70 năm Chiến thắng Phát xít: Nhìn về quá khứ để trân trọng hòa bình
VOV.VN - Tổng thống Nga cho rằng, cần phải đoàn kết để tạo ra một hệ thống an ninh bình đẳng đối với mọi quốc gia.
1. Đúng 10h00' giờ Moscow (14h00' giờ Việt Nam) ngày 9/5/2015, trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, nước Nga đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phát xít.
Đây là lễ kỷ niệm quy mô nhất từ trước tới nay của nước Nga với sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Tham dự lễ duyệt binh có 16.500 binh sĩ, gần 200 loại khí tài quân sự (trong đó có những loại vũ khí tối tân lần đầu tiên xuất hiện) và khoảng 140 máy bay trực thăng, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ của quân đội Nga.
Ngoài Lễ kỷ niệm chính diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, các cuộc diễu hành mừng Chiến thắng cũng được tổ chức tại 150 thành phố trên khắp nước Nga, cũng như ở Belarus, Kyrgyzstan, Armenia và một số quốc gia khác.
Phát biểu tại Lễ mừng Chiến thắng, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: "Ngày hôm nay, khi chúng ta kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại của dân tộc Nga, một lần nữa chúng ta lại thấy được tầm mức to lớn của chiến thắng Phát xít. Chúng ta lấy làm tự hào vì thế hệ cha ông chúng ta đã đánh bại các thế lực đen tối.
Đây là một bài học “xương máu” cho các nước trên thế giới vào những năm 1930 của thế kỷ trước. Các nước châu Âu đã không nhận thức ngay được mức độ nguy hiểm trong những lời lẽ đe dọa của Phát xít. 70 năm sau, lịch sử lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải luôn tỉnh táo và không được quên lãng tư tưởng về “chủng tộc tối thượng” đã cuốn hơn 80% dân số thế giới vào một cuộc chiến đẫm máu".
Tổng thống Nga Putin cũng cảm ơn các nước đồng minh vì những đóng góp trong cuộc chiến chống Phát xít. Theo ông Putin, tinh thần đoàn kết chống Phát xít là một ví dụ tiêu biểu về việc các nước cùng chung tay bảo vệ hòa bình và ổn định trên thế giới.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng cho rằng trong thập kỷ vừa qua, những nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế đã nhanh chóng bị “phớt lờ”. "Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực đơn phương nhằm thiết lập một thế giới đơn cực và sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Những tư tưởng như vậy có thể gây tác động xấu đến sự ổn định trên thế giới. Chúng ta cần phải đoàn kết để tạo ra một hệ thống an ninh bình đẳng đối với mọi quốc gia và có khả năng giải quyết mọi mối đe dọa trong thời đại hiện nay", ông Putin nhấn mạnh.
2. Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phát xít cũng là dịp để Nga phô trương sức mạnh quân sự với nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự tối tân.
Tại buổi lễ này, gần 200 loại khí tài quân sự, trong đó có những loại lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata; hệ thống pháo tự hành Koalitsiya-SV; hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumph; tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars... nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của Nga trước bất kỳ nguy cơ nào.
Sự xuất hiện của các loại vũ khí, khí tài quân sự tối tân này cũng thu hút được sự quan tâm của truyền thông phương Tây. BBC là một trong những hãng tin trực tiếp lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng của Nga. Hãng này mô tả chi tiết quy mô lớn chưa từng có của sự kiện với hàng chục nghìn binh sĩ diễu hành và nhiều vũ khí mới lần đầu xuất hiện trên Quảng trường Đỏ, trong đó có siêu xe tăng Armata T-14.
Trong khi đó, CNN cũng mô tả cuộc duyệt binh ở Moscow với 16.000 binh sĩ, 200 phương tiện bọc thép và 150 máy bay các loại là "hoành tráng". Hãng này khẳng định Ngày Chiến thắng, đánh dấu thời điểm Đức Quốc xã đầu hàng Xô viết năm 1945, là một ngày lễ trọng đại với nước Nga.
3. Ngày 7/5, cử tri Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới.
Sự kiện này thu hút sự quan tâm không chỉ tại nước Anh mà toàn bộ châu Âu, vì kết quả bầu cử sẽ quyết định thành phần chính phủ quản lý nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới, cũng như tương lai của quốc gia này trong khối 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.
Kết quả kiểm phiếu được công bố cho thấy, với việc giành được 331 ghế nghị sĩ Quốc hội, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Cameron đã có chiến thắng thuyết phục. Kết quả này cũng cho phép Thủ tướng Cameron có thể tự thành lập Chính phủ mà không cần phải liên danh với đảng nào khác.
Trong bài diễn văn đầu tiên sau khi tái đăc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng Cameron đã cam kết sẽ lãnh đạo để đoàn kết Vương quốc Anh, đồng thời hứa hẹn sẽ làm cho nước Anh trở nên “vĩ đại hơn”.
Theo dự kiến, ông Cameron sẽ kết thúc việc thành lập chính phủ trong ngày 10/5 để có thể công bố vào ngày mai. Thành phần nội các mới dự kiến toàn bộ sẽ là các thành viên của Đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chiến thắng ngoạn mục và đầy bất ngờ của đảng Bảo thủ vẫn không thể làm mờ đi những thách thức lớn đang chờ đợi ông Cameron ở phía trước.
Ông Cameron sẽ phải đối mặt với bài toán khó, thực hiện lời hứa với cử tri: tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân từ nay đến năm 2017 về sự đi hay ở của Anh trong Liên minh châu Âu và điều này đồng nghĩa với việc đặt cược vị thế quốc tế của Anh trong một ván bài mạo hiểm.
4. Chi nhánh al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), lãnh đạo cấp cao có tên Nasser bin Ali al-Ansi, con trai cả của y và nhiều tay súng đã chết trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Yemen.
Al-Ansi là thủ lĩnh tinh thần, một cựu chiến binh nhiều lần xuất hiện trong các video của AQAP. Trước đó hôm 14/1, nhóm này đăng tải 1 đoạn video trong đó al-Ansi đã nhận trách nhiệm tổ chức xả súng đẫm máu tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris hôm 7/1, khiến 17 người thiệt mạng.
Al -Ansi từng sống ở Bosnia những năm 1990, sau đó trở thành thành viên tích cực của al Qaeda ở Philippines và Afghanistan. Từ năm 2011, khi Yemen bắt đầu loạn lạc, y đến đây để khuấy động cuộc nội chiến giữa 2 dòng Sunni và Shi’ite tại quốc gia Trung Đông này. Từ tháng 9/2014, y liên tục tổ chức các vụ tấn công liều chết vào phiến quân Houthi đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen.
Dù ông Lopez không đưa ra thời gian cụ thể cho những lần Trung Quốc hành xử như vậy nhưng một quan chức không quân Philippines cho biết, việc “xua đuổi” các tàu và máy bay của Philippines xảy ra trong vòng 3 tháng qua.
Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, ngày càng có nhiều nhà lập pháp của Mỹ đề nghị chính quyền Tổng thống Barack Obama có các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn Bắc Kinh.
Các chính khách Mỹ lo ngại rằng với cách làm như hiện nay, trong đó có việc ráo riết bồi lấp các đảo nhỏ, xây dựng các tháp phòng không, thậm chí cả đường băng ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ chiếm cứ được vùng biển chiến lược này mà không cần phải phát động một cuộc chiến tranh.
Ngày 8/5, Lầu Năm Góc đã cho công bố bản báo cáo về hoạt động xây, đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Theo đó, năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 200 hecta đất tại 5 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung Quốc cố cải tạo thêm 610 hecta đất.
Cũng theo báo cáo của Lầu Năm Góc, chưa rõ “mục đích cuối cùng của việc cải tạo, mở rộng đất” này là gì, nhưng có nhiều khả năng cho thấy “Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình thực địa bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng ở Biển Đông”.
6. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al- Jubeir ngày 8/5 thông báo, lệnh ngừng bắn vì lý do nhân đạo tại Yemen sẽ được bắt đầu từ ngày 12/5 tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris, ông Jubeir cho biết, lệnh ngừng bắn sẽ được được bắt đầu từ 23h00' ngày 12/5 (giờ Yemen). Lệnh ngừng bắn này sẽ kéo dài 5 ngày và có thể được gia hạn nếu các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn. Ông Jubeir cũng khẳng định sự thành công của lệnh ngừng bắn hoàn toàn phụ thuộc vào phía phiến quân Houthi và các đồng minh của lực lượng này.
Phản ứng trước động thái này, sáng 10/5, nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen đã hoan nghênh đề xuất ngừng bắn 5 ngày của Saudi Arabia.
Người phát ngôn của Houthi Hussein al-Ezzy tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh lệnh ngừng bắn 5 ngày vì lý do nhân đạo do Ngoại trưởng Saudi Arabia đề xuất, theo đó sẽ bắt đầu từ ngày 12/5”.
Chính phủ Yemen cho biết, đến nay số dân thường thiệt mạng vì chiến dịch không kích của liên quân Arab đã vượt qua mốc 1.200 người và có hơn 3.000 người khác bị thương.
Ngay lập tức, trang nhất các tờ báo Anh đăng tải rất nhiều hình ảnh tiểu Công chúa cùng những dòng tít chào mừng cái tên mới được đặt.
Tờ Times chạy dòng tít: “Charlotte Elizabeth Diana: Một cái tên để vinh danh những người phụ nữ trong đời Hoàng tử William”.
Theo đó, Charlotte là cái tên được đặt theo cha của Hoàng tử William là Thái tử Charles.
Trong khi đó, Elizabeth là tên đệm của mẹ nữ Công tước Kate Middleton, bà Carole và cũng là tên của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Cuối cùng, Diana, là tên của người mẹ quá cố của Hoàng tử William, Vương phi Diana, người đã qua đời ở tuổi 36 sau một vụ tai nạn xe hơi ở Paris vào năm 1997 khiến cả thế giới tiếc thương.
Trong khi các thần dân của Hoàng gia Anh vui mừng vì cái tên mới của tiểu Công chúa thì các nhà cái cá cược lại kém vui. Theo ước tính, nhà cái đã thiệt hại 1,5 triệu USD khi cá cược về tên của tiểu Công chúa nước Anh./.