APEC: nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

(VOV) - Dư luận kỳ vọng APEC có thể đưa ra các giải pháp góp phần phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới tại Indonesia.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại tại Surabaya, Indonesia (Ảnh: Tân Hoa xã)

Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ trưởng thương mại 19/21 nền kinh tế thành viên và đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế lớn như: ASEAN, WTO, PECC, Ban thư ký APEC… đã nhóm họp trong hai ngày 20 và 21/4 tại thành phố cảng Surabaya, Indonesia. Một số nội dung quan trọng của hội nghị được dư luận quan tâm.

Phát huy động lực tăng trưởng

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Thương mại APEC tập trung thảo luận vấn đề hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương; các ưu tiên của APEC trong năm 2013; tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hội nhập và nâng cao năng lực quản lý; chiến lược phát triển của APEC (nâng cao vị thế kinh tế, tham gia của các bên liên quan, phát huy các tiềm năng chưa được khai thác); đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và lộ trình phát triển đến năm 2020; tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế; tăng cường kết nối APEC, bao gồm cả kết nối con người với nhau nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực...

Hai nội dung chủ chốt trong Chương trình hành động của Indonesia - nước Chủ tịch APEC năm 2013 được nhấn mạnh: “Khả năng phục hồi của châu Á-Thái Bình Dương và Động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới”.

Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn tác động không nhỏ đến APEC, nhưng xuất khẩu của khu vực vẫn tăng 2,6% đạt 8.700 tỷ USD, trong khi nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và EU bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng tài chính và nợ công.

Năm 2013 được cho là năm các nền kinh tế khu vực trở lại phát triển mạnh hơn trên phạm vi rộng. Với triển vọng cải thiện kinh tế của các nước Thái Lan và các thành viên APEC khác, năm 2013 sẽ mang lại sự sôi động, thịnh vượng và trải rộng trên toàn khu vực chiếm tới 45% tổng thương mại và 55% GDP toàn cầu.

Sự thịnh vượng của APEC còn bao gồm khả năng đảm bảo cho các nền kinh tế khu vực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và khuyến khích môi trường để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo nhiều công ăn việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Hỗ trợ hệ thống thương mại

Hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương là các giải pháp được bàn thảo, hướng tới tăng trưởng bền vững với sự công bằng và thúc đẩy kết nối giữa các thành viên APEC. Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng đã nghe các báo cáo của WTO và khối kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirijawan nhấn mạnh: “Chúng ta tập hợp tại đây vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu cải thiện mặc dù con đường phục hồi vẫn còn gập ghềnh. Thế giới ngày càng coi APEC là nguồn lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Ông Gita cũng thừa nhận các nền kinh tế thuộc APEC ngày càng coi các thỏa thuận thương mại khu vực như là phương thức để giảm bớt các rào cản đối với kinh doanh, thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirijawan cho biết tiếp tục những nỗ lực trong năm 2012, các Bộ trưởng APEC đã khẳng định lại tầm quan trọng của thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế, tạo việc làm và phát triển; các giá trị và vai trò trung tâm của WTO cũng như cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và công bằng, cho phép dòng chảy thông suốt của thương mại giữa các nước trên cơ sở tôn trọng sứ mệnh của Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu và các nguyên tắc của WTO.

Hội nghị cũng đã nhất trí các phương thức mà APEC có thể hỗ trợ nhằm đảm bảo thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, sẽ được tổ chức vào tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia); ghi nhận sự phát triển hướng tới các cấu trúc thương mại mới của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cuộc đàm phán thương mại ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, cũng như nhiều sáng kiến tiểu khu vực và song phương mới.

Những ưu tiên phát triển

Nội dung chính của diễn đàn là đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến trình các nhà lãnh đạo APEC xem xét, trong đó tập trung vào các vấn đề như: vai trò đang nổi lên của dịch vụ trong thương mại và đầu tư, phát triển khu vực dịch vụ cho cơ sở hạ tầng và kết nối APEC, các ưu tiên trong xây dựng năng lực cạnh tranh cho hội nhập khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC cũng thảo luận về triển vọng thông qua hợp tác, các nước trong khu vực sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững hơn trong năm 2013.

APEC xác định tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: (1) tăng cường hơn nữa thương mại mở, tự do và đầu tư; (2) khuyến khích phát triển bền vững và cân bằng; (3) tăng cường liên kết khu vực. Năm 2013, cũng cho thấy vẫn còn nhiều thách thức và được chia đều trên toàn khu vực APEC.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Virjiawan cho biết, là nước chủ nhà APEC 2013, Indonesia sẽ ưu tiên Chương trình hành động của mình cho việc đạt được các mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh năm 1994 tại Bogor (Indonesia), thúc đẩy kết nối, tăng trưởng bền vững và công bằng cho tất cả các nền kinh tế thành viên.

Trước đó, từ ngày 7 đến19/4 tại Surabaya cũng đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao APEC và Diễn đàn Đối thoại dịch vụ, trao đổi các vấn đề liên quan đến tiến trình kết nối và hội nhập kinh tế APEC, tăng cường các biện pháp nhằm hoàn thành mục tiêu ngắn hạn của APEC nâng cao hiệu suất 10% về chí phí, cải cách APEC về mặt cơ cấu và thể chế, dành ưu tiên hàng đầu cho tăng cường kết nối và hội nhập khu vực vào năm 2015.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, vẫn tiềm ần nguy cơ bất ổn, thì APEC được coi là “nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế”. Các nội dung được thảo luận và đề xuất của Hội nghị các Bộ trưởng thương mại khu vực lần này đã phản ánh được những nhu cầu của thực tiễn và vai trò của APEC. Dư luận kỳ vọng vào APEC có thể đưa ra các giải pháp có hiệu quả cho tăng trưởng ổn định và bền vững trong khu vực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lãnh đạo Nhật – Trung bất ngờ gặp nhau bên lề APEC
Lãnh đạo Nhật – Trung bất ngờ gặp nhau bên lề APEC

(VOV) -Hai bên đã đề cập những tranh chấp hiện có trên tinh thần thẳng thắn, không né tránh.

Lãnh đạo Nhật – Trung bất ngờ gặp nhau bên lề APEC

Lãnh đạo Nhật – Trung bất ngờ gặp nhau bên lề APEC

(VOV) -Hai bên đã đề cập những tranh chấp hiện có trên tinh thần thẳng thắn, không né tránh.

Thái Lan xin đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2022
Thái Lan xin đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2022

(VOV) - Thái Lan sẵn sàng là đối tác góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của khu vực.

Thái Lan xin đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2022

Thái Lan xin đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2022

(VOV) - Thái Lan sẵn sàng là đối tác góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của khu vực.