Australia chia rẽ trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc

VOV.VN - Việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc đang là đề tài được tranh luận sôi nổi tại Australia song cũng đang gây ra sự chia rẽ trong dư luận nước này.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng sau khi Australia đề nghị cộng đồng quốc tế điều tra độc lập về nguồn gốc xuất hiện dịch Covid-19. Trung Quốc cho rằng đây là hành động mang động cơ chính trị và đe dọa sẽ trả đũa bằng việc giảm nhập khẩu hàng hóa từ Australia.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, hôm thứ ba vừa qua Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ của Australia vì đã vi phạm các quy định về nhãn mác. Hành động này có thể làm giảm 1/3 lượng thịt bò Australia xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lúa mạch làm một trong những mặt hàng nông sản chủ lực Australia xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh ABC Rural

Trung Quốc cũng đang cân nhắc áp các mức thuế lên tới gần 80% đối với lúa mì nhập khẩu từ Australia nếu đến ngày 19/5 tới nước này không giải thích thỏa đáng vì lý do tại sao Trung Quốc không nên áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này.

Chính phủ Australia đang phải chịu sức ép lớn

Mặc dù chưa ước tính được chính xác thiệt hại sẽ là bao nhiêu song rõ ràng lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ của Australia sẽ làm giảm lượng thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc và điều này đang khiến dư luận Australia, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực chăn nuôi lo lắng.

Bà Annatacia Palaszczuck, Thủ hiến bang Queensland, nơi có 3 trong số 4 lò mổ vừa bị cấm đã viết thư gửi Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham bày tỏ sự lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thể có làm hàng nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của bang này mất việc làm.

Ông Mark McGowan, Thủ hiến bang Tây Australia, nơi xuất khẩu 80% lúa mì của Australia sang Trung Quốc cũng đã liên lạc với Thủ tướng Scott Morrison đề nghị cách làm hạ nhiệt quan hệ với Trung Quốc. Ông Mark McGowan cho rằng, điều quan trọng là không nên làm cho mối quan hệ với đối tác thương mại chủ chốt trở nên “tồi tệ”. 

Công đảng đối lập mặc dù ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid -19 song cho rằng chính quyền Australia có thể xử lý tốt hơn mối quan hệ với Trung Quốc để không gây ra những tác động kinh tế. Nghị sỹ Joe Fitzgibbon, người chuyên theo dõi lĩnh vực nông nghiệp thuộc Công đảng đối lập chỉ trách chính phủ mạnh mẽ hơn khi cho rằng việc “quản lý tồi mối quan hệ với một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia” khiến cho người nông dân là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế.

Chính phủ Australia không đơn độc

Tuy vậy, trong dư luận Australia cũng xuất hiện các ý kiến ủng hộ hành động của Chính phủ. Sau nhiều năm vận động chính phủ giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thì nay giới nghiên cứu cho rằng, Australia không nên thực thi “chính sách ngoại giao thầm lặng” khi ứng xử với Trung Quốc.

Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia “không đồng ý với việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách thầm lặng và không công khai”. Ông Peter Jennings khẳng định, “chúng ta đã thực hiện chính sách này trong nhiều năm và nó không mang lại bất kỳ điều gì ngoài sự kiên nhẫn và ủng hộ dành cho Trung Quốc”.

Thịt bò Australia là một mặt hàng được ưa chuộng tại Trung Quốc. Nguồn The Land.

Liên đoàn người lao động Australia cũng thể hiện sự ủng hộ đối với cách thức chính phủ xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thư ký liên đoàn lao động Australia Daniel Walton khẳng định dịch Covid-19 đã cho thấy sự nguy hiểm khi “dựa quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đồng thời ông Daniel Walton cũng cho biết, nhiều nhà sản xuất thép và nhôm của Trung Quốc thường xuyên vi phạm các quy định về chống bán phá giá của Australia. Ông Daniel Walton thông tin, hiện nay Ủy ban chống bán phá giá của Australia đang điều tra 31 vụ việc trong đó 17 vụ việc có liên quan và đến từ Trung Quốc. Chính vì vậy, ông Daneil Walton cho biết, “các thành viên của Liên đoàn lao động Australia mong đợi chính phủ đứng về phía họ và bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Thay đổi để thích ứng

Năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò từ 6 lò mổ của Australia do vấn đề nhãn mắc. Lệnh cấm này kéo dài trong 3 tháng. Đối với lần này, mặc dù các lò mổ tại Australia vẫn gặp phải vấn đề tương tự song chưa rõ lệnh cấm sẽ kéo dài đến khi nào. Trong bối cảnh này, ông Simon Stahl, Giám đốc điều hành lò mổ Casino, một trong 4 lò mổ bị cấm lần này cho biết, lò mổ của ông “xuất khẩu thịt tới 26 quốc gia trên thế giới và mỗi nơi lại có những quy định khác nhau về nhãn mác. Điều này khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn. Tuy vậy, nếu muốn xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này”. Trong lúc chờ vấn đề được giải quyết, ông Simon Stahl cho biết sẽ đi tìm khách hàng mới.

Gia đình ông Dan và bà Karen Penfold nuôi và xuất khẩu thịt bò trong nhiều năm qua. Khi thị trường nhập khẩu có dấu hiệu khó khăn, gia đình Penfold bắt đầu đa dạng hóa và chuyển hướng kinh doanh sang thị trường nội địa. Trong tuần qua, họ đã lái xe khoảng 3000 km để giao 4 tấn thịt bò tới các hộ gia đình ở vùng Đông Nam của bang Queensland. Bà Karen Penfold cho biết, thông thường, thịt bò của trang trại gia đình “sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc được bán tại các nhà hàng sang trọng. Nhưng nếu không bán được sang Trung Quốc, thịt bò sẽ được mang tới các gia đình Australia”.

Quyết định dựa trên lợi ích chiến lược lâu dài

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia với tổng kim ngạch hai chiều đạt 235 tỷ AUD vào năm ngoái, chiếm gần 30% giá trị trao đổi thương mại của Australia với thế giới. Vì đều là đối tác quan trọng của nhau nên nếu có sự gián đoạn sẽ khiến hai bên cả bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù dịch Covid-19 đã cho thấy rõ nguy cơ của việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu song để đa dạng hóa bạn hàng và giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài thì đều đòi hỏi thời gian.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp Australia phải hứng chịu liên tiếp 3 thảm họa là hạn hán, cháy rừng và giờ dịch Covid-19, hơn bao giờ hết người nông dân nước này mong mỏi hàng hóa sẽ được đưa ra thị trường một cách thuận lợi để cải thiện nguồn thu. Tuy vậy, khi cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế, chính phủ Australia không có nhiều sự lựa chọn, trong đó quyết định sẽ được đưa ra dựa trên sự cân nhắc tổng thể và lợi ích chiến lược lâu dài của quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên