Bản chất quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện nay
VOV.VN - Giữa Nga và Trung Quốc đang tồn tại mối quan hệ khá thân thiện và gần gũi dù có thể có những cảnh giác nhất định với nhau giữa 2 cường quốc nằm sát nhau này...
Trong các năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thường xuyên được mô tả là đạt được tầm cao chưa từng có tiền lệ. Tổng thống Nga Putin ca ngợi quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược song phương mà hai bên đánh giá là ở “cấp độ cao nhất trong lịch sử”.
Năm 2021 này, Nga và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị - một trong các hòn đá tảng cho mối quan hệ cải thiện của họ sau Chiến tranh Lạnh.
Các vấn đề bên trong quan hệ 2 nước
Tuy nhiên, một số học giả và nhà bình luận vẫn chỉ ra những điểm yếu và vấn đề còn tồn tại trong quan hệ Trung-Nga. Mặc dù cùng tầm nhìn về thế giới đa cực và vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, họ vẫn có quan điểm khác biệt trong hệ thống quốc tế và điều này tác động lên các kỳ vọng và hành vi của mỗi bên. Chẳng hạn, Trung Quốc đang nổi lên với tư cách một siêu cường có nền kinh tế phụ thuộc vào toàn cầu hóa, nên Trung Quốc trông mong yếu tố ổn định nhiều hơn so với Nga.
Ngoài ra còn có sự khác biệt ngày càng lớn về sức mạnh và vị thế giữa 2 nước. Tâm lý của Nga ngày càng e ngại vị thế thấp hơn của mình có thể cản trở sự hợp tác trong tương lai giữa 2 nước. Một số người Nga thực sự e sợ việc quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc vì điều này có thể buộc Nga phải nhượng bộ theo một cách không mong muốn (ví dụ, sự phụ thuộc đó cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc đạt được cổ phần đa số trong các dự án năng lượng). Trong khi đó, phía Trung Quốc có thể e ngại việc bị lôi kéo vào thế đối đầu với phương Tây nếu hợp tác với Nga.
Do đó một số nhà nghiên cứu lại cho rằng Mỹ có thể lại là bên lợi dụng các khác biệt giữa Nga và Trung Quốc.
Một bài bình luận mới đây trên tờ báo Mỹ Washington Post chỉ ra các vấn đề trong quan hệ Nga-Trung, như là thái độ bất mãn vẫn còn của Trung Quốc về các nhượng bộ lãnh thổ cho Nga trong thế kỷ 19, hay tình trạng Trung Quốc thực hiện nghiên cứu kỹ thuật đảo ngược đối với các vũ khí Nga, và đặc biệt là sự hiện diện kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á – khu vực về mặt lịch sử nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga. Đại dịch Covid-19 làm cho vấn đề này căng thẳng hơn khi có nhiều công dân Trung Quốc sang đây nhưng lại không trở về được do đóng cửa biên giới để phòng dịch.
Một học giả ở trường Đại học Chicago, John J. Mearsheimer, khuyến cáo chính quyền Tổng thống Mỹ Biden từ bỏ hội chứng sợ Nga và liên minh với Nga. Học giả này dự báo Nga sẽ tìm kiếm liên minh với Mỹ để kiềm chế láng giềng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Logic trên cho rằng khi động lực sức mạnh thay đổi thì sự trỗi dậy của các tân cường quốc sẽ thúc đẩy các nước còn lại phải áp dụng đối sách phù hợp để tồn tại. Chẳng hạn, ở khu vực lục địa Á-Âu, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đặt Nga vào trạng thái báo động, đặc biệt trong bối cảnh thế đa cực khu vực dường như sẽ biến mất sau khi ông Biden quyết định rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan. Việc cùng đối lập với Mỹ là điều liên kết Nga và Trung Quốc với nhau nhưng khi nhân tố này không còn thì tình thế ở vùng này lại nghiêng về Trung Quốc theo hướng có lợi.
Cộng sinh
Đúng là Moscow đang thận trọng theo dõi hàng xóm của mình và nhận thức được thế bất đối xứng về sức mạnh giữa 2 nước. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, Trung Quốc và Nga đã đạt được một sự thích nghi và hòa giải, theo kiểu cộng sinh. Tại Trung Á, Nga cung cấp an ninh còn Trung Quốc chú ý vào vấn đề phát triển.
Trên thực tế, vẫn có sự cạnh tranh giữa 2 nước trong khu vực, tuy nhiên chưa đến mức đối đầu.
Nga tập trung vào việc phát triển dần dần Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), đồng thời dè chừng khả năng mở rộng vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một tổ chức mà Nga là một thành viên nhưng lại được coi là dự án của Trung Quốc.
Nhưng nhìn tổng thể, trong lĩnh vực an ninh, Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau hơn là cạnh tranh. Họ có cái nhìn chung về Trung Á.
Về căn bản, việc duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là nhằm phục vụ lợi ích của Nga.
Trong vài năm qua, Moscow và Bắc Kinh đã đưa quan hệ của mình lên tầm cao mới. Nga đang bán một số vũ khí tiên tiến (như chiến đấu cơ Sukhoi 35) cho Trung Quốc. Đây vừa xuất phát từ kinh tế vừa là biểu tượng cho sự thân thiết trong quan hệ Nga-Trung.
Bên cạnh đó, hợp tác Nga-Trung Quốc đã bước sang cả các mảng khác, bao gồm các dự án chung về công nghệ cao như là xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Hai nước cũng sẽ hợp tác sản xuất một loại máy bay chở khách mới, chiếc CR929, và phấn đấu xây một trạm không gian trên mặt trăng. Rất khó để bên ngoài đảo ngược các bước phát triển mà Nga và Trung Quốc đã đạt được qua nhiều năm nay này./.