Ấn Độ cân bằng thế nào giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới?
VOV.VN - Ấn Độ được xem là quốc gia thân Mỹ trong các hội nghị BRICS gần đây. Nhưng Mỹ không hài lòng với việc Ấn Độ đạt nhiều thỏa thuận với Nga. Ấn Độ vẫn chú trọng cân bằng quan hệ với cả Nga dù Nga thân Trung Quốc và đối đầu với Mỹ.
Phương Tây tìm cách lôi kéo Ấn Độ nhưng Ấn Độ vẫn thân với Nga
Cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi đi một thông điệp lớn ngay sau khi NATO công bố Khái niệm Chiến lược mới coi Nga là “mối đe dọa đáng kể nhất và trực tiếp nhất” của liên minh quân sự này.
Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nga đều thể hiện quyết tâm đẩy mạnh đà hợp tác kinh tế bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Điều bất ngờ là chính các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây lại trở thành liều kích thích mạnh đối với thương mại song phương giữa Ấn Độ và Nga.
Cuộc điện đàm giữa ông Modi và ông Putin xảy ra trong bối cảnh phương Tây đẩy mạnh các nỗ lực được cho là nhằm gieo rắc bất hòa giữa các nước thành viên BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và lôi kéo Ấn Độ tham gia vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Quan hệ của Ấn Độ với Nga là chủ đề xuyên suốt trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhật Bản vào tháng 4 và trong 3 chuyến thăm tới châu Âu vào tháng 5 cũng như 2 cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo tính toán của phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ đang trao cho Nga cái mà giới phân tích gọi là “chiều sâu chiến lược” và do vậy giúp vô hiệu hóa các nỗ lực của phương Tây chống lại Nga.
Có một thực tế là, các nỗ lực của phương Tây tạo ra cho Ấn Độ nỗi sợ về mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc không còn tác dụng khiến Ấn Độ e ngại các ý đồ của Nga. Ngược lại, Ấn Độ nhìn thấy cơ hội lớn trong việc tận dụng chính sách của Nga nghiêng sang châu Á-Thái Bình Dương để tìm kiếm đối tác kinh tế.
Ấn Độ tôn trọng BRICS – sáng kiến của Nga
Không nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ đang cần bằng giữa Mỹ và Nga. Hội nghị thượng đỉnh BRICS là dịp tốt để quan sát hành động đánh đu đó. Thủ tướng Modi đã có bài phát biểu mềm mỏng, cân bằng giữa các bên.
Trong khi đó, Tổng thống Putin đã tuyên bố trong phát biểu tại Hội nghị này: “Xem xét mức độ phức tạp của các thách thức và đe dọa mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, và thực tế các thách thức vượt ra ngoài biên giới quốc gia, chúng ta cần đưa ra các giải pháp tổng thể. BRICS có thể đóng góp có ý nghĩa vào những nỗ lực đó”.
Ông Putin nói thêm: “Chúng ta tin rằng ngày nay, thế giới cần vai trò lãnh đạo của các nước BRICS trong xác định một tiến trình thống nhất và tích cực cho việc hình thành một hệ thống đa cực cho quan hệ liên quốc gia. Chúng ta có thể dựa vào sự ủng hộ của nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin – những nước đang theo đuổi một chính sách độc lập”.
Còn trong phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí kêu gọi các đối tác BRICS một cách trực tiếp hơn nữa: “Thế giới của chúng ta ngày nay bị phủ bóng bởi các đám mây đen của não trạng Chiến tranh Lạnh và chính trị cường quyền và gặp phải các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống… Điều quan trọng là các nước BRICS ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi, thực hành chủ nghĩa đa phương chân chính, bảo vệ công lý, công bằng và đoàn kết, bác bỏ bá quyền, bắt nạt và chia rẽ”.
Ít cơ sở để cho rằng Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sẽ “thống trị” BRICS. Vì Nga chiếm một vị trí đặc biệt trong cấu trúc của BRICS.
Trên thực tế, BRICS là sáng kiến của Moscow. Nga chịu trách nhiệm khai trương định dạng này. Hội nghị bộ trưởng đầu tiên (theo định dạng BRICS) diễn ra theo gợi ý của ông Putin vào tháng 9/2006 bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Như vậy, ý tưởng tạo lập BRICS đã được phát triển ở Nga.
Thứ hai, BRICS không mang nặng ý thức hệ. Không có sự hận thù đối với Mỹ dù khối này thách thức sự bá quyền của phương Tây trong trật tự chính trị và kinh tế thế giới.
Khác với Ấn Độ, Trung Quốc lại rất coi trọng BRICS. Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến thành lập một Trung tâm Vaccine BRICS. Năm 2022, Trung Quốc giữ chức chủ tịch BRICS. Tất nhiên Trung Quốc sẽ thúc đẩy các dự án của riêng mình, bao gồm sáng kiến Vành đai và Con đường. Do vậy, đã đến lúc Ấn Độ cũng cần đánh giá nghiêm túc về các giá trị bên trong khuôn khổ BRICS và sự thay đổi cán cân quyền lực nội bộ trong nhóm trong môi trường Chiến tranh Lạnh mới./.