Ám ảnh cảnh Azerbaijan dùng UAV tấn công các vị trí của Armenia ở Karabakh
VOV.VN - Trong trận chiến Karabakh mới đây, Azerbaijan đã huy động lượng lớn UAV để tấn công các vị trí quân sự của Armenia ở Nagorno-Karabakh.
Mức độ lợi hại khủng khiếp của UAV và xu thế tác chiến mới
Các phi cơ không người lái (UAV) có lợi thế không chỉ trong việc trinh sát, thu thập thông tin mà còn cả việc tấn công tiêu diệt mục tiêu. Được trang bị hệ thống cảm biến và hệ thống quang điện tử, các UAV có khả năng quan sát mục tiêu và truyền về trung tâm các hình ảnh động thu được. UAV có khả năng bay linh hoạt và liên tục trong nhiều giờ và phát ra ít tiếng động (nên dễ tạo bất ngờ). Hỏa lực của UAV được dẫn đường tốt nên có độ chính xác cao.
Trong cuộc xung đột mới đây ở Nagorno-Karabakh (bắt đầu từ ngày 27/9/2020 và hiện kéo dài sang tháng 10/2020), phía Azerbaijan đã huy động số lượng lớn UAV quân sự để thực hiện tấn công các mục tiêu của đối phương. UAV ở đây bao gồm (1) loại mang theo tên lửa dùng để phóng xuống mục tiêu và có thể bay trở lại căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cũng như (2) loại UAV “cảm tử” (cả chiếc UAV mang thuốc nổ sẽ lao thẳng xuống mục tiêu).
Trong các năm qua, Azerbaijan đã đầu tư lớn cho kho UAV vũ trang của mình.
Trận chiến mới giữa Azerbaijan và Armenia hoặc “Cộng hòa Artsakh” tự xưng ở Nagorno-Karabakh phản ánh xu hướng sử dụng UAV trên quy mô rộng. Trước đó, UAV thường được sử dụng trong các cuộc tấn công nhỏ lẻ.
Về khía cạnh UAV, Azerbaijan đang chiếm ưu thế trước Armenia và “Cộng hòa Artsakh” tự xưng. Thời qua, bản thân Armenia đã phải lên tiếng phản đối việc Israel cung cấp UAV quân sự cho Azerbaijan.
Với việc sử dụng các UAV này, giới quân sự Azerbaijan có thể quan sát rõ từ trên cao các mục tiêu quân sự, bình tĩnh ngắm, rồi phóng đạn tiêu diệt. Mục tiêu không hề hay biết về sự hiện diện của UAV ở trên đầu mình hoặc khi phát hiện thì cũng đã quá muộn, không kịp trở tay.
Ngoài các lợi thế nói trên, UAV còn có ưu điểm là nếu có bị bắn hạ thì bên tấn công vẫn không bị thiệt hại về phi công (vì người điều khiển UAV nằm an toàn dưới đất, tại một sở chỉ huy nào đó cách xa nơi chiến sự), đồng thời chi phí mua UAV vẫn rẻ hơn so với các máy bay cường kích.
Trận chiến hiện nay ở vùng Nagorno-Karabakh đã đặt ra vấn đề lớn cho bên phòng thủ của Armenia và “Cộng hòa Artsakh” tự xưng. Chắc chắn lần này họ sẽ gặp khó khăn trong việc phòng ngự và “giữ đất”.
Nhờ độ linh hoạt và chính xác trong tấn công, UAV vừa bảo đảm hiệu quả chiến đấu, vừa giảm tối thiểu thiệt hại cho dân thường.
Ngoài ra do chụp được hình ảnh và quay video ghi cảnh hiện trường mục tiêu sau khi bị tấn công, UAV còn cung cấp cho bên sử dụng nó phương tiện để tuyên truyền và hăm dọa tâm lý. Và trong thời gian qua, Azerbaijan đã triệt để quay phim cảnh trước và sau khi tấn công bằng UAV rồi đưa lên mạng xã hội.
Khía cạnh nhân văn
Trong các trận chiến vừa qua, UAV do Azerbaijan điều khiển đã đánh vào các mục tiêu quân sự của phía “Cộng hòa Artsakh” ở khu vực Nagorno-Karabakh ly khai, như xe tăng, xe thiết giáp, hệ thống radar, bệ phóng rocket, pháo mặt đất, xe tải quân sự, và lán trại quân sự. Theo các video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan cung cấp, hàng loạt mục tiêu như thế đã bị trúng tên lửa phóng từ UAV của phe Azerbaijan, nổ tung, tạo ra cầu lửa với khói đen cuộn cao, đất cát và mảnh xác phương tiện văng tung tóe. Trong nhiều trường hợp, có thể nhìn thấy tên lửa lao nhanh xuống sau khi UAV khóa mục tiêu. Có một sự đối lập lớn trước và sau khi tên lửa chạm mục tiêu.
Đương nhiên chiến tranh vốn mang bản chất tàn khốc, là nơi đầu rơi máu chảy. Và theo luật chiến tranh thì các mục tiêu nói trên có thể coi là các mục tiêu hợp pháp (không phải mục tiêu dân sự). Nhưng dù sao bên trong những chiếc xe tăng, xe tải chở rocket, xe tải quân sự, và lều trại đó vẫn là những con người, những số phận.
Không những vậy, các UAV này còn lạnh lùng khóa mục tiêu vào cả các quân nhân đứng cạnh xe tải quân sự, đang ngồi trú ẩn trong công sự, hoặc thậm chí cả những quân nhân đang đứng ngồi trên một đoạn đường (không có vũ khí hạng nặng ngay bên cạnh) rồi phóng đạn không thương tiếc vào họ. Cái chết đến tức thì với nhiều người trong số đó.
Các cảnh hủy diệt đó đều đã được phía Azerbaijan ghi lại nhằm phô trương sức mạnh của bản thân và thị uy đối phương.
Sinh mệnh những người lính bên A nằm trong tay của các “trắc thủ” điều khiển nào đó ở bên B. Tại trung tâm điều khiển sẽ có màn hình vô tuyến và “cần lái” cùng các nút điểu khiển khác. Trải nghiệm của những quân nhân điều khiển UAV sát thủ sẽ có nhiều nét giống với trải nghiệm của người chơi game điện tử quân sự, nhưng không phải với cái chết ảo mà là những cái chết thực theo giờ thực trên chiến trường cách xa nơi điều khiển. Sinh mạng của con người bên kia chiến tuyến nằm ngay dưới những cú gạt và bấm nút!
Trước kia một số người lính trong quân đội Mỹ tham gia tiễu trừ phiến quân ở Trung Đông và Nam Á bằng phi cơ không người lái đã chịu áp lực tâm lý về những gì họ làm, đó là nỗi ám ảnh giết người từ xa./.