Ấn Độ và Australia phối hợp lực lượng để kiềm chế Trung Quốc trên biển?
VOV.VN - Cả Australia và Ấn Độ đã đạt được nhất trí ở tầm chiến lược trong việc hợp tác kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên một số vùng biển trọng yếu.
Australia được cho là đã bị lôi kéo vào căng thẳng an ninh Trung Quốc-Ấn Độ sau khi New Delhi và Canberra ký một thỏa thuận quốc phòng, mà theo đó quân đội hai nước có thể chia sẻ các cơ sở ở các eo biển, nơi Bắc Kinh đòi xác lập chủ quyền.
Sĩ quan hải quân Australia và Ấn Độ chào nhau trong sự kiện tập trận hải quân chung giữa 2 nước, AUSINDEX 2017. Ảnh: Facebook. |
Thỏa thuận hợp tác quân sự khiến Trung Quốc lo ngại
Khi Trung Quốc và Ấn Độ huy động thêm quân và thiết bị quân sự dọc vùng biên giới Himalaya tranh chấp giữa đôi bên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có thể coi thỏa thuận Ấn Độ-Australia là một mối đe dọa trực tiếp.
Trang web của Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết nhan đề “Liệu Úc và Ấn Độ có phối hợp với nhau để đối đầu với Trung Quốc?”
Bài báo này đồng thời cảnh báo: “Một quan hệ đối tác giữa Australia và Ấn Độ, đặc biệt là về mặt quân sự, sẽ mang lại một sự thay đổi mới trong cấu trúc chiến lược của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Ban đầu được đề cập trong các cuộc đàm phán song phương hồi tháng 12/2019, thỏa thuận quân sự này đã được lặng lẽ ký tắt vào tuần này sau một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison. Thỏa thuận nâng quan hệ hai nước lên cấp độ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP).
Với cái tên chính thức là Sắp xếp Hỗ trợ Hậu cần Tương hỗ, thỏa thuận này sẽ cải thiện hoạt động liên hợp của quân đội hai nước. Trong khi đó, một thỏa thuận Sắp xếp Thực hiện Khoa học và Công nghệ Quốc phòng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu của hai bên.
Đây là lần hợp tác CSP lần thứ 5 của Ấn Độ trong khu vực, theo sau các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Nhật Bản, Indonesia và 1 nước Đông Dương. Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu khi Trung Quốc coi sự mở rộng mạng lưới đối tác hàng hải này là một sự bao vây tiềm tàng.
Với thỏa thuận mới này, Australia là một trục chắc chắn trong bộ tứ an ninh, gồm cả Mỹ, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Thỏa thuận này ban đầu được đề xuất trong Đối thoại An ninh Bốn bên vào năm 2007 nhưng khi ấy New Delhi không mặn mà do lo ngại làm phật lòng Trung Quốc. Nhưng quan điểm này giờ đã thay đổi sau cuộc đối đầu lần 2 ở dãy Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong các năm gần đây.
Ấn Độ trước đó đã có quan hệ thân thiện riêng với hai nước Đông Nam Á phản đối kiên quyết việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.
Giờ đây có vẻ như Canberra sẽ được mời gửi tàu chiến tới tham gia một cuộc tập trận hải quân mang tên Malabar liên quan đến Ấn Độ, Mỹ, và Nhật Bản. Trung Quốc coi Malabar là một hành động thù địch với họ.
Ấn Độ và Australia đã tham gia ít nhất 3 cuộc tập trận hải quân liên hợp AUSINDEX bắt đầu vào năm 2015. Các cuộc tập trận tổ chức vào tháng 4/2019 ở Visakhapatnam (Ấn Độ) chứng kiến việc Australia gửi tới đây cả một tàu đổ bộ lưỡng cư trực thăng, tàu hộ vệ, một tàu ngầm thông thường, và một tàu tiếp dầu lớp Durance.
Tướng Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc về sai lầm mạo hiểm ở biên giới 2 nước
Hỗ trợ tiếp cận căn cứ sau các động thái của tàu Trung Quốc
Chi tiết thu hút chú ý nhất trong thỏa thuận an ninh Ấn Độ-Australia nói trên là việc nhất trí về quyền tiếp cận song phương đối với các cơ sở hậu cần (nói cách khác là quyền sử dụng chung các căn cứ quân sự) – điều này có thể bao gồm các tuyến cung cấp hợp tác. Trọng tâm có thể là an ninh hàng hải nhưng thực tế sự hợp tác có thể mở rộng sang cả địa hạt không quân.
Hợp tác ban đầu có thể tập trung vào các đảo Andaman và Nicobar (Ấn Độ) và Cocos (Australia) tiếp giáp với một số tuyến thương mại trọng yếu nhất của châu Á.
Andaman và Nicobar nằm gần Eo biển Malacca được hàng ngàn tàu bè sử dụng khi đi lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Quần đảo Cocos nằm sát các eo biển Lombok và Sunda.
Cả Ấn Độ và Australia đang phải nỗ lực duy trì việc theo dõi thường xuyên đối với các vùng biển này mà gần đây bị Trung Quốc nhòm ngó. Ấn Độ đã ghi nhận hoạt động gia tăng của cả tàu ngầm và tàu mặt nước của Trung Quốc tại đây, còn Australia thì đang theo dõi các hoạt động khảo sát hải dương học do Trung Quốc tiến hành.
Học giả Ấn Độ Darshana Baruah – người tham gia dự án nghiên cứu 2 năm về chiến lược Ấn Độ Dương của Đại học An ninh Quốc gia Australia cho biết: “Trong cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện nay ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các đảo này có thể mang lại lợi thế về chiến lược, thực tiễn, và thông điệp”.
Ông Baruah nói: “Quyền tiếp cận các đảo này không chỉ củng cố lợi ích của Australia ở Đông Ấn Độ Dương mà còn cung cấp bàn đạp cho việc tăng cường giao lưu quân sự ở phần còn lại của Ấn Độ Dương – một thách thức trong chính sách Ấn Độ Dương của Australia”.
Học giả này cho biết tiếp: “Tương tự, Ấn Độ sẽ có thế để tiếp cận một cách chiến lược với quần đảo Cocos, mở rộng tầm vươn và sự hiện diện của mình vào khu vực Đông Nam Ấn Độ Dương qua các eo biển Indonesia và vào Thái Bình Dương”.
Cả Australia và Ấn Độ đều sử dụng máy bay P-8 Poseidon để trinh sát biển nhưng đa phần các máy bay này cất cánh từ đất liền của họ. Australia có thêm quyền tiếp cận một căn cứ tại Butterworth theo một thỏa thuận với Malaysia.
Ở cấp độ hàng hải, có tiềm năng tuần tra chung chống tàu ngầm và hợp tác trong các hoạt động cứu hộ nhân đạo và chống hải tặc. Một hình mẫu cho hợp tác như vậy có thể là cuộc tuần tra chung của Ấn Độ và Pháp trên vùng Tây và Tây Nam của Ấn Độ Dương xuất phát từ đảo Reunion của Pháp.
Một điểm khó tiềm tàng cho thỏa thuận Ấn Độ-Australia là cách nhìn của phía Indonesia – liệu nước này có đồng ý cho Ấn Độ và Australia thực hiện các chuyến bay qua lãnh thổ Indonesia hay không? Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Indonesia trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện của hai nước nhưng hiện chưa rõ liệu văn bản này có bao gồm cả việc bay qua lãnh thổ hay không.
Quan hệ lạnh nhạt giữa Indonesia và Trung Quốc xấu đi vào cuối tháng 12/2019 khi hàng chục tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển ngoài khơi các đảo Natuna và ở lại đó trong nhiều tuần./.