Bàn cờ quốc tế phức tạp khi Nga dùng UAV tấn công các mục tiêu ở Ukraine
VOV.VN - Lúc các UAV tử thần của Nga bổ nhào xuống các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời diễn ra các tương tác ngoại giao quyết liệt giữa các nước trên bàn cờ quốc tế xung quanh xung đột này.
Trong tuần qua, các UAV/drone đã được Nga triển khai hàng ngày để tấn công các mục tiêu ở thủ đô Kiev, Dnipro và Mykolaiv, bao gồm cơ sở hạ tầng điện của Ukraine, gây ra mất điện diện rộng.
Iran
Các con chữ trên các drone này đều là tiếng Nga và Moscow gọi chúng là UAV Geran-2. Tuy nhiên, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ và Ukraine cho rằng các vũ khí này là UAV Shahed-136 do Iran sản xuất. Chúng là các UAV rất linh hoạt, có thể bay xa hàng ngàn dặm trước khi đâm sầm vào mục tiêu.
Nhà Trắng còn cho biết, Mỹ có bằng chứng về một số quân nhân Iran đã có mặt trên thực địa ở Crimea để giúp Nga phóng các UAV này.
Nga và Iran đã bác bỏ các cáo buộc đó của Mỹ và Ukraine. Tehran khẳng định họ ủng hộ một giải pháp hòa bình và kêu gọi Kiev cung cấp bằng chứng về việc Iran triển khai các UAV như vậy trên chiến trường Ukraine.
Trong một cuộc điện đàm hôm 20/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói với quan chức đối ngoại của EU Joseph Borrell rằng Iran có hợp tác quốc phòng với Nga nhưng không gửi vũ khí và UAV cho Nga để chống lại Ukraine.
Thế nhưng, trong lúc đó, tướng Iran Yahia Rahim Safavi hôm 18/10 nói rằng các UAV đã trở nên hiệu quả đến mức "22 nước trên thế giới đang yêu cầu mua UAV của Iran".
Đến ngày 19/10, Lãnh tụ tối cao Iran Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng tự hào nói rằng các UAV Iran đã lập được những chiến tích "mang lại vinh dự cho đất nước chúng ta".
Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo của nhà nước Iran dẫn lời ông Khamenei nói như sau: "Khi hình ảnh về các UAV Iran xuất hiện cách đây vài năm, người ta nhất quyết nói rằng đó là các bức ảnh photoshop. Giờ thì họ nói rằng UAV Iran nguy hiểm, sao các ngài lại đi bán các vũ khí này...".
Thực ra UAV Iran đã được sử dụng trong nhiều năm trong các vụ tấn công sát thương ở Yemen, Iraq, Lebanon, Ethiopia, Saudi Arabia và UAE song khi ấy ít nhận được sự phản ứng từ quốc tế. Nhưng lần này, khi UAV Iran xuất hiện trên bầu trời Ukraine, chúng lập tức gây ra cơn bão ngoại giao, cho thấy tính chất đặc biệt của cuộc xung đột Ukraine - Nga.
Iran vốn có quan hệ thân thiện với Ukraine. Nhưng quan hệ này bắt đầu rạn nứt vào tháng 9 khi quân đội Ukraine bắt đầu bắn rơi một số lượng nhất định các UAV mà Ukraine xác định là Shahed-136 của Iran. Giới chức Ukraine đã hạ cấp quan hệ với Iran.
Loạt tấn công bằng UAV mới nhất ở Ukraine đã hối thúc Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đề xuất cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Iran.
Giới chức Kiev nói rằng các nhà lãnh đạo Tehran sẽ phải "chịu trách nhiệm nặng nề nhất" nếu họ tiếp tục bán vũ khí cho Nga. Kiev cũng mời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cử thanh sát viên tới kiểm tra xác của hơn 220 UAV mà họ tuyên bố đã bắn rơi cho đến lúc này.
Mỹ và Ukraine cho rằng việc bán vũ khí như trên là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, Đặc phái viên Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani khẳng định hoạt động xuất khẩu vũ khí của họ, bao gồm cả UAV, sang bất cứ nước nào đều không vi phạm Nghị quyết 2231.
Ali Vaez - Giám đốc dự án Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đánh giá rằng Iran không muốn bỏ rơi Nga vào lúc này. Theo Vaez, ưu tiên chiến lược của Iran là ngăn ngừa khả năng Nga thất bại trong xung đột Ukraine và ưu tiên này còn cao hơn cả việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Thổ Nhĩ Kỳ
Một lực lượng khác liên quan đến vấn đề bán UAV và xung đột Ukraine là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sở hữu UAV khét tiếng Bayraktar TB2, một loại drone kích cỡ trung bình có khả năng phóng tên lửa. UAV này từng đối mặt với thiết giáp Nga và các binh lính các nước, các lực lượng thân Nga ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Tại chiến trường Ukraine, các UAV này đã được sử dụng để tấn công vào chính các quân nhân Nga.
Nhưng mặt khác, Nga lại là đối tác thương mại kinh tế sống còn của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cung cấp gần như một nửa lượng khí đốt và gần 3/4 lượng lúa mì của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 4,7 triệu du khách Nga tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm.
Về ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ đi nước đôi: Vừa lên án việc Nga tấn công Ukraine, vừa từ chối thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiếp tục đón chào giới nhà giàu Nga và các du khách Nga, vừa hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh Nga phong tỏa đường biển đối với Ukraine.
Nga than phiền về việc bán Bayraktar TB2 nhưng Ankara nói rằng Kiev mua UAV này thông qua các kênh tư nhân chứ không thông qua thỏa thuận giữa 2 chính phủ. Và Nga giờ có vẻ đã mềm dịu hơn về vấn đề này.
Israel
Một trường hợp nữa là Israel - đồng minh hàng đầu của Mỹ nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với Nga ở nhiều mảng.
Xấp xỉ 15% dân số Israel (khoảng 1,3 triệu người) là người nhập cư nói tiếng Nga, trong đó có một bộ phận vừa mới di cư sang Israel do xung đột Ukraine, theo số liệu thống kê của chính phủ Israel.
Israel cũng hợp tác với Nga trên chiến trường Syria để Nga không cản trở cách xử lý của Israel nhằm vào các lực lượng thân Iran trên đất Syria.
Và Israel cũng đã xuất khẩu kỹ thuật và linh kiện UAV cho Nga, trong đó có 2 drone trinh sát được lục quân Nga triển hai sử dụng.
Khi Nga đưa quân sang Ukraine vào tháng 2/2022, Israel đã không tham gia thực hiện các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp lên Nga. Tuy nhiên, Israel có gửi cho Ukraine các viện trợ nhân đạo, bao gồm mũ sắt và áo chống đạn cho các đội cứu hộ.
E ngại phản ứng của Nga, cho tới nay, Israel vẫn kiềm chế, không cung cấp cho Ukraine các viện trợ quân sự. Tuy nhiên, xu hướng này có thể vẫn mong manh khi đứng trước nhiều áp lực.
Phía Ukraine đã nhấn mạnh đến sự "liên đới" của Iran trong xung đột Ukraine. Và một nghị sĩ Israel theo đó đã yêu cầu chính phủ Israel thay đổi quan điểm.
Nhưng Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev lập tức cảnh báo về khả năng cắt đứt quan hệ cấp nhà nước với Israel nếu Israel vũ trang cho Ukraine.
Và thế là, một lần nữa Israel lại từ chối yêu cầu của Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định như vậy trong một cuộc họp với các đại sứ EU và ông cam kết Israel sẽ ủng hộ Ukraine "trong giới hạn của chúng tôi"./.