Ấn Độ đặt cược vào “Bộ Tứ” khiến Nga “chênh vênh” trong trò chơi quyền lực
VOV.VN - Sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Mỹ cùng quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa các nước trong “Bộ Tứ kim cương” đã khiến Nga rơi vào tình thế bấp bênh.
Nga bị đặt vào tình thế “đã rồi”
Khi Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn bị hủy bỏ vào tháng 12/2020, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu diễn ra cách đây 20 năm, dịch Covid-19 được cho là lý do phù hợp và rõ ràng nhất cho quyết định này. Nhưng đàng sau, Nga được cho là không hài lòng về việc đối tác Nam Á của nước này tiến quá gần với Mỹ, đặc biệt khi Ấn Độ tăng cường tham gia Đối thoại Tứ giác An ninh, hay còn gọi là “Bộ Tứ kim cương” – một liên minh không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản vốn được ví như “NATO tại châu Á”.
Giới phân tích cho rằng, Nga muốn dựa vào mối quan hệ với các nước lớn trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ để nâng cao vị thế của nước này như một cường quốc Á-Âu. Trong bối cảnh mối quan hệ quốc phòng, thương mại và ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ với New Dehli đang bị những nhân tố mới đe dọa, Moscow ngày càng lo lắng sẽ đánh mất sức hút và tầm ảnh hưởng của mình.
Cyrus Newlin, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Nga coi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên tắc tổ chức chi phối các mối quan hệ quốc tế ngày nay. Và mối liên kết về an ninh ngày càng chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Mỹ có thể làm đảo lộn nguyên tắc này. Mặc dù Ấn Độ vẫn là một đối tác quan trọng của Nga nhưng Moscow lo ngại sự thiếu chắc chắn trong quan hệ với New Dehli sẽ khiến họ gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với Moscow, đảm bảo thế cân bằng và sự đa dạng hóa trong khu vực là một yêu cầu chiến lược”.
Đòn bẩy khắc chế Trung Quốc
Là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, Ấn Độ đã và đang dần từ bỏ truyền thống theo đuổi quan điểm trung lập từ thời Chiến tranh Lạnh và hợp tác nhiều hơn với Mỹ.
Vào năm 2020, Ấn Độ đã mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar cùng Mỹ, Nhật Bản. Động thái được cho là sẽ tạo cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm "Bộ tứ Kim cương" (QUAD) khi tất cả các quốc gia trong nhóm này sẽ lần đầu tiên tương tác với nhau ở cấp độ quân sự.
Một số nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ đã đưa ra lời mời theo đề xuất của Mỹ sau hai bên ký kết một loạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo cho phép New Dehli tiếp cận các vệ tinh quân sự của Mỹ vào cuối tháng 10/2020, tại cuộc đối thoại “2+2” giữa các bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao hai nước. Bất chấp dịch Covid-19, cuộc đối thoại này vẫn được tiến hành.
Tiếp đến là những thương vụ mua bán vũ khí đầy triển vọng. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã bước lên vị trí thứ 2 trong danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Ấn Độ. Điều này đã gây khó chịu cho Nga- vốn là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Ước tính, khoảng 2/3 số lượng vũ khí nhập khẩu của quốc gia Nam Á này đến từ Nga. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới từ năm 2010 đến 2019.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Mỹ và Ấn Độ ngày càng xích lại nhau hơn về mặt an ninh là bởi hai nước đều phải đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đã leo thang căng thẳng trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, ngoại giao, đến không gian mạng. Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến những cuộc xung đột ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy Himalaya.
Sau các vụ đụng độ biên giới, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra ở New Dehli và quan điểm “không liên kết” đã vấp phải sự phản đối rộng rãi. Sau nhiều thập kỷ triển khai chính sách “tự chủ chiến lược”, giữ vững sự độc lập trong quan hệ với các nước lớn và tách rời các liên minh, giới tinh hoa quân sự và chính trị Ấn Độ dường như đang cho thấy sự sẵn sàng đón nhận một mối liên kết bền chặt hơn với Mỹ.
Trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ đã đáp trả tương tự như cách Washington đối phó với Bắc Kinh. New Dehli hủy việc cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty của Trung Quốc, áp thuế đối với hàng điện tử Trung Quốc và cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng khác của nước này.
Các biện pháp nói trên được thực hiện trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Ấn Độ là đối tác chính khi thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc trong khu vực. “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ để thúc đẩy các mục tiêu chung”, chính quyền Biden cho biết trong tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của Mỹ vừa được công bố.
Ấn Độ một mặt khẳng định rõ lập trường của nước này, mặt khác xúc tiến quá trình giảm leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Thời gian gần đây, New Dehli đã thực hiện những động thái mềm mỏng hơn, chẳng hạn như nhất trí với Trung Quốc về thỏa thuận rút quân và giảm leo thang căng thẳng tại đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, thực thi lệnh ngừng bắn với Pakistan - đồng minh của Trung Quốc, dọc theo biên giới tranh chấp ở Kashmir.
Tìm kiếm mối liên kết bền chặt hơn thông qua “Bộ Tứ”
Trong khi Ấn Độ từng bước giảm căng thẳng với Trung Quốc và duy trì quan hệ tốt với Nga, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, quan hệ giữa New Dehli với Mỹ còn bao gồm nhiều phương diện hơn chứ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực an ninh và các thỏa thuận mua bán vũ khí. Khi cuộc tranh luận đang diễn ra, Ấn Độ dường như muốn những người bạn mới và đối tác cũ của nước này giữ kiên nhẫn.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo vào ngày 4/3, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu cho biết: “Sự hợp tác của Ấn Độ với Mỹ không nhất thiết là để chống lại nhân tố X hoặc Y”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ông Sandhu nói rằng: “Chúng tôi chia sẻ với Mỹ cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đảm bảo tự do hàng hải và một trật tự dựa trên quy tắc. Chúng tôi cũng chia sẻ các đặc tính dân chủ và cách tiếp cận tương tự với những quốc gia cùng chí hướng”.
Đại sứ Taranjit Singh Sandhu cho rằng, “Bộ Tứ kim cương” không chỉ là một cơ chế an ninh và “sự liên kết không phải đối tác, không phải liên minh này” có những mục tiêu lớn hơn.
“Có một chương trình nghị sự tích cực ở đây. Khi ngoại trưởng các nước Bộ Tứ tương tác với nhau, họ đã tạo ra sự kết nối rộng rãi giữa các nền dân chủ, các nền kinh tế thị trường và họ sẽ cùng nhau làm việc để đảm bảo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Đại sứ Singh Sandhu cho biết thêm, “Bộ Tứ” đã có những cuộc trao đổi thường xuyên về “dịch Covid-19, y tế, chương trình tiêm chủng, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và chống khủng bố. Có rất nhiều chương trình nghị sự được thảo luận bên trong nhóm”.
Nhưng tại New Dehli, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, an ninh vẫn là một vấn đề quan trọng với Ấn Độ - quốc gia duy nhất có đụng độ quân sự với Trung Quốc trong những năm gần đây. Đô đốc Sudarshan Shrikhande, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của hải quân Ấn Độ cho rằng: “Rõ ràng, Trung Quốc đã khiến Bộ Tứ từ việc chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận sang việc kết hợp giữa lời nói với hành động. Mục tiêu của nhóm Bộ Tứ không phải là chống lại Trung Quốc mà là đề phòng ngừa các mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Về tư duy chiến lược, ông Shrikhande kêu gọi Mỹ và Nga nên xem xét vai trò của Ấn Độ một cách rộng lớn hơn, chứ không chỉ dừng lại ở việc là quốc gia mua khí tài quân sự lớn nhất thế giới hoặc một đối tác đối trọng với Trung Quốc.
“Các bên cần phải xem xét những vấn đề lớn hơn, chẳng hạn vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế và cần phải điều hướng những mối quan hệ phức tạp. Có những động lực an ninh lớn hơn mà Nga và Ấn Độ hay Mỹ và Ấn Độ phải cùng nhau xem xét, để tạo tiền đề cho việc xây dựng một cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nga-Ấn với những tiềm năng lâu dài”./.