Ảnh hưởng của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo với châu Á và quan hệ Mỹ-Trung
VOV.VN - Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinso tuyên bố từ chức trong bối cảnh căng thẳng ở châu Á đang gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa có hồi kết.
Các tin đồn liên quan đến sức khỏe của Thủ tướng Abe Shinzo đã nổi lên từ nhiều tuần qua và việc ông tuyên bố từ chức hôm 28/8 không hoàn toàn gây bất ngờ cho giới chức Mỹ, nhưng thời điểm ông Abe đưa ra tuyên bố này vẫn là điều gây lo ngại.
Châu Á mất một nhân tố ổn định
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinso tuyên bố từ chức trong bối cảnh căng thẳng ở châu Á đang gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu kích trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước, Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông.
Trung Quốc cũng gia tăng căng thẳng với Nhật Bản bằng việc tiếp tục để tàu thuyền nước này tới các vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ngoài ra, các vấn đề Hong Kong và Đài Loan cũng dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột lớn ở châu Á là điều không thể tránh khỏi trong những năm tới.
Ông Abe, vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản, được xem như một nhân tố ổn định của khu vực, dù sự ủng hộ đối với chủ nghĩa dân tộc của ông đôi khi vẫn bị phản đối. Chuyến thăm năm 2013 của ông Abe tới ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi thường được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ đã khiến Trung Quốc, Hàn Quốc giận dữ và cũng khiến Mỹ thất vọng. Tuy nhiên, ông Abe là một người theo chủ nghĩa đa phương và không ngừng thúc đẩy cho một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Bên cạnh đó, ông Abe kiên định trong việc duy trì và cải thiện quan hệ liên minh Nhật-Mỹ. Năm 2015, ông Abe đã thúc đẩy việc thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi trong nước, giải thích lại điều khoản của Hiến pháp hạn chế sử dụng vũ lực để tự vệ. Luật này cho phép Nhật Bản thực hiện trách nhiệm phòng vệ tập thể và nhờ tới sự trợ giúp của Mỹ nếu cần thiết.
Đó là những gì diễn ra dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Còn khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, ông Abe đã không bỏ lỡ cơ hội. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ Tổng thống đắc cử của Mỹ ở Tháp Trump.
Ngay cả khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Abe cho là thiết yếu cả vì lý do kinh tế cũng như chiến lược, vị Thủ tướng Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận với 11 nước còn lại, thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông cũng đồng ý làm việc với chính quyền Trump để thiết lập một thỏa thuận song phương riêng biệt, dù hạn chế hơn so với TPP nhưng phù hợp với nhiều mức thuế quan, và quan trọng hơn là giúp Nhật Bản tránh căng thẳng thương mại giữa 2 nước đồng minh.
Cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung
Nhật Bản là nước có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Dù Nhật Bản ngày càng ngờ vực sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc (lý do mà Nhật Bản càng cần phải thúc đẩy quan hệ an ninh gần gũi với Mỹ), nhưng Tokyo có sự ràng buộc về kinh tế với Bắc Kinh.
Ông Abe đã phải duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc khi vừa phải duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng cũng tránh căng thẳng “không cần thiết” với Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh hồi tháng 6 khi chính phủ Nhật Bản bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong nhưng không ký tuyên bố chung với Mỹ, Anh, Australia và Canada lên án Trung Quốc về vấn đề này.
Trong số những ứng cử viên tiềm năng trở thành người kế nhiệm ông Abe, có Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, cựu Bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Taro Kono và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida.
Cho dù ai được đảng Dân chủ Tự do lựa chọn vào tháng tới cũng sẽ phải tìm cách cân bằng các lợi ích của Nhật Bản trên trường quốc tế. Dư luận kỳ vọng sự cân bằng đó sẽ tiếp tục được duy trì như dưới thời Thủ tướng Abe, nhất là quan hệ đồng minh với Mỹ.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, vài năm trước khi ông Abe trở lại cương vị Thủ tướng vào năm 2012, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Yukio Hatoyama của đảng Dân chủ Nhật Bản có xu hướng đưa Nhật Bản vào mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Dù vậy, mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn đủ mạnh. Ví dụ, Đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad hay Tứ giác kim cương) đã đem lại kết quả là các cuộc họp thường xuyên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do.
Năm 2020 tiếp tục có nhiều biến động trên thế giới và tuyên bố từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có thể không được dư luận chú ý nhiều như đại dịch Covid-19 hay sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Dù sự ra đi của ông Abe có vẻ như không phải là điều báo động ngay tức thì, nhưng nó cũng dấy lên một thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực, nhất là khi Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng./.