọng thêm các khủng hoảng của Nga.
Còn tại Ukraine, kịch bản này có thể dựa trên các yếu tố sau. Thứ nhất, Ukraine đã vượt qua thử thách của chiến sự và duy trì được ổn định chính trị ngay trước các cuộc bầu cử nghị viện vào mùa thu năm 2023. Viện trợ quân sự của châu Âu và của Mỹ vẫn đều đặn chảy vào Ukraine. Trong khi đó, quân đội Ukraine xoay sở để giữ vững được vài mặt trận cùng một lúc.
Về dài hạn, kịch bản này có khả năng sẽ dọn đường cho lệnh ngừng bắn và kéo theo đàm phán hòa bình.
Hai vấn đề khó xử sẽ là số phận của bán đảo Crimea và tư cách thành viên của Ukraine trong khối NATO.
Kịch bản 3: Chiến sự kéo dài
Kết quả thứ 3 cho xung đột này là không bên nào giành được thế thượng phong trong vài năm liền.
Điều này đồng nghĩa với việc các tiền tuyến chính được duy trì ổn định, nhưng các trận chiến cục bộ vẫn nổ ra tại các nơi có tầm quan trọng nhỏ như các giao lộ, âu tàu và các cây cầu. Nga có thể sẽ chỉ tập trung vào củng cố vùng Donbass.
Mặt khác, Ukraine có thể tận dụng lợi thế để đánh từ Kherson xuống phương nam, đe dọa Crimea. Kịch bản này không loại trừ giao tranh khốc liệt và thành công ít ỏi ở mỗi bên.
Vài nhân tố có thể kết hợp lại để dẫn tới tình huống trên. Viện trợ quân sự phương Tây có thể đi ngang. Năng lực chiến đấu của Ukraine có thể không tạo ra hiệu ứng nào như hồi mùa hè năm 2022 do phía Nga đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm.
Trong khi đó, không bên nào thuyết phục được dân chúng của mình chấp nhận đàm phán dựa trên cơ sở cán cân sức mạnh quân sự hiện tại. Đối với Nga, chưa có thành công rõ ràng; đối với Ukraine, lãnh thổ chưa được khôi phục như trước chiến sự. Và như vậy, Ukraine trong năm 2023 sẽ là một xung đột mới chưa được giải quyết trong không gian hậu Xô viết./.