Ấn Độ giải bài toán phân phối và tiêm phòng vaccine Covid-19 như thế nào?
VOV.VN - Tính tới sáng nay (30/10), Ấn Độ vẫn đang là vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã là gần 8,1 triệu người.
Những tuần qua, số ca nhiễm mới trong ngày tại Ấn Độ đang có xu hướng giảm dần, từ mức cao nhất là gần 100.000 ca/ngày, nay đã chỉ còn khoảng 50.000 ca/ngày, tức giảm khoảng một nửa. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy Ấn Độ có thể đã qua đỉnh dịch, cũng như các biện pháp quản lý dịch bệnh, tăng tốc xét nghiệm và cách ly của chính quyền đã có hiệu quả.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là thành công bước đầu. Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Ấn Độ vẫn rất lớn, và nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại là vẫn còn, khi chỉ 1 tuần nữa là tới mùa lễ hội Diwali tại Ấn Độ. Việc giữ khoảng cách và thực hiện các biện pháp an toàn là rất khó trong mùa lễ hội lớn nhất trong năm này của Ấn Độ. Chính vì thế, về lâu dài, chính phủ Ấn Độ vẫn xác định chỉ khi có vaccine Covid-19 và triển khai tiêm cho toàn bộ người dân thì đất nước 1,3 tỷ dân này mới có thể an toàn và trở lại với nhịp sống bình thường.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, tất cả người dân nước này sẽ được tiêm ngừa vaccine Covid-19 một khi sản phẩm này được hoàn thành các thử nghiệm và được sản xuất hàng loạt. Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ Ấn Độ sẽ thành lập một nhóm chuyên gia phụ trách việc quản lý vaccine và nhóm này sẽ có trách nhiệm xây dựng lộ trình thực hiện.
Trong giai đoạn đầu khi vaccine mới đưa vào sản xuất hàng loạt, Ấn Độ sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho các nhóm dân cư dễ nhiễm bệnh và có khả năng tử vong vì Covid-19 cao như người già, người có bệnh nền, trẻ em và các nhân viên làm việc ở tuyến đầu chống dịch.
Nhóm này theo tính toán sẽ vào khoảng 300 triệu người. Dự kiến, Ấn Độ sẽ dành 7 tỷ USD để tiêm phòng cho toàn bộ dân số. Còn về tiến độ nghiên cứu các loại vaccine Covid-19 tại Ấn Độ, theo thông tin mới nhất, bên cạnh 2 dòng vaccine nội địa đang trong quá trình phát triển, Ấn Độ cũng đang cho triển khai thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine của hãng dược AstraZeneca và vaccine Sputnik V của Nga.
Theo kế hoạch, vaccine Sputnik V sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021 còn vaccine của AstraZeneca sẽ sớm hơn, vào tháng 1/2021. Với ngành công nghiệp dược có quy mô lớn nhất nhì thế giới, Ấn Độ có thể triển khai sản xuất hàng loạt vaccine một khi có được giấy phép. Đây chính là lợi thế của quốc gia này.
Với một sản phẩm đặc biệt như vaccine, việc bảo quản, vận chuyển và phân phối tới từng điểm tiêm phòng là một trong những thách thức rất lớn. Bối cảnh nhu cầu tiêm phòng vaccine Covid-19 đang rất lớn và khẩn cấp càng tạo nên áp lực cho đội ngũ y tế.
Với Ấn Độ, bài toán tiêm phòng cho 1,3 tỷ người trong đó có rất nhiều người nghèo và người sinh sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là không hề đơn giản. Điều này càng thách thức hơn khi bộ máy chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ đã phải gồng mình lên đối phó với Covid-19 gần 10 tháng qua.
Tuy nhiên, theo thông tin được chính phủ Ấn Độ công bố mới đây, nước này dự kiến lập ra các chuỗi phân phối vaccine, với hơn 28.000 điểm tiếp nhận và luân chuyển trong cả nước. Mạng lưới này sẽ giúp các liều vaccine được đưa tới tận các vùng xa xôi nhất. Các đội phân phối vaccine ở cấp tiểu bang, cấp quận và cấp khu dân cư sẽ chịu trách nhiệm quản lý để hệ thống này hoạt động thông suốt.
Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ cũng đang bàn bạc làm việc với các đối tác tư nhân trong các lĩnh vực sản xuất thuốc, công nghiệp chế biến thực phẩm, các công ty nông nghiệp để đẩy nhanh việc phân phối vaccine đúng tiêu chuẩn.
Thậm chí, ngành y tế Ấn Độ còn đang tham vấn với các ứng dụng giao đồ ăn nhanh như Zomato, Swiggy để có thể tận dụng các kho lạnh hay thiết bị trữ đông của hệ thống này để phân phối vaccine tới từng khu dân cư./.