3 thách thức lớn cản trở kế hoạch mở cửa trở lại của Indonesia
VOV.VN - Những thách thức lớn, trong đó có hạn chế về thu thập dữ liệu, thiếu khả năng tiếp cận vaccine và và tiếp cận các dịch vụ y tế không đồng đều đang cản trở kế hoạch mở cửa trở lại của Indonesia.
Thu thập dữ liệu hạn chế
Vào tháng 7 vừa qua, thủ đô Jakarta của Indonesia đã trở thành tâm dịch ở Đông Nam Á. Các bệnh viện chật cứng giường bệnh và cạn kiệt oxy để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Những gia đình có người tử vong do Covid-19 phải giữ thi thể người chết ở trong nhà của họ vì không có đủ đội ngũ y tế để đưa đi. Đến giữa tháng 8, gần một nửa trong số 10 triệu người dân của thành phố đã bị mắc Covid-19 và đã có ít nhất 5.200 người tử vong vì dịch bệnh. Khi số ca mắc bắt đầu giảm, ngày 23/8, chính phủ nước này tuyên bố nới lỏng hạn chế ở Jakarta, mở cửa trở lại các nhà hàng, trung tâm thương mại và nhà thờ.
Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho biết, tính đến giữa tháng 9/2021, số ca mắc và ca tử vong ở Indonesia đã có chiều hướng giảm mạnh. Hiện tại, Bộ này đang đẩy mạnh nỗ lực đầy tham vọng: tiêm chủng cho tất cả người dân và đưa Indonesia trở thành quốc gia có thể sống chung với dịch Covid-19. Một bộ trưởng cấp cao phụ trách ứng phó đại dịch Covid-19 cho biết, đảo du lịch Bali có thể mở cửa đón khách nước ngoài vào tháng 10/2021.
Nhưng ngay cả khi Indonesia kỳ vọng đạt được những mục tiêu nói trên, nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có hạn chế về thu thập dữ liệu, thiếu khả năng tiếp cận vaccine và và tiếp cận các dịch vụ y tế không đồng đều. Đây cũng là những vấn đề khiến Indonesia bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 vào mùa Hè năm nay.
Khoảng 23% dân số của Indonesia đã được tiêm vaccine, nhưng phần lớn các trường hợp được tiêm chủng đều ở thủ đô Jakarta. Trong khi tại những khu vực nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng chỉ dao động ở mức một con số. Các nhà phân tích dữ liệu đang khuyến cáo chính phủ Indonesia thận trọng, lo ngại rằng họ không thu thập đủ dữ liệu về đại dịch để xác định liệu nước này có sẵn sàng mở cửa trở lại hay không.
Indonesia là một quần đảo với 5 hòn đảo chính và 6.000 hòn đảo nhỏ, chia làm 34 tỉnh thành, với dân số 270 triệu người. Biện pháp chống dịch Covid-19 tại mỗi tỉnh do thống đốc địa phương giám sát, tương tự như các bang ở Mỹ. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm gửi dữ liệu về dịch bệnh đến các cơ quan chức năng của chính phủ để thống kê số ca mắc và số ca tử vong hàng ngày.
Elina Ciptadi, đồng sáng lập của Kawal Covid – một tổ chức tình nguyện bao gồm các nhà phân tích dữ liệu Covid-19 ở Indonesia cho biết, vấn đề nằm ở chỗ không phải tất cả các ca tử vong do mắc Covid-19 ở các địa phương đều được đưa vào hệ thống tính toán quốc gia.
Đây không phải điều bất ngờ. Bởi nhà chức trách Indonesia cho biết, họ sẽ không tính vào số ca tử vong do Covid-19 nếu bệnh nhân có các bệnh lý nền hoặc nếu họ không được xét nghiệm. Kawal Covid ước tính rằng số người chết thực tế ở Indonesia cao gấp 3,5 lần so với số liệu của chính phủ.
Bên cạnh đó, Kawal Covid cũng cho rằng, Indonesia chưa thu thập đầy đủ dữ liệu về dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa trở lại. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân do năng lực xét nghiệm hạn chế và tâm lý của nhiều người dân ngần ngại tới các cơ sở xét nghiệm.
Mặc dù là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia mới chỉ thực hiện khoảng 36,5 triệu xét nghiệm, ít hơn so với bang Florida của Mỹ.
Pandu Riono, nhà dịch tễ học cao cấp tại Đại học Indonesia cho biết, điều này một phần do lỗi của các quan chức địa phương.
“Nếu họ tăng cường xét nghiệm, họ sẽ phát hiện ra nhiều ca mắc hơn. Khi đó khu vực của họ sẽ thuộc vùng đỏ và phải áp dụng nhiều hạn chế hơn. Họ có thể không muốn như vậy vì điều đó sẽ làm suy giảm nền kinh tế”, ông Riono nói.
Một nguyên nhân khác là do tâm lý ngần ngại của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Nhiều người lo ngại nếu phải cách ly lâu ngày, họ sẽ mất việc làm hoặc cơ sở kinh doanh của họ sẽ bị đóng cửa và không có tiền để nuôi sống gia đình.
Theo tổ chức Kawal Covid, để có thể mở cửa trở lại, Indonesia cần theo dõi chặt chẽ số ca tử vong và ca mắc bởi những số liệu đó có thể giúp chính phủ đánh giá chính xác quy mô của đợt bùng phát. “Nếu nhìn vào những con số thực tế, Indonesia vẫn còn phải đi một chặng đường rất xa để có thể tuyên bố là quốc gia sống chung với Covid-19”, chuyên gia Ciptadi của tổ chức Kawal Covid nhận xét.
Khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế
Khi tình hình dịch bệnh tại Jakarta thuyên giảm, bác sỹ cấp cứu Dewi đã quyết định rời thủ đô. Cô đến hòn đảo Flores nghèo hơn, cách Jakarta hơn 1.600 km về phía Đông để làm việc tại các bệnh viện ở đó. Khi đến đây, Dewi phải mang theo các thiết bị bảo hộ y tế cá nhân như bộ xét nghiệm và khẩu trang N95 để phòng bệnh.
Dewi cho biết, có một sự khác biệt rõ ràng về dịch vụ y tế: “Có rất ít giường bệnh và ít thuốc thang điều trị. Cơ sở vật chất cũng hạn chế”.
Dịch vụ y tế của Indonesia vẫn còn kém so với các quốc gia đông dân khác trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, tại Indonesia, cứ 1.000 người dân thì mới có 1 giường bệnh, trong khi ở Trung Quốc con số này là 4,3 giường và Mỹ là 2,9 giường.
Ước tính có tới 43% dân số Indonesia sống ở các vùng nông thôn. Theo bác sỹ Dewi, tại một số vùng nông thôn, bác sỹ phải đi đến từng nhà bệnh nhân, điều này khiến việc thăm khám trở nên phức tạp hơn nhiều. Ở đảo Maluku, nơi mà Dewi từng làm việc trước đại dịch, chỉ có 2 bình oxy sẵn có cho hàng nghìn người dân nơi đây.
“Đó là những ví dụ điển hình về sự khác biệt trong hệ thống y tế ở Jakarta và các vùng nông thôn. Nếu tôi muốn có oxy, tôi sẽ phải vượt biển đến 1 hòn đảo khác’, Dewi cho biết.
Hạn chế trong tiếp cận vaccine
Giới chức Indonesia đã đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng mũi thứ nhất cho 70% dân số cho đến tháng 11/20121, coi đây là điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại nền kinh tế và du lịch.
Nhưng xét đến tình hình hiện tại, Indonesia phải mất 9 tháng để tiêm mũi đầu tiên cho 80 triệu người. Nước này bắt đầu tiến hành tiêm vaccine vào tháng 1/2021 và đến nay mới đạt 43% mục tiêu của Bộ Y tế.
Mặc dù Indonesia đang tăng tốc chiến dịch tiêm chủng để tiêm 50 triệu liều vaccine mỗi tháng, nhưng nước này vẫn phải chờ đợi để được nhận vaccine. Indonesia không sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ đã dự trữ 86% trong số 430 triệu liều mà họ cần cho chương trình tiêm chủng. Ngoài việc tiếp nhận vaccine từ chương trình tài trợ của WHO, Indonesia cũng đặt mua của nhiều quốc gia khác. Điều đó khiến nước này bị lệ thuộc vào các nước sản xuất vaccine.
Một thách thức khác mà Indonesia phải đối mặt là việc vận chuyển và phân phối vaccine đến các tỉnh thành. Do có nhiều hòn đảo lớn nhỏ nên việc vận chuyển phải thực hiện bằng máy bay hoặc bằng tàu thuyền.
Hiện tại, một số tỉnh nông thôn của nước này vẫn có tỷ lệ tiêm chủng dưới 10%, trong khi những tỉnh khác như Bali và Riau - các khu du lịch mà chính phủ đang tìm cách mở cửa trở lại - có tỷ lệ lần lượt là 58% và 38%./.