4 giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 và bài học cảnh tỉnh cho Indonesia
VOV.VN - Nếu không áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia sẽ gia tăng theo cấp số nhân.
Các chuyên gia cảnh báo, sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Indonesia – quốc gia có hơn 1/4 tỷ dân này có thể tăng theo cấp số nhân nếu chính phủ Indonesia không thực hiện ngay lập tức các nỗ lực nhằm ngăn chặn việc lây lan.
Đường phố vắng vẻ bất thường ở Jakarta, Indonesia do dịch Covid-19. Ảnh: AFP. |
Sử dụng mô hình tính toán kết hợp dữ liệu được thu thập kể từ ngày 2/3 với giả thuyết rằng thời gian nhân đôi số ca mắc tương tự như Iran và Italy, các chuyên gia ước tính đến cuối tháng 4/2020, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia có thể tăng lên từ 11.000 đến 71.000 trường hợp.
4 giai đoạn bùng phát dịch
Nhìn chung, một đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có 4 giai đoạn: Giai đoạn trì hoãn, giai đoạn tăng theo cấp số nhân, giai đoạn chững lại và giai đoạn suy giảm.
Giai đoạn trì hoãn là giai đoạn ban đầu khi chỉ có một vài người đến các cơ sở y tế thăm khám vì xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Đây là thời kỳ ủ bệnh tạo cơ hội cho virus nhân lên và lây lan từ người này sang người khác. Một số người mắc Covid-19 không xuất hiện triệu chứng. Nếu không xét nghiệm họ có thể không biết họ là người mang virus. Trong giai đoạn này, hầu hết các cơ quan y tế và cộng đồng có xu hướng không lưu tâm và một số trường hợp cho rằng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Chẳng hạn, Hàn Quốc thông báo ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1. 4 tuần sau đó, mới chỉ có 30 ca mắc mới tại nước này. Ngày 18/2, một bệnh nhân mắc Covid-19 đã tham dự một sự kiện tôn giáo tại nhà thờ thuộc giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu. Hai ngày sau đó, số ca mắc bùng phát lên đến 346 người. Giai đoạn trì hoãn diễn ra trong 4 tuần, trong đó các cơ quan y tế chỉ theo dõi những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với virus và không đưa ra những biện pháp can thiệp quyết liệt.
Sau đó, đến giai đoạn bùng phát theo cấp số nhân. Tính đến ngày 18/3, Hàn Quốc thông báo có 8.413 ca mắc và 81 ca tử vong.
Việc chậm trễ trong phát hiện các trường hợp lây nhiễm thường dẫn đến một sự bùng nổ các ca mắc Covid-19. Trong giai đoạn này, giới chức y tế và hầu hết người dân đã bắt đầu nhận thức được mối nguy hiểm. Họ bắt đầu hoảng loạn và ngay lập tức hành động để kiểm soát tình hình. Thế nhưng, các dịch vụ y tế đã bị quá tải.
Italy là một ví dụ điển hình về tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân nghiêm trọng hơn so với các quốc gia khác. Nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1. Sau đó, thông báo có thêm một số công dân Italy trở về từ Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính. Đến ngày 20/2 (3 tuần sau ca mắc đầu tiên), một công dân Italy chưa từng đi đến Trung Quốc cũng như không tiếp xúc với bất cứ ai đến từ châu Á được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ đó, số bệnh nhân gia tăng theo cấp số nhân. Khoảng 6 tuần sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên, đến ngày 18/3, Covid-19 đã khiến 2.500 người tử vong và 31.506 trường hợp lây nhiễm tại Italy.
Tiếp đến là giai đoạn chững lại. Sau khi tăng lên đến đỉnh điểm, số ca mắc bắt đầu giảm. Việc xuất hiện các trường hợp nhiễm mới không còn nhanh như ở giai đoạn thứ 2, mà có xu hướng ổn định hơn. Một số yếu tố có thể gây ra sự sụt giảm số ca nhiễm trong gia đoạn này. Đầu tiên là các biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn sự lan lan của dịch bệnh. Thứ 2, cộng đồng đã phát triển khả năng miễn dịch và chống lại sự nhiễm trùng. Thứ 3, do việc giảm về số lượng những người dễ bị tổn thương (nói cách khác, nhiều người đã tử vong vì bị virus tấn công).
Giai đoạn cuối cùng là khi tỷ lệ lây nhiễm cho thấy chiều hướng đi xuống và số ca mắc mới cũng giảm theo chiều hướng này (hay còn gọi là thời kỳ suy giảm). Độ dài của các giai đoạn sẽ rất khó dự đoán nhưng chắc chắn giai đoạn tăng theo cấp số nhân sẽ xảy ra ngay sau giai đoạn trì hoãn.
Indonesia đang bước vào giai đoạn thứ 2
Trang Our World in Data tính toán tốc độ gia tăng số ca mắc mới Covid-19 ở mức độ khác nhau với mỗi quốc gia khác nhau. Tại Hàn Quốc, số trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gấp đôi cứ sau 13 ngày, Iran và Italy nghiêm trọng hơn, lần lượt cứ sau 7 ngày và 5 ngày. Trung Quốc, trong tháng 3, tăng gấp đôi số ca mắc cứ sau 33 ngày. Riêng tại Indonesia, số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi cứ sau 2 ngày.
Giới chuyên gia cho rằng, Indonesia mới bước vào giai đoạn cấp số nhân, vì thế chính phủ nước này cần phải hành động ngay lập tức để làm chậm lại tình trạng nhân đôi số ca mắc.
Điều này có thể được thực hiện trước hết bằng việc tăng cường kiểm tra, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm. Chính phủ phải sử dụng những xét nghiệm có khả năng phát hiện nhanh với độ chính xác cao để phân biệt những người nhiễm virus và những người không bị nhiễm. Thứ 2, chính phủ nên cung cấp dữ liệu về vị trí của bệnh nhân ở cấp độ tiểu khu để người dân có thể tự đánh giá, phòng ngừa và tránh tiếp xúc với những khu vực này.
Thứ 3, chính phủ cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, khuyến khích người dân hạn chế tiếp xúc với nhau, thực hiện nghiêm túc biện pháp “giãn cách xã hội”. Chẳng hạn như hạn chế di chuyển giữa các quận huyện hoặc thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giám sát nghiêm ngặt những cá nhân trở về từ các vùng bị ảnh hưởng và phạt những đối tượng vi phạm lệnh cấm tập trung đông người.
Tổng thống Joko Widodo công bố hai trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại nước này vào ngày 2/3. Trong những tuần sau đó, số trường hợp nhiễm mới tăng lên nhanh chóng. Tính đến ngày 30/3, Indonesia đã ghi nhận 114 ca tử vong trên tổng số 1.285 ca mắc Covid-19. Tỷ lệ tử vong của nước này ở mức trên 8%, tương đương Italy, ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu và gấp đôi mức trung bình toàn thế giới.
Indonesia đã thực hiện việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trên diện rộng tại một số thành phố và các điểm nóng về dịch bệnh tại Jakarta, Tây Java và Banten, tập trung vào những nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có nhân viên y tế.
Vì sao Indonesia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới?
Đỉnh dịch dễ rơi vào tháng lễ Hồi giáo Ramadan
Tháng ăn chay Ramadan tại Indonesia sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4. Trong thời gian này, người Hồi giáo, chiếm phần lớn dân số Indonesia, tổ chức nhiều hoạt động tập thể có sự tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như cùng thưởng thức bữa tối chính Iftar kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày, hoặc cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo.
Vào cuối tháng 5, sẽ có những buổi lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan. Gần 15 triệu người thường rời Jakarta trong thời gian này để đến Tây Java, Trung Java và Đông Java cũng các tỉnh thành khác để tận hưởng kỳ nghỉ theo lịch Hồi giáo. Đây là thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát mạnh nhất.
Các chuyên gia cho rằng Indonesia nên rút bài học kinh nghiệm từ cuộc gặp gỡ tập thể có sự tham gia của hơn 40.000 gia đình trước dịp Tết nguyên đán tại quận Baibuting, Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/1. Sự kiện quy mô lớn này được cho là một trong những nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lan rộng trên khắp Trung Quốc lục địa, sau đó là nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Về mặt lý thuyết, các biện pháp can thiệp như hạn chế tụ tập đông người, giãn cách xã hội, xét nghiệm hàng loạt và cách ly những trường hợp dương tính với virus sẽ làm chậm số ca lây nhiễm. Nếu không có những hạn chế nghiêm ngặt này, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ gia tăng theo cấp số nhân.
Lấy ví dụ, nếu số lượng bệnh nhân gia tăng gấp đôi mỗi ngày và mỗi bệnh nhân truyền virus cho 2 người. Thí số bệnh nhân trong ngày đầu tiên đến ngày thứ 7 sẽ là: 1, 2, 4, 8, 16, 32 và 64. Trong tuần đầu tiên, nhân viên y tế vẫn có thể xử lý số bệnh nhân họ cần phải điều trị. Nhưng nếu quá trình nhân đôi tiếp tục diễn ra, vào cuối tuần thứ 2, số bệnh nhân sẽ là 8.192 và đến cuối tuần thứ 3 sẽ vượt qua mốc 1 triệu, đến cuối tuần thứ 4, sẽ vượt mốc 10 triệu.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan tùy thuộc vào khoảng thời gian được phân tích và sự can thiệp nhằm làm chậm lại tiến trình lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Để ngăn chặn tình trạng quá tải hệ thống y tế, cần phải chấm dứt việc nhân đôi số ca mắc càng sớm càng tốt, ngay ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi số bệnh nhân vẫn còn ít./.