Bài học đắt giá chống Covid-19 từ Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore

VOV.VN - Chỉ một vài khác biệt trong cách đối phó với dịch Covid-19 đã đặt Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) ở những dấu mốc khác nhau.

Hong Kong (Trung Quốc) hành động quyết liệt từ sớm

Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) đều đạt được những thành quả nhất định khi đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, Singapore dường như đang phải "trả giá" cho chiến lược hạn chế tối đa sự gián đoạn về kinh tế - xã hội trong đất nước.

Một số người dân Singapore ra đường không đeo khẩu trang trên đường Orchard, Singapore ngày 24/3. Ảnh: Bloomberg

Trong khi Hong Kong chứng kiến tổng số ca mắc Covid-19 giảm dần trong vài ngày qua thì số ca ở Singapore lại tăng 180% trong 2 tuần khi các ca dương tính với SARS-CoV-2 xuất hiện ở những nơi như trường mầm non hay ký túc xá dành cho lao động nước ngoài. Singapore ghi nhận số ca mắc kỷ lục ngày 9/4 với 287 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia này lên 1.910, gấp đôi các ca mắc của Hong Kong.

Sau khi áp dụng các biện pháp kiểm soát virus SARS-CoV-2 một cách có chừng mực trong vài tháng, Singapore hiện đã phải thực hiện những động thái mạnh mẽ như Hong Kong tiến hành từ trước đó như đóng cửa trường học và khuyến khích tất cả mọi người đeo khẩu trang. Giờ đây, Singapore thậm chí tiến xa hơn khi quyết định cấm tụ tập đông người và đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh không cần thiết.

Hong Kong đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus mạnh mẽ ngay từ sớm bởi cách đó 17 năm, đặc khu hành chính này thấm thía những bài học đắt giá từ dịch SARS.

"Hong Kong đã lựa chọn hành động ngay từ đầu để bảo vệ tối đa trước dịch bệnh nhưng Singapore dường như hành động thận trọng hơn và tập trung vào nỗ lực tối thiểu hóa sự gián đoạn về kinh tế và xã hội", giáo sư Yanzhong Huang - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey nhận định.

Sự khác biệt khi thực hiện giãn cách xã hội

Làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai ở Singapore đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự khác biệt giữa 2 cách thức đối phó với dịch bệnh, đồng thời cho thấy, thậm chí sự khác biệt nhỏ nhất cũng có thể tạo nên những kết quả hoàn toàn khác biệt", chuyên gia Yanzhong Huang cho biết.

Dù vậy, chính phủ Singapore vẫn bảo vệ cách đối phó với dịch bệnh của mình. Lawrence Wong - Bộ trưởng Phát triển Quốc gia - người đồng lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 nhận định trong một buổi họp báo tuần trước rằng, các chính sách của nước này là "một quyết định khó khăn" và người dân sẽ trở nên mệt mỏi nếu các quy định giãn cách xã hội kéo dài quá lâu.

"Nếu chúng tôi thực hiện tất cả các biện pháp mà chúng ta đang nhắc đến hiện nay từ trước đó rất lâu thì chúng tôi có lẽ vẫn ở trong tình huống tương tự như ngày hôm nay", ông Lawrence Wong khẳng định.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng kết quả mà Hong Kong và Singapore đạt được trong cuộc chiến với Covid-19 vẫn khả quan hơn nhiều nếu nhìn sang Mỹ hoặc châu Âu. Điều đó cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được thực hiện từ sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn với nền kinh tế nếu xét về dài hạn.

Tại châu Âu và Mỹ, các chính trị gia hiện đang cân nhắc đến việc dỡ bỏ phong tỏa để khôi phục lại nền kinh tế mặc dù các chuyên gia y tế cảnh báo vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này.

Cả Hong Kong và Singapore đều có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến và nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, cả hai đã thành công trong việc đối phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh lần đầu tiên từ Trung Quốc đại lục qua một loạt các biện pháp như hạn chế đi lại và xét nghiệm diện rộng, cũng như theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt và cách ly những người mắc bệnh.

Sự khác biệt quan trọng nằm ở các biện pháp giãn cách xã hội mà Hong Kong đã thực hiện từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2, đó là đóng cửa các trường học và các cơ quan công quyền, yêu cầu nhiều công ty tư nhân làm việc từ nhà. Những người dân Hong Kong vốn “ám ảnh” bởi dịch SARS phần lớn đều thường xuyên đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Singapore thì có hướng đối phó khác với dịch bệnh khi vẫn để các trường học và các cơ quan nhà nước mở cửa, trong khi Thủ tướng Lý Hiển Long khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang, một phần bởi điều đó có thể tạo nên tâm lý an tâm giả và khiến mọi người lơ là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả như rửa tay thường xuyên.

Trong những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh, giải pháp đối phó bình tĩnh này của Singapore đã nhận được sự khen ngợi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ dẫn nhằm hạn chế đeo khẩu trang này, vốn thống nhất với thông điệp mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trước đó, đã bị đánh giá lại khi các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm virus. Hiện nay Singapore đã khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang có thể sử dụng lại để phần nào bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

Thậm chí cả khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới vào tháng 3/2020, Singapore dường như không có nhiều xáo trộn. Quốc gia này vẫn ghi nhận các ca mắc Covid-19 nhưng không quá cao trước khi làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai bùng nổ ngày 19/3. Hôm 9/4, Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến giờ với 287 trường hợp trong khi Hong Kong chỉ ghi nhận 13 ca.

Hong Kong với 4 ca tử vong vì Covid-19 chưa ghi nhận thêm ca tử vong mới nào từ giữa tháng 3 nhưng trong những ngày đầu tháng 4, Singapore đã ghi nhận tới 3 ca tử vong.

"Hong Kong đóng cửa trường học sớm hơn Singapore nhiều và người dân ở đây cũng đeo khẩu trang từ rất sớm - đó là 2 sự khác biệt lớn", Jeremy Lim - giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

"Singapore lẽ ra nên thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp giãn cách xã hội. Lẽ ra chúng tôi nên bắt đầu sớm hơn", ông Jeremy Lim cho biết.

Những thách thức khó tránh khỏi của Singapore

Thậm chí sau khi chính phủ thay đổi quan điểm về cách đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều người dân Singapore dường như vẫn ít cẩn trọng hơn, khi tiếp tục tập trung ở những khu vực công cộng đông đúc. Cuối tuần trước, trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, hàng nghìn người đã kéo đến Ikea trong khi các nhà hàng đều chật kín. Từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu ngày 7/3, Singapore đã đưa ra hơn 10.000 cảnh báo với những người vi phạm.

Singapore cũng đang đối mặt với 2 thách thức nữa mà Hong Kong có lẽ có thể tránh được.

Mối lo ngại về dịch bệnh ở Singapore ngày càng gia tăng khi các khu ký túc dành cho công nhân nước ngoài tại quốc gia này giống như những “quả bom hẹn giờ”. Bên cạnh đó, về vị trí địa lý, Singapore cũng gần với một số quốc gia Đông Nam Á, những nơi mà dịch bệnh đang ngày tệ hơn. Chính điều này đã đặt ra những rủi ro lớn hơn với đảo quốc này về các ca bệnh “ngoại nhập” trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên