Đại dịch COVID-19 - “Thiên thời” cho mafia Italy trỗi dậy

VOV.VN - Kiệt quệ bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, hiện nay Italy đang đối mặt với nguy cơ băng đảng mafia khét tiếng Camorra trỗi dậy

Cũng giống như các nhóm tội phạm khác trên khắp Italy, Camorra đang lợi dụng tình thế khó khăn trong nước sau thời kỳ phong toả.

 

Khi Italy vẫn đang trong quá trình khôi phục sau đại dịch, các tổ chức tội phạm tại khắp Italy đang cố gắng tận dụng thế mạnh của mình để giành lại sự kiểm soát về lãnh thổ đã mất trong những năm qua.

“Sự ủng hộ của công chúng suy giảm chưa từng thấy vào lúc này”, ông Luigi Cuomo, Chủ tịch tổ chức bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italy - SOS Imprese- thừa nhận.

Tại vùng đông đúc dân cư Campania nằm ở phía Tây Nam Italy, Camorra hiện đang len lỏi vào mọi bộ phận dân cư bằng cách cạnh tranh với các tổ chức xã hội đang nỗ lực hỗ trợ người dân địa phương. Bằng cách phát các khẩu phần ăn hay các tấm phiếu trị giá 50 euro, chúng đang tiệm cận đến những người dễ bị tổn thương nhất đang khẩn thiết cần sự giúp đỡ.“ Chúng từng vòi vĩnh tiền, nay lại ban phát tiền. Chúng trao những số tiền nhỏ để rồi đòi đổi lại cái gì đó lớn hơn”, ông Cuomo chia sẻ.

Vốn có nguồn vốn nhàn rỗi dồi dào, Camorra đang sử dụng mô hình này với ý định tẩy tiền trong các doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp. “Chúng tôi thấy thực trạng này gia tăng do cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài”, ông Cuomo hay , “Hiện nay, chúng không cần đe doạ những người chủ kinh doanh. Các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm nguồn trợ giúp.”

Ông Cuomo đổ lỗi cho chính phủ vì hành động chậm trễ, sai lầm và lúng túng trong việc tháo gỡ khủng hoảng mà theo ông đã làm tăng nhận thức tiền mafia như là một cơ hội và là sự lựa chọn cuối cùng để tránh phá sản. Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát lại tình hình, giới chức Italy gần đây đã tịch thu các khối tài sản trị giá khoảng 15 triệu euro trên toàn đất nước.

Luật pháp Italy cho phép tái sử dụng các tài sản trưng thu của các nhóm tội phạm vào các mục đích như các dự án xã hội. Theo số liệu thống kê của ANBSC (Cơ quan Quốc gia về Quản lý và Phân bổ Tài sản Tịch thu từ các nhóm tội phạm có tổ chức), chỉ trên 65.000 tài sản, gồm đất đai, công ty, địa ốc và các công trình xây dựng bị tịch thu trên toàn lãnh thổ Italy trong 20 năm qua.

Ông Renato Natale, thị trưởng thành phố Casal Di Principle thuộc tỉnh Caserta, Campania, địa bàn hoạt động của băng Casalesi mạnh nhất trong nhóm Camorra, đã thành công nhất định trong việc tổ chức tái sử dụng 65% các tài sản tịch thu.

Mô hình kinh tế thị trường xã hội Italy cho phép các công dân và các tổ chức phi chính phủ sử dụng các tài sản trưng thu làm các cơ sở kinh doanh hợp tác xã hội như quán cà phê, nhà hàng, các trung tâm văn hoá và y tế hay các trang trại hữu cơ. “Về góc độ kinh tế, mục tiêu của các hợp tác xã này không nhằm tối đa hoá lợi nhuận mà tạo ra một ảnh hưởng mạnh về văn hoá khi cho thấy việc phá bỏ các mô hình kinh doanh bất hợp pháp dựa trên áp chế là điều có thể”, ông Natale diễn giải.

Các gia đình trong thành phố nhỏ của ông đang có gắng tiệm cận các chương trình phát phiếu mua hàng của chính phủ để giảm nhẹ áp lực cuộc sống. “Các ngành phục vụ ăn uống và xây dựng là các hoạt động cơ bản ở đây song mọi thứ đã phải ngừng hoạt động”, ông Natale nói. Trên 1200 hộ gia đình đã nộp đơn xin các phiếu mua hàng trị giá 500 euro.

Tuy nhiên, các chương trình này chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu thực tế. “Phần còn lại chúng tôi phải lấy từ ngân sách thành phố”, ông nói. Ông Natale hy vọng người dân thành phố sẽ không bị cám dỗ bởi những gì mà Camorra đang ban phát. “Chúng tôi đáng lẽ có thể xây dựng được các cơ cấu chống Camorra và ở thành phố tôi mọi người thiết tha thực hiện điều đó song chúng tôi cần chính phủ hành động bằng cách xây dựng cấu trúc quỹ khắp đất nước để không mất những thành quả chúng tôi đã giành được cho đến nay.”

Sự chậm trễ quan liêu

Tình trạng chậm trễ, thiếu vốn và quản lý yếu kém các tài sản đã tịch thu thường là những lý do khiến các tài sản này rơi vào tình trạng lấp lửng. “Khi các băng đảng nhìn thấy các khối tài sản này không được sử dụng, chúng sẽ suy tưởng đó là tài sản của mình và cho thấy sự hiện diện của mình, ông Luigi Cuomo nói. .

Các thủ tục hành chính rườm rà có thể dẫn đến tình trạng phải mất trên 10 năm trước khi các tài sản trưng thu có thể được chuyển giao hợp pháp từ ANBSC đến các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Trên hết, các tài sản thường để không và là một gánh nặng đối với ngân sách thành phố.

“Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được thêm 22 tài sản từ ANBSC”, Thị trưởng Natale nói, “Chúng tôi cần đầu tư tiền của để có thể đưa các tài sản này vào sử dụng song vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay chúng tôi cạn kiện nguồn vốn dự trữ.”

Đôi khi, sự chậm trễ hành động của chính quyền địa phương đã 'tiếp tay' cho các hoạt động của các băng đảng.

“Chúng tôi cần sự minh bạch hơn”, ông Bernardo Diana, chủ tịch tổ chức phi chính phủ RAIN Arcigay tại Caserta, Campania cho hay. Thành phố này có trên 150 tài sản bị tịch biên. “Hầu hết chúng được liệt kê không còn trống, song thực tế không phải vậy.”

Theo ông Cuomo, những tài sản này có thể cuối cùng trở thành minh chứng sống về sự bất lực của nhà nước trong việc quản lý tài sản mà có thể đưa trở lại vào thị trường để ngăn chặn sự lan rộng của hoạt động kinh tế bất hợp pháp.

Đoàn kết và đẩy mạnh điều tra là vũ khí hiệu nghiệm

Có thể thấy rõ sự cần thiết có một tầm nhìn chung và thống nhất đối với cuộc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm. Tại Italy, trên 17.000 tài sản hiện nay thuộc sự kiểm soát của ANBSC. “Sử dụng các tài sản này vào mục đích khác cần phải được xác định như là một mục tiêu chính trị và chiến lược với sự can thiêp lớn để chống lại hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”, ông Renato Natale nhận định.

“Điều đem lại hy vọng cho chúng tôi là các nhà điều tra tiếp tục công việc của mình. Chừng nào các hoạt động tịch thu tài sản vẫn diễn ra, thì điều này được minh chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc trong việc thâu tóm địa bàn hoạt động của mafia”, ông Cuomo nói.

Ông muốn chính quyền trung ương tiến một bước nữa và đưa vấn đề này trên nghị trường châu Âu. “Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác ở cấp châu Âu vì các tổ chức tội phạm có thể tẩu tán vốn tài chính ra khỏi biên giới.”

Hiện nay, hình thức đoàn kết xuyên suốt từ dưới lên dường như hiệu quả hơn các khoản vốn của chính phủ. Tuy nhiên, SOS Impresa chỉ ra  những thách thức, khó khăn mà các tổ chức xã hội đang gặp phải, như sự đe doạ của các băng đảng để ngăn chặn các nỗ lực giúp đỡ người dân của các tổ chức này.

“Nhiều linh mục bị hăm doạ”, ông Cuomo cho biết. Thậm chí, trụ sở chính của tổ chức phi chính phủ Mani Tese tại Naples đã bị phá hoại có chủ ý. Các tổ chức địa phương đang nỗ lực để đánh bại Camorra trong cuộc chơi này. “Giống như chính phủ, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp tục gần gũi và hỗ trợ cộng đồng của mình”, ông Bernardo Diana cho biết, “Tuy nhiên, điều chúng tôi cần là chính phủ phải hết sức cảnh giác”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên