Ác mộng phụ nữ Afghanistan bị ép kết hôn dưới thời Taliban
VOV.VN - Phụ nữ Afghanistan hiện đang phải trả giá cho sự lên nắm quyền của Taliban. Nhiều người trong số họ bị ép phải kết hôn với các chiến binh Taliban và chịu cảnh bạo hành trong gia đình, kể cả cưỡng hiếp.
Nữ cảnh sát cũng không thoát
Hồi đầu tháng 8/2021, Sooma tiếp tục công việc làm trợ lý trong phòng hình sự của Sở cảnh sát thành phố Herat. Cô vẫn có ít lý do để tin rằng chiến sự ở ngoại ô thành phố sẽ đến sát bên thềm nhà mình. Cô báo cáo công việc hàng ngày và tiền lương của cô dùng để nuôi 5 đứa con. Sooma trở thành người mẹ đơn thân nuôi con sau khi chồng mình, cũng là một cảnh sát, thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Afghanistan 3 năm trước đó.
Cuộc sống của Sooma đảo lộn khi lực lượng phòng thủ Herat sụp đổ vào ngày 13/8 và quân Taliban tràn vào thành phố này, chiếm trụ sở chính quyền và đồn cảnh sát. Một chiến binh Taliban bắt đầu đe dọa cô.
Sooma kể, giọng vẫn còn run: “Hắn đe dọa hiếp dâm tôi và giết các con của tôi nếu tôi không chịu cưới hắn. Hắn nhất quyết như vậy và tôi không có sự lựa chọn nào khác. Hắn ép tôi lấy hắn vào tháng 9/2021 với sự đồng thuận của một giáo sĩ Hồi giáo”.
Kể từ ngày đó, Sooma (đây là tên giả để bảo vệ danh tính nhân vật) cho biết cuộc đời mình là một cơn ác mộng. Cô kể: “Hắn gần như cưỡng hiếp tôi mỗi đêm. Nếu không vì phải nuôi nấng và bảo vệ lũ trẻ thì tôi chỉ muốn tự tử thôi”.
Sự cực khổ, trong đó có bạo lực, đã trở thành thực tế trong cuộc đời của phụ nữ Afghanistan. Vào năm 2018, khoảng 80% các vụ tự tử ở Afghanistan là liên quan đến những phụ nữ tự kết liễu đời mình, thường là khi họ không thấy lối thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống gia đình. Các báo cáo của Liên Hợp Quốc phản ánh khoảng 80% phụ nữ Afghanistan trình báo bị nam giới bạo hành tại nhà.
Tuy nhiên, trong các năm gần đây, Herat lại trở thành một ngoại lệ đối với tình trạng cuộc sống thường nhật khắc khổ của hầu hết phụ nữ Afghanistan.
Thành phố Herat nổi tiếng với người Afghanistan như một cái nôi văn hóa. Trong hai thập kỷ qua, thành phố đã phát triển thành một trung tâm cởi mở về biểu lộ cảm xúc và tư tưởng. Khi ấy có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các nam thanh nữ tú ngồi quây quần bên tách trà ở những nơi công cộng và đọc thơ cho nhau nghe.
Tất cả đã thay đổi vào ngày 13/8/2021 khi quân Taliban tới được thành phố này. Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái lui về nhà, tuy nhiên, vẫn có hàng chục phụ nữ can đảm nhất trong thành phố dám biểu tình chống lại việc Taliban cấm trẻ em gái đi học cũng như áp đặt hạn chế đối với việc di chuyển của nữ giới. Theo một báo cáo chi tiết của HRW vào tháng 9/2021, phụ nữ diễu hành trên phố nói rằng họ muốn “được tiếp tục đi làm mà không cần một nam giới giám hộ, và đưa các học sinh nữ từ lớp 7 trở lên quay trở lại trường học”.
Nhưng những tiếng nói đó nhanh chóng bị bóp nghẹt. Vào ngày 7/9/2021, các chiến binh Taliban đã đánh đập những người biểu tình bằng dây quai cao su và bắn súng loạn xạ, làm chết dân thường trước khi cấm hoàn toàn việc biểu tình.
Chấp nhận kết hôn ngoài ý muốn để được đi lại dễ dàng hơn
Heather Barr – đồng giám đốc của bộ phận nữ quyền tại HRW, cho biết: “Một số phụ nữ đơn thân mà chúng tôi có dịp trò chuyện với họ ở Herat cảm nhận rằng cách duy nhất để tồn tại trong thời kỳ mới là chấp nhận kết hôn để có quyền đi lại quanh thành phố”.
Bà Barr, hiện sống ở Islamabad (Pakistan), cho biết, bằng việc ngăn phụ nữ đi làm và ngăn trẻ em gái lớp 7-12 quay trở lại trường học, Taliban đang tạo ra điều kiện lý tưởng cho bạo lực đối với phụ nữ.
Heather Barr cho biết, HRW cũng đang cố gắng theo dõi hiện tượng cưỡng ép hôn nhân kể từ khi Taliban lên nắm quyền nhưng hiện chưa đủ bằng chứng để khẳng định rằng giới thủ lĩnh Taliban phớt lờ thực tế này.
Taliban thì vốn lập luận rằng “sắp xếp hôn nhân” cho các góa phụ như Sooma là nhằm mang lại điều tốt đẹp cho xã hội và những đứa trẻ đang sống với các bà mẹ đơn thân.
Bạo lực gia đình ở Afghanistan bắt nguồn từ hàng thập kỷ chiến tranh liên miên, đói nghèo, và văn hóa gia trưởng tồn tại lâu đời. Trong dân số gần 40 triệu người của Afghanistan, có tới 2,5 triệu góa phụ. Cho tới gần đây, chính phủ cũ (mới bị lật đổ) của Afghanistan vẫn còn chi trả khoảng 100 USD/tháng cho mỗi người trong tổng số khoảng 100.000 góa phụ Afghanistan. Nhưng khoản trợ cấp sinh hoạt này cũng mất nốt khi Taliban cướp được chính quyền.
Ở những khu vực bảo thủ đông người Pashtun sinh sống, một phụ nữ Afghanistan góa chồng thường được sắp xếp kết hôn với anh trai/em trai hoặc người thân của người chồng quá cố để bảo toàn “danh dự” của cả góa phụ và gia đình, kể cả khi người nam giới này đã có vợ.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Taliban cho phép các chiến binh của mình dùng vũ lực để vận dụng phong tục trên đáp ứng ham muốn cá nhân.
Lời nói và hành động thực tế của các thủ lĩnh Taliban
Phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid phủ nhận các cáo buộc rằng Taliban đã hoặc đang cưỡng ép hôn nhân với phụ nữ. Ông này khăng khăng nói rằng các hành động ép buộc như vậy là vi phạm các giáo lý của đạo Hồi.
Vào tháng 1/2021, thủ lĩnh Taliban, Haibatullah Akhundzada, ra một tuyên bố hối thúc các chỉ huy của nhóm vũ trang thánh chiến này hãy từ bỏ việc cưới nhiều vợ - một hiện tượng phổ biến trong giới lãnh đạo giàu có của tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Mặc dù theo đạo Hồi, đàn ông Hồi giáo được phép có 4 vợ nếu họ đối xử bình đẳng với các bà vợ, thông cáo trên của Akhundzada nói rằng chế độ đa thê “tạo điều kiện cho kẻ thù công kích chúng ta”.
Tất nhiên, lệnh đó là “làm những cái chúng tôi nói chứ không phải những điều chúng tôi làm”. Vì hầu hết các thủ lĩnh cấp cao của Taliban đều đã có nhiều vợ. Trên thực tế, nhà sáng lập phong trào Taliban, Giáo sĩ Mohammad Omar, và người kế vị ông ta, Giáo sĩ Mansoor, đều có 3 bà vợ. Còn Haibatullah được cho là có 2 vợ, trong khi Phó Nguyên thủ mới của Taliban – Giáo sĩ Abdul Baradar có tới 3 vợ.
Các nhà hoạt động nữ quyền Afghanistan cho rằng việc Taliban vừa rồi phủ nhận chuyện lạm dụng phụ nữ chỉ là để che đậy những gì khuất mắt khôn coi.
Atefa Kakar – cựu nhân viên Liên Hợp Quốc hiện giờ sống ở Đức, nói: “Taliban đã thay đổi nhưng không phải theo cách thức tốt đẹp. Taliban vẫn sở hữu một hệ tư tưởng cực đoan và hận thù phụ nữ cho dù họ đang cố đánh lừa cả thế giới bằng những lời phủ nhận. Phụ nữ Afghanistan không tin Taliban dù họ đang ngày càng yếu thế”.
Bà Barr nói, ngay cả khi Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an của cơ quan này yêu cầu Taliban phải vượt lên trên các mục tiêu giáo dục hiện nay và sự đối xử họ dành cho phụ nữ, ban lãnh đạo của Taliban vẫn chưa tuyên bố liệu họ có cho phép trẻ em gái từ lớp 7 trở lên đi học nữa hay không.
Phụ nữ Afghanistan sợ Taliban đến mức nhiều người trong số họ dù có mức lương tốt khi làm việc cho các cơ quan Liên Hợp Quốc ở Afghanistan vẫn quyết định rời khỏi đất nước Nam Á này để chạy trốn Taliban, do lo ngại chuyện bị ép phải kết hôn với chiến binh Taliban./.