Ấn Độ ngả về phương Tây chống Trung Quốc, “tiến thoái lưỡng nan” trong quan hệ với Nga
VOV.VN - Theo đuổi sự tự trị chiến lược trong quan hệ với nước lớn, Ấn Độ thúc đẩy quan hệ với Nga nhưng việc tham gia vào liên minh phương Tây nhằm chống Trung Quốc lại khiến nước này gặp khó khi cân bằng các mối quan hệ chồng chéo.
Ấn Độ đang “ngả” về phương Tây?
Ấn Độ và Nga gần đây đã nhất trí tiến hành đối thoại ngoại giao và quốc phòng "2+2" - một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai bên.
Như vậy, cùng với Australia, Nhật Bản và Mỹ, Nga đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ. Về phía New Delhi, động thái trên cũng nằm trong nỗ lực của nước này nhằm đa dạng hóa các kế hoạch đối ngoại trong khi theo đuổi sự tự trị chiến lược trong quan hệ với các nước lớn.
Với sự nổi lên của Quad và sự tham gia của Ấn Độ vào nhóm này, cũng như việc Tổng thống Joe Biden đặt trọng tâm vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, New Delhi đã cho thấy xu hướng nghiêng về phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Chính quyền Tổng thống Biden ngay sau khi nhậm chức đã nhấn mạnh đến sáng kiến tập hợp các quốc gia cùng chí hướng trong cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Trên thực tế, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế với việc Bắc Kinh cung cấp hàng hóa nhập khẩu trị giá 58,71 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc cũng là nguồn thâm hụt thương mại lớn nhất của Ấn Độ với mức gần 50 tỷ USD.
Cảm nhận được sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và sự phụ thuộc của mình vào kinh tế nước này, Ấn Độ ưu tiên tự lực cánh sinh và giảm nhập khẩu, đồng thời coi Bắc Kinh là một thách thức gây đe dọa. Căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đã leo thang kể từ cuộc đụng độ biên giới đẫm máu vào năm ngoái, phủ bóng bởi những bế tắc quân sự và không có dấu hiệu hòa hoãn nào giữa hai bên.
Quan hệ Trung - Ấn đã ở một mức thấp mới sau khi một cơ quan của Trung Quốc đăng tải một hình ảnh lên mạng xã hội, chế giễu cuộc chiến chống Covid-19 ở Ấn Độ. Trong khi bài viết này vấp phải phản ứng gay gắt từ chính các quan chức và người dân Trung Quốc, cũng như cuối cùng đã bị xóa đi thì sự việc này một lần nữa công khai cho thấy những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa 2 quốc gia.
Một bài viết trên trang Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mặc dù thể hiện sự đồng cảm trước tình hình dịch Covid-19 tồi tệ ở Ấn Độ, song vẫn nhấn mạnh rằng, New Delhi “thực sự đã làm những việc sai trái với Trung Quốc, cũng như vẫn giữ thái độ thiếu thiện chí và một tầm nhìn hạn hẹp".
Ấn Độ đã thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc hồi tháng 8/2020 giữa lúc căng thẳng 2 nước leo thang nghiêm trọng bằng việc cấm 59 ứng dụng Trung Quốc từ một số tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này hoạt động ở Ấn Độ. Con số trên đã tăng lên 118 vào tháng 9, dẫn đến các nhà chức trách Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ bằng những bình luận gay gắt và hối thúc New Delhi "điều chỉnh lại hành vi sai lầm".
Dù vậy, Ấn Độ không dừng lại mà tiếp tục loại Huawei và ZTE khỏi các cuộc thử nghiệm 5G với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, đồng thời tham gia cùng những nỗ lực của Mỹ trong một liên minh chống lại các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc trên thế giới.
Một dấu hiệu khác trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại có nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, đồng thời duy trì những cuộc trao đổi gần như hằng tháng với Tổng thống Nga Putin.
Ấn Độ vẫn im lặng trước lời đề nghị hỗ trợ của Trung Quốc và dường như ưu tiên tiếp nhận sự hỗ trợ từ Mỹ nhiều hơn. Thủ tướng Modi sau đó cũng cảm ơn "người bạn" Putin về "sự hỗ trợ và ủng hộ của Nga".
Sự im lặng của Ấn Độ trước lời đề nghị của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía Trung Quốc khi tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này so sánh New Delhi là "con tốt" của Washington và "sẽ bị vứt bỏ như một tờ giấy đã dùng".
“Tiến thoái lưỡng nan” trong quan hệ với Nga
Không giống như mối quan hệ băng giá với Bắc Kinh, New Delhi tăng cường mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow nhằm thúc đẩy sự tự trị chiến lược của mình. Nga là một đối tác thân thiện với Ấn Độ hơn Trung Quốc khi quan hệ giữa 2 nước ít va chạm chính trị và các quan hệ kinh tế bất đối xứng.
Chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 4 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương và hạn chế những hiểu lầm giữa 2 bên. New Delhi nỗ lực xoa dịu những lo ngại của Moscow về việc nước này tham gia vào liên minh Quad do Mỹ dẫn đầu, đồng thời tái khẳng định về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhấn mạnh đến sự tin tưởng chiến lược sâu sắc giữa 2 quốc gia, ông Lavrov khẳng định Nga là "quốc gia duy nhất chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho Ấn Độ". Các thiết bị quân sự mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chiếm một nửa các hợp đồng mua bán thiết bị quân sự của nước này. Hai quốc gia cũng thảo luận về việc tăng cường sản xuất các thiết bị quân sự Nga ở Ấn Độ.
Trong khi ngày càng xa rời lập trường trung lập trong mối quan hệ với Trung Quốc, New Delhi dường như vẫn tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận mang tính hợp tác với Nga. Dù vậy, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga sẽ có không ít căng thẳng khi New Delhi tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, trong đó có việc tham dự hội nghị các bộ trưởng G7 ở London với tư cách là khách mời. Hội nghị này đã chỉ trích mạnh mẽ "hành vi gây bất ổn và vô trách nhiệm của Nga", cũng như "những vi phạm nhân quyền" và "hành vi cưỡng ép kinh tế" của Trung Quốc.
Với việc quan hệ Nga - Trung ngày càng hợp tác mạnh mẽ và "nhân tố Trung Quốc" không thể đứng ngoài quan hệ Moscow - New Delhi, trong đó Bắc Kinh cáo buộc phương Tây lôi kéo Ấn Độ vào "cuộc chiến chống Trung Quốc", lập trường trung lập của Ấn Độ với Nga có thể sẽ mờ nhạt dần. Điều này có thể khiến Ấn Độ trả giá bởi cái gọi là "tự trị chiến lược" như Ngoại trưởng Nga Lavrov từng lên tiếng quan ngại hồi tháng 12./.