Anh và EU chấp nhận thua Nga trong cuộc chiến ngoại giao lịch sử?
VOV.VN - Việc thừa nhận không tìm ra bằng chứng chứng minh Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên bị đầu độc đã khiến Anh, Mỹ và phương Tây rơi vào thế yếu.
Việc các nhà điều tra của Anh thừa nhận không tìm ra bằng chứng chứng minh Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc đã khiến Anh và phương Tây rơi vào thế yếu.
Theo một số nhà phân tích, Nga có thể tận dụng điểm yếu này của Anh để đảo ngược tình hình, giúp lợi thế nghiêng về phía Nga trong cuộc chiến ngoại giao. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này. Mọi kỳ vọng đều được trông đợi vào phiên họp của Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) diễn ra hôm nay (4/4).
Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) của Anh. Ảnh: News. sky. |
Anh không tìm ra bằng chứng
Hãng tin Sky News ngày 3/4 dẫn lời ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) cho biết, cơ quan này đến nay vẫn không thể xác định nguồn gốc chất độc thần kinh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal. Các chuyên gia của DSTL nhận định hai nạn nhân bị nhiễm Novichok, một chất độc gây nên thương tổn vĩnh viễn, nghiêm trọng hơn bất kỳ loại chất độc thần kinh nào khác, dù sau đó nạn nhân lập tức được điều trị bằng thuốc giải độc.
Ông Gary Aitkenhead nói: "Sau thời gian dài nỗ lực nghiên cứu, chúng tôi có thể xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự. Song chúng tôi không xác định được nguồn gốc chính xác. Chúng tôi đã cung cấp các thông tin khoa học cho Chính phủ Anh, những người sau đó sử dụng một số nguồn tin khác để ghép nối với nhau thành những kết luận như bạn đã thấy. Công việc của chúng tôi là đưa ra bằng chứng khoa học về loại chất độc được sử dụng, chứ không có nhiệm vụ xác định nơi sản xuất”.
Nga đòi Anh một lời xin lỗi
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/4 cho biết, các cáo buộc của Anh đối với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viện Skripal bị đầu độc đang nhận được những bằng chứng trái ngược và phản tác dụng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, ông Dmitry Peskov khẳng định: “Tình thế đã rất bất lợi cho phía Nga ngay từ lúc ban đầu. Tuy nhiên hiện giờ, đã có nhiều bằng chứng mới chứng tỏ những lời buộc tội từ phía Anh là vô căn cứ và vô lý. Các bằng chứng này do chính chuyên gia phân tích mẫu vật và hiện trường cung cấp. Câu hỏi đặt ra hiện nay là phía Anh đã dựa vào đâu để tạo ra cáo buộc đối với Nga. Anh đang nợ Nga một câu trả lời”. Theo ông Peskov, vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW). Cuộc chiến ngoại giao leo thang, Nga trục xuất thêm 59 nhà ngoại giao
Ông Dmitry Peskov khẳng định: “Anh sẽ phải đưa ra lời xin lỗi Nga. Đây là một câu chuyện dài và hành động “thiếu suy nghĩ” của Anh đã đi quá xa. Thủ tướng Anh Theresa May và Ngoại trưởng nước này cần phải đối diện với các đồng nghiệp trong Liên minh Châu Âu sau những gì mà họ tuyên bố trước đó.
Nga giành lợi thế trước cuộc họp của OPCW
Những diễn biến mới này diễn ra một ngày trước cuộc họp của Hội đồng điều hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để thảo luận về việc Anh cáo buộc Nga nhúng tay vào vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh hôm 4/3 vừa qua.
Tuyên bố của OPCW nêu rõ, Chủ tịch Hội đồng Điều hành (của OPCW) đã nhận được yêu cầu từ Đại điện Thường trực của Liên bang Nga triệu tập một cuộc họp của Hội đồng. Cuộc họp kín bắt đầu vào lúc 10h (8 giờ GMT) ngày 4/4 tại trụ sở OPCW tại La Hay (Hà Lan).
Trong một tuyên bố hiếm hoi, Tổng thống Putin hy vọng phiên họp của Hội đồng điều hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 4/4 sẽ làm sáng tỏ sự thật về vai trò của Nga trong vụ đầu độc điệp viên Nga, qua đó chấm dứt khủng hoảng ngoại giao Nga, phương Tây nhiều tuần qua.
Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin cho biết: “Nga đã nêu 20 câu hỏi cho phiên thảo luận. Tôi hy vọng cuộc họp sẽ đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi ngoại giao thời gian qua. Chúng tôi rất quan tâm đến một cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện. Chúng tôi muốn được tham gia vào cuộc điều tra và đưa ra kết luận dựa trên những bằng chứng xác thực bởi vụ việc liên quan đến công dân của Nga”.
Trước đó hôm 2/4, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) Alexander Shulgin khẳng định, Nga chủ trương có một cuộc điều tra minh bạch và cởi mở đối với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, đồng thời nhấn mạnh, nếu các chuyên gia của Nga bị cản trở tham gia vào cuộc điều tra này, Nga sẽ bác bỏ mọi kết quả đưa ra./.
Nga tung chiêu thức chấm dứt cuộc chiến ngoại giao lịch sử với Mỹ- EU