Ấn Độ bỏ ngoài tai mọi đe dọa để mua S-400 của Nga: Cơn “đau đầu” mới của Biden
VOV.VN - Tổng thống Biden đối mặt với phép thử lớn vào cuối năm nay khi Ấn Độ tiến tới thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Nga - một động thái có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ giữa thời điểm Washington đang cố gắng kéo New Delhi xích lại gần.
Cơn “đau đầu” mới của chính quyền Biden
Thỏa thuận Ấn Độ mua 5 hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất từ lâu đã là mối lo ngại của Washington. Việc chuyển giao sẽ diễn ra vào tháng 12 tới khiến Nhà Trắng buộc phải đưa ra quyết định về cách giải quyết mối quan hệ song phương phức tạp với Ấn Độ.
Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) - một đạo luật ra đời năm 2017 với sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội, được áp dụng để trừng phạt các quốc gia tiến hành những thỏa thuận quốc phòng lớn với Nga - nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
Cho tới nay, những quốc gia chịu lệnh trừng phạt trên là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc khi hai quốc gia này cùng mua hệ thống S-400 của Nga. Đây là một tình huống có thể đặt chính quyền Tổng thống Biden vào vị trí khó xử trong mối quan hệ với đồng minh quan trọng.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi dường như đã quyết định sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận mua S-400 bởi "họ đã không hề chùn bước trong 3 năm qua bất chấp những đe dọa trừng phạt", Sameer Lalwani, giám đốc Chương trình Nam Á của Trung tâm Stimson cho hay.
"Họ đã lên kế hoạch về việc này, đưa ra cam kết và tái khẳng định nó. Họ không hề nao núng về vấn đề này và chúng ta chỉ có thể tận dụng trò chơi 'ai là gà' nhiều nhất có thể, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ phải chịu những kết quả tồi tệ hơn", chuyên gia Sameer Lalwani đánh giá.
Trò chơi "Ai là gà" (Game of Chicken) trong lý thuyết trò chơi chỉ bất kỳ cuộc cạnh tranh nào mà 2 người chơi không muốn rút lui trước hay để người kia thắng mặc dù việc không rút lui thậm chí còn khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn. Ví dụ điển hình nhất cho trò chơi "Ai là gà" là khi hai người lái xe ô tô tốc độ cao đâm trực diện vào nhau. Rõ ràng, nếu không có ai tránh đường thì sẽ xảy ra một vụ va chạm rất lớn và cả hai đều bị thương. Trong trò "Ai là gà", người rút lui trước được gọi là "gà".
Trong lý thuyết trò chơi, việc không muốn trở thành "gà" có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt khi người còn lại cũng không có ý định "tránh đường". Điểm mấu chốt ở đây là dù "chiến thắng" hay tiếp tục trò chơi thì điều này không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích tốt nhất cho người chơi.
Thủ tướng Modi đã tới Washington vào tuần trước để gặp Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác trong nhóm Bộ Tứ (gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ) để thảo luận về một loạt vấn đề khu vực nhưng các quan chức Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa xác nhận S-400 có nằm trong chương trình nghị sự hay không.
Trong những thập kỷ qua, Ấn Độ là khách hàng của các loại vũ khí từ Mỹ, Nga, Pháp và Israel. Trong những năm gần đây, các chính quyền ở Washington đã cố gắng tách Ấn Độ khỏi quỹ đạo của Nga và đã đạt được một số thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì được ảnh hưởng ở một số hệ thống vũ khí quan trọng, bán tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến cho lực lượng vũ trang Ấn Độ.
S-400 từng là nguồn cơn khiến Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt
Tuy nhiên, hệ thống phòng không S-400 là một vấn đề lớn hơn.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và áp lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được hệ thống S-400 đầu tiên. Đây là một bước đi lớn của Mỹ khi quyết định trừng phạt đồng minh NATO lâu năm này.
Việc bị loại khỏi chương trình F-35 là một "trái đắng" với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù trong nhiều năm trước đó, Washington và các đồng minh NATO đã công khai và kín đáo cảnh báo Tổng thống Tayyip Erdogan về thỏa thuận với Nga. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thay đổi lập trường. Tuần trước, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã chuẩn bị để mua hệ thống S-400 thứ hai, khẳng định rằng: "Không ai có thể can thiệp vào việc chúng tôi chọn loại hệ thống quốc phòng nào, từ quốc gia nào hay ở cấp độ nào".
Đạo luật CAATSA 2017 được đưa ra nhằm phản ứng trước việc Nga sáp nhập Crimea và can ngăn các quốc gia mua các trang thiết bị quân sự từ Nga, đồng thời trừng phạt ngành công nghiệp vũ khí của nước này.
Trước quy mô xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đã nỗ lực để cân bằng đạo luật này nhằm tránh leo thang căng thẳng với các đồng minh vốn từ lâu đã mua các trang thiết bị quân sự của Nga.
Ấn Độ là một phần quan trọng trong nỗ lực cân bằng này và việc Mỹ giải quyết các thỏa thuận giữa Ấn Độ với Nga như thế nào sẽ có tác động đến việc các nước khác sẽ được đối xử như thế nào.
Đại sứ quán Ấn Độ ở Washington vẫn chưa đưa ra phản hồi về nguy cơ hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi mua hệ thống tên lửa từ Nga.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định, thương vụ giữa Ấn Độ và Nga không bí mật nhưng "chúng tôi hối thúc tất cả đồng minh và đối tác từ bỏ việc làm ăn với Nga bởi điều này có nguy cơ dẫn đến các lệnh trừng phạt theo CAATSA”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chưa quyết định về các biện pháp trừng phạt và cho rằng, bất kỳ hoạt động làm ăn nào với Nga "trên lĩnh vực quốc phòng và tình báo đều phải được đánh giá dựa trên từng trường hợp".
Về trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, mối lo ngại trong NATO là hệ thống radar mạnh mẽ của S-400 có thể thu thập những thông tin quan trọng cho Moscow về cách thức F-35 và các chiến đấu cơ khác vận hành. Các nhà lãnh đạo ở Brussels cho biết họ sẽ không đặt các tiêm kích F-35 ở bất kỳ nơi nào gần hệ thống radar này, thậm chí cả khi đây là hệ thống được chính đồng minh của tổ chức này vận hành.
Ấn Độ - Đồng minh lớn, bạn hàng lớn của Mỹ
Ấn Độ vẫn là một thị trường lớn cho các nước xuất khẩu vũ khí khi chiếm 9,5% lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu năm 2020, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay. Hàng tỷ USD cho khoản chi tiêu quốc phòng này của Ấn Độ sẽ "chảy vào túi" Nga.
"Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù có lệnh trừng phạt hoặc sự miễn trừ hay không thì thách thức hiện nay của chính quyền Tổng thống Biden là tìm cách tránh phải giải quyết vấn đề này nhiều lần", chuyên gia Lalwani thuộc Viện Stimson cho hay.
Vào năm 2023, Ấn Độ sẽ nhận được 2 tàu khu trục đầu tiên trong số 4 tàu khu trục mới đặt hàng từ Nga và vào năm 2025, nước này sẽ bắt đầu thuê tàu hạt nhân thứ ba của Moscow. Tất cả thỏa thuận lớn này đều đã được hoàn tất.
Hồi tháng 3/2021, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng: "Nếu Ấn Độ chọn tiếp tục mua S-400, sự hợp tác này với Nga sẽ tạo nên một thương vụ đáng kể và có thể đối mặt với lệnh trừng phạt. Động thái này cũng sẽ hạn chế khả năng hợp tác của Ấn Độ với Mỹ trong việc phát triển và đạt được công nghệ quân sự nhạy cảm".
Trong khi những thỏa thuận quan trọng trên buộc Washington phải cân nhắc về các lựa chọn chính sách của mình thì sự cạnh tranh giữa ngành công nghiệp quốc phòng Nga và Mỹ vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua hợp đồng bán 6 chiến đấu cơ săn tàu ngầm P-8 cho Ấn Độ, bổ sung thêm vào 10 chiến đáu cơ của Boeing mà quốc gia này đang sở hữu. Các thỏa thuận trên cũng cung cấp 30% công việc sản xuất cho Ấn Độ - một phần trong chương trình "Make in India" của Thủ tướng Modi.
Ấn Độ cũng quyết định ai sẽ là nhà thầu xây dựng hạm đội mới của nước này với số chiến đấu cơ đa nhiệm lên tới 110. Lockheed Martin đang làm việc để bán tiêm kích F-21 - một biến thể của F-16 cho Ấn Độ.
Boeing cũng đang đề xuất các tiêm kích F-15EX Eagle II và F/A-18E/F Super Hornet cho Ấn Độ, những "mặt hàng" đang cạnh tranh với Saab Gripen E/F, Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon do Airbus, BAE Systems và Leonardo sản xuất. Nga được cho là cũng đang "chào hàng" MiG-35 và Su-35.
Việc chính quyền cựu Tổng thống Obama chỉ định Ấn Độ là một đối tác quốc phòng quan trọng năm 2016 là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Washington nhằm kéo New Delhi xích lại gần, đồng thời kêu gọi Ấn Độ dừng mua một số trang thiết bị từ Nga.
Thỏa thuận trên sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ quốc phòng Mỹ ở cấp độ tương đương với các đồng minh NATO và chỉ diễn ra ngay sau khi Nga để mất thỏa thuận 3 tỷ USD vào tay Boeing để sản xuất các trực thăng Apache và Chinook.
Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng với tầm ảnh hướng lớn của mình sẽ không từ bỏ những thỏa thuận trên cũng như mối quan hệ ngày càng phát triển với Ấn Độ giữa bối cảnh New Delhi trở thành một đồng minh thân cận sát cánh với Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc Ấn Độ sẽ không từ bỏ quan hệ với Nga, Quốc hội và Nhà Trắng sẽ phải sớm quyết định họ sẽ chấp nhận thực tế này ở mức độ nào./.