5 yếu tố giúp ông Biden đánh bại đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ
VOV.VN - Sau gần 50 năm hoạt động chính trị và theo đuổi hoài bão trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cuối cùng đã có thể trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang hứng chịu dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong 1 thế kỷ, cùng nhiều thách thức về kinh tế, chính trị. Ông Biden phải đương đầu với Tổng thống Trump - một đối thủ khó đoán chưa từng thấy, phá vỡ mọi khuôn khổ và tiền lệ.
Nhưng trong lần thứ 3 chạy đua vị trí tổng thống, Joe Biden và đội ngũ tranh cử của ông đã tìm cách vượt qua mọi trở ngại chính trị và giành chiến thắng. Có 5 lý do giúp ông Biden – từ con trai của một người bán ô tô tại Delaware vươn lên trở thành tổng thống đắc cử của nước Mỹ.
Dịch Covid-19
Có lẽ lý do lớn nhất giúp Joe Biden thắng cử là điều nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của ông. Đại dịch Covid-19, cướp đi sinh mạng của hơn 243.000 người, đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ và tình hình chính trị năm 2020. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tổng tuyển cử, chính Tổng thống Donald Trump đã phải thừa nhận điều này.
“Đối với những tin tức giả mạo, mọi thứ đều là về Covid, Covid, Covid, Covid”, ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc vận động tranh cử tại Wisconsin diễn ra trước cuộc bầu cử ít ngày, nơi số ca mắc gia tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Truyền thông Mỹ tập trung đưa tin về dịch bệnh Covid-19. Đây là một sự phản ánh thực tế hơn là để thúc đẩy tâm lý lo lắng của người dân về đại dịch. Nhưng điều này đã tác động đến kết quả thăm dò dư luận. Chính quyền Tổng thống Trump không nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri liên quan đến cách đối phó dịch bệnh. Một cuộc thăm dò của Pew Research thực hiện vào tháng 10 vừa qua cho thấy, ông Biden dẫn trước ông Trump 17 điểm phần trăm về mức độ tín nhiệm trong xử lý dịch bệnh.
Đại dịch và sự suy thoái về kinh tế đã gây bất lợi cho Tổng thống Trump, dù ông nỗ lực truyền tải thông điệp về sự tăng trưởng và thịnh vượng. Covid-19 cũng làm dấy lên những lo ngại của nhiều người dân Mỹ về nhiệm kỳ tổng thống của ông, đặc biệt khi ông đi ngược lại với lời khuyên của nhiều chuyên gia y tế, bối rối trong xử lý nhiều vấn đề chính sách cùng những vấn đề mang tính đảng phái. Theo Gallup, đại dịch là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump giảm xuống mức kỷ lục 38% trong mùa hè và điểm yếu này đã được đội ngũ tranh cử của ông Biden khai thác triệt để.
Tránh tối đa những phát ngôn “vạ miệng”
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ứng cử viên Biden nhiều lần gặp rắc rối do những phát biểu hớ hênh trước công chúng. Sai lầm này đã khiến ông gặp thất bại trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 1987 và lấy đi vận may của ông khi tái tranh cử vào năm 2007.
Trong lần thứ 3 chạy đua vào Nhà Trắng, Joe Biden đôi khi có những vấp váp khi phát biểu, nhưng không quá nghiêm trọng đến mức gây ảnh hưởng đến các nỗ lực tranh cử của ông. Lý giải về điều này, giới phân tích cho rằng, một phần nguyên nhân là do ông không ngừng xoay chuyển chủ đề, khiến người nghe khó phát hiện những câu nói nhầm lẫn. Một yếu tố khác, có lẽ phần nhiều từ bối cảnh bên ngoài, đó là các cử tri chú ý nhiều hơn đến dịch bệnh Covid-19, cuộc biểu tình sau cái chết của công dân da màu George Floyd và vấn đề kinh tế.
Nhận thức được điểm yếu nói trên, đội ngũ tranh cử của ông Biden đã tung ra chiến lược hiệu quả đó là hạn chế các cuộc tiếp xúc trực tiếp của ứng cử viên đối với cử tri, duy trì một tốc độ vừa phải trong vận động tranh cử và do vậy, giảm thiểu được sự mệt mỏi hay những phát ngôn hớ hênh và tránh phát sinh bất cứ tình huống ngoài dự đoán nào.
Đối với cuộc bầu cử thông thường, khi hầu hết người Mỹ không phải lo lắng về nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2, chiến lược này sẽ phản tác dụng. Những lời công kích “Biden ngủ gật” hay “Biden ẩn nấp” của ông Trump sẽ khiến họ bị tổn thương. Nhưng lần này, nó lại có lợi cho ông Biden.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden đã tìm cách tránh xa việc trở thành tâm điểm của sự chú ý, để Tổng thống Trump một mình một diễn đàn đưa ra những phát ngôn có thể chống lại chính bản thân ông. Cuối cùng họ đã thành công khi truyền thông và dư luận liên tục mổ xẻ và có những đánh giá trái chiều về phát biểu của ông Trump.
Trưng cầu ý dân đối với ông Trump
Một tuần trước ngày bầu cử, đội ngũ tranh cử của ông Biden đã công bố những quảng cáo cuối cùng trên truyền hình, truyền tải thông điệp tương tự như thông điệp được đưa ra khi ông khởi động chiến dịch tranh cử vào năm 2019 và bài phát biểu ông nhận đề cử trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân Chủ vào tháng 8/2020.
Ông Biden nói rằng, cuộc bầu cử là “một trận chiến giành lấy tâm hồn của nước Mỹ”. Đây cũng là cơ hội để người dân đánh giá về cái mà ông cho là sự chia rẽ và hỗn loạn trong suốt 4 năm Tổng thống Trump nắm quyền.
Tuy nhiên, bên dưới khẩu hiệu này là một phép tính đơn giản. Ông Biden đã đánh cược vận may chính trị của ông dựa trên quan điểm cho rằng Tổng thống Trump quá phân cực, quá dễ bị kích động và những gì mà người dẫn Mỹ mong muốn là một nhà lãnh đạo điềm tĩnh và ổn định hơn.
Thierry Adams, một người Mỹ gốc Pháp, lần đầu tiên đi bỏ phiếu sau 18 năm sống tại bang Florida cho biết: “Tôi thấy kiệt sức vì thái độ của ông Trump”.
Có thể nói, đảng Dân Chủ đã thành công khi hướng cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu ý dân đối với ông Trump, chứ không phải là lựa chọn giữa hai ứng cử viên. Thông điệp chiến thắng của Joe Biden đơn giản chỉ là ông “không phải là Donald Trump”.
Giữ quan điểm trung lập
Trong cuộc cạnh tranh trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân Chủ, Joe Biden đã gặp những đối thủ kỳ cựu trong đảng của ông, như Bernie Sanders và Elizabeth Warren vốn có kinh nghiệm tổ chức và huy động tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử, thu hút một số lượng lớn người ủng hộ.
Bất chấp sức ép từ phe Dân Chủ, ông Biden vẫn áp dụng chiến lược trung lập, từ chối ủng hộ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân do chính phủ điều hành, giáo dục đại học miễn phí hoặc đánh thuế tài sản. Điều đó cho phép ông giành được thiện cảm của những thành viên ôn hòa hoặc bất mãn trong đảng Cộng Hòa.
Chiến lược này ngày càng được thể hiện rõ nét hơn khi Joe Biden chọn bà Kamala Harris làm liên danh tranh cử, thay vì lựa chọn một người có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phe cánh tả của đảng Dân Chủ.
Tuy vậy, có một vấn đề mà ông Biden giữ quan điểm gần giống với Bernie Sanders và Elizabeth Warren là môi trường và biển đổi khí hậu. Joe Biden có lẽ tính toán rằng ông sẽ được lợi nhiều hơn khi thu hút những cử tri trẻ tuổi vốn coi vấn đề này là ưu tiên chính.
Khả năng gây quỹ tài tình
Đầu năm nay, ngân sách dành cho chiến dịch tranh cử của ông Biden hầu như cạn kiệt. Ông tham gia tranh cử với bất lợi lớn chưa từng có khi mà đối thủ Donald Trump dành gần như toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống để vận động gây quỹ và thu về số tiền lên đến gần 1 tỷ USD.
Từ tháng 4/2020, đội ngũ tranh cử của Joe Biden gần như chuyển mình thành một công ty gây quỹ và đạt được thành công bứt phá về mặt tài chính. Đến đầu tháng 10, nguồn kinh phí của họ đã hơn đội ngũ của ông Trump 144 triệu USD, cho phép họ áp đảo đảng Cộng Hòa về số lượng quảng cáo trên truyền hình ở hầu hết các bang chiến địa quan trọng.
Tất nhiên, tiền không phải là tất cả. Còn nhớ 4 năm cách đây, đội ngũ tranh cử của bà Hillary Clinton đã vượt ông Trump về số tiền gây quỹ. Nhưng 2020 khác 2016. Các chiến dịch tranh cử trực tiếp bị hạn chế do dịch bệnh Covid-19 và người dân Mỹ dành nhiều thời gian xem truyền hình hơn khi họ ở nhà.
Lợi thế về quỹ tranh cử cho phép ông Biden tiếp cận cử tri và thúc đẩy thông điệp bầu cử cho đến phút cuối. Điều đó cũng giúp ông mở rộng bản đồ vận động tranh cử, bơm tiền vào những khu vực được coi là thành trì của đảng Cộng Hòa như Texas, Georgia, Ohio và Iowa. Tài chính giúp đội ngũ tranh cử của ông Biden có thêm nhiều lựa chọn và thực hiện các sáng kiến. Ông Biden đã tận dụng rất tốt lợi thế này./.