6 tháng giao tranh ác liệt, Nga và Ukraine vẫn nín thở chờ thời cơ
VOV.VN - Giới phân tích nhận định, việc Nga và Ukraine tuyên bố đạt được những bước tiến trên chiến trường không thể che giấu một thực tế ảm đạm là xung đột đang rơi vào bế tắc và kịch bản chiến tranh sẽ kết thúc dường như là viễn cảnh xa vời.
Ngày 24/8, tròn 6 tháng diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau một mùa Hè với thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt làm bùng phát các những vụ cháy rừng dữ dội tại châu Âu, viễn cảnh về một mùa Đông lạnh giá, khắc nghiệt và chiến sự leo thang ở điểm nóng Ukraine đã hiện ra trong tâm trí của nhiều người.
Nga và Ukraine đang rơi vào tình thế bế tắc
Tháng 7 vừa qua, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Kiev muốn đẩy lùi Nga ra khỏi biên giới nước này trước mùa Đông vì nếu không thực hiện được mục tiêu đó, quân đội Nga sẽ có thời gian củng cố lực lượng và tăng cường phòng thủ, khiến cuộc phản công của Ukraine trở nên khó khăn hơn.
Giao tranh giữa Nga và Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, hai bên đang nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào phía sau chiến tuyến của đối phương. Cả Nga và Ukraine đang mắc kẹt trong cuộc chiến tiêu hao, với các cuộc pháo kích và không kích diễn ra từng ngày từng giờ.
Giới phân tích nhận định, việc các bên tuyên bố đạt được những bước tiến trên chiến trường không thể che giấu một thực tế ảm đạm là xung đột đang rơi vào bế tắc và kịch bản chiến tranh sẽ kết thúc dường như là viễn cảnh xa vời. Ngày 24/8 cũng là ngày độc lập của Ukraine, nhưng Kiev đã hủy các lễ kỷ niệm, tăng cường lệnh giới nghiêm, do lo ngại sẽ xảy ra những cuộc tấn công bằng tên lửa mới. Chiến sự càng kéo dài, nguy cơ trả đũa và xung đột càng leo thang. Nhà phân tích người Bồ Đào Nha Bruno Maçães cho rằng: “Xung đột đã kéo dài 6 tháng nhưng chúng tôi cảm giác đây mới chỉ là phần mở đầu”.
Chưa bao giờ nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO lại cao như hiện nay, đi kèm với nỗi lo sợ chưa từng có về một thảm họa hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia.
Kinh tế Ukraine đã bị tàn phá nghiêm trọng trong 6 tháng qua. Ông Maksym Nefyodov, người đứng đầu dự án hỗ trợ cải cách tại Viện KSE thuộc Trường Kinh tế Kiev cho biết, Ukraine đã thiệt hại hơn 113,5 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra. Còn tại châu Âu, nguy cơ suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng năng lượng không có lối thoát đã làm dấy lên câu hỏi liệu quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga có bị "khô héo" trong những tháng mùa Đông lạnh giá hay không.
Phương Tây bắt đầu mệt mỏi
Một số chuyên gia an ninh cho rằng, Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, nhưng chỉ với điều kiện phương Tây sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Kiev một cách toàn diện và triệt để.
Ông Richard Hooker - nghiên cứu viên cấp cao thuộc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ đánh giá, năng lực pháo binh của Ukraine đã được cải thiện đáng kể nhờ các hệ thống pháo tầm xa mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho nước này, tuy nhiên sức mạnh không quân của Ukraine cần phải được củng cố lại.
Quân đội Ukraine đã nỗ lực hiện đại hóa trong thời gian qua, song lực lượng không quân của nước này vẫn khá lạc hậu và già cỗi. Không quân Ukraine được thành lập vào tháng 3/1992, với những máy bay tiếp quản từ không quân Liên Xô sau khi Liên Xô tan rã. Kể từ đó, lực lượng này đã liên tục thu nhỏ quy mô do thiếu ngân sách và phần lớn máy bay trong biên chế phải đưa vào diện bảo trì hoặc mất khả năng vận hành. Ông Richard Hooker lưu ý, trên chiến trường, sự chênh lệnh về sức mạnh không quân khá lớn. Nếu như các máy bay Nga có thể thực hiện 100 đến 200 lần xuất kích mỗi ngày thì Ukraine chỉ có thể thực hiện từ 10 đến 20 lần.
Chuyên gia này cho rằng, việc tăng cường sức mạnh không quân của Ukraine thông qua chuyển giao các máy bay chiến đấu, cũng như nâng cao năng lực về pháo binh và xe tăng, có thể giúp Kiev sớm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây dường như không sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Việc có thể bị kéo vào cuộc giao tranh với Nga khiến cho Mỹ và NATO phải thận trọng trong mọi quyết định về việc cung cấp vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Gennady Gatilov, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc ngày 22/8 cho biết, Nga không thấy bất cứ triển vọng nào cho một giải pháp ngoại giao, thay vì đó ông dự đoán xung đột sẽ kéo dài. Ông cũng nhấn mạnh, quyết tâm của phương Tây sẽ sụp đổ trước khi nền kinh tế Nga sụp đổ do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt. Tuyên bố này không phải là không có căn cứ.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Mỹ và EU đã bắt đầu mệt mỏi vì gánh nặng chi phí trong việc hỗ trợ khí tài quân sự cho Ukraine. Khi xung đột tròn 6 tháng, nhiều người cho rằng, sự đồng thuận của phương Tây trong nỗ lực ủng hộ Ukraine có thể bị phá vỡ khi châu Âu bước vào một mùa Đông ảm đạm trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao, thiếu hụt năng lượng sưởi ấm và nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng./.