Báo chí châu Á nói gì về phán quyết PCA vụ kiện Biển Đông?
VOV.VN - Trung Quốc đã mắc phải “sai lầm chiến thuật” khi thách thức thẩm quyền pháp lý của PCA và từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa.
Theo Straits Times, trước đó, ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông trong đó bác bỏ tính pháp lý và quyền lịch sử đối với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh một đảo nhân tạo bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh AP
Ngay sau khi có phán quyết từ PCA, báo chí châu Á đã đồng loạt đăng tải những bài viết bày tỏ quan điểm của mình về phán quyết nói trên cũng như những động thái từ Trung Quốc, Philippines và các nước có liên quan.
1. Báo South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) đăng tải bình luận của nhà báo Mỹ Tom Plate cho rằng, nhìn từ quan điểm của cộng đồng thế giới, đây không phải là tuần lễ vui vẻ gì đối với Bắc Kinh.
Cũng theo ông Plate, từ lâu, Trung Quốc đã khăng khăng cho rằng, vụ Philippines kiện Trung Quốc lên PCA là “hành vi thiếu nghiêm túc và thậm chí cố tình khiêu khích”.
Tuy nhiên, ông Plate cũng không quên “nhắc nhở” rằng, Trung Quốc là một bên tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), chính vì vậy, Trung Quốc có bổn phận phải tôn trọng quá trình xét xử và phán quyết của Tòa.
Ông Plate nhận định, Trung Quốc đã mắc phải sai lầm về chiến thuật. Theo đó, đáng lẽ phải tìm cách “giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Philippines bên ngoài Tòa, Trung Quốc lại một mặt tuyên bố PCA không đủ thẩm quyền pháp lý để xét xử vụ kiện, một mặt rầm rộ cải tạo và mở rộng phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm tạo sự đã rồi”.
Nhà báo Mỹ cho rằng, phản ứng đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc đối với phán quyết của PCA sẽ là tiêu cực và thậm chí có phần hằn học. Tuy nhiên, dần dần, “khi cái đầu nguội đi” giới chức Trung Quốc sẽ phải đau đầu tìm cách thuyết phục các bên có tranh chấp ở Biển Đông ngồi vào bàn đàm phán.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) hậm hực vì phán quyết từ PCA
2. Trong khi đó, tờ Korea Herald của Hàn Quốc lại bày tỏ lo ngại rằng, phán quyết của PCA có thể đẩy nước này vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong mối quan hệ “cực kỳ phức tạp” với Trung Quốc.
Theo tờ báo này, điều này là bởi, sau phán quyết của PCA, nhiều khả năng Mỹ sẽ kêu gọi các đồng minh cùng lên tiếng phản đối hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, kể từ khi chiến lược “tái cân bằng” của mình tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc cần phải có phản ứng cụ thể đối với Trung Quốc.
Tổng thống Obama hồi tháng 10/2015 từng bày tỏ hy vọng rằng Seoul “sẽ cất lên tiếng nói của mình giống như chúng tôi” trong trường hợp Trung Quốc vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Nhà phân tích Lee Ki Beom nhận định: “Sau khi những khu vực xung quanh các đá nửa nổi nữa chìm được coi là nằm trong hải phận quốc tế theo phán quyết của PCA, Mỹ sẽ muốn các đồng minh như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc cùng tham gia tuần tra chung [quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông-ND].
Trong khi Nhật Bản và Australia sẵn lòng tham gia, Hàn Quốc sẽ phải cố tìm ra lý do thích hợp để từ chối yêu cầu của Mỹ hoặc chỉ tham gia trong một thời gian ngắn để thể hiện thiện chí của mình. Theo ông Lee Ki Beom, Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc quyết định mang ý nghĩa chính trị này.
Phán quyết từ PCA: Trung Quốc cần xem lại tham vọng Biển Đông của mình
3. Tờ China Post của Đài Loan cho biết, ngay từ trước khi có phán quyết của PCA, giới chức Trung Quốc đã liên tục vận động hành lang trên toàn cầu để các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa.
Tờ báo này cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn khăng khăng không chấp thuận một bên thứ 3 làm trung gian hòa giải tranh chấp ở Biển Đông với các nước có liên quan và cho rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp, Trung Quốc sẽ vấp phải áp lực rất lớn để có thể đạt được một kết quả khả dĩ như tuyên bố của họ.
“Đây là kết cục tốt nhất mà các bên đều mong đợi. Nếu Trung Quốc chấp thuận đàm phán một cách thiện chí và xây dựng với Philippines thì căng thẳng trong tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực có thể cũng sẽ giảm bớt. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của Trung Quốc”, tờ báo nêu rõ.
Ba kịch bản phán quyết của PCA về vụ kiện Biển Đông
4. Trong khi đó, tờ Jakarta Globe lại lấy vụ Philippines kiện Trung Quốc lên PCA làm “hình mẫu” mà giới chức Indonesia cần học hỏi trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Malaysia ở Biển Đông.
Tờ báo dẫn lời ông Arizka Warganegara, giảng viên Đại học Lampung, chỉ trích việc Chính phủ Indonesia thất bại trong việc vận động hành lang cũng như không đủ năng lực ngoại giao đã khiến nước này mất 2 đảo Sipadan và Ligitan vào tay Malaysia.
Ông Warganegara cũng vạch ra một số cách thức tiếp cận mà Chính phủ Indonesia có thể thực hiện trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc nhằm tránh thất bại như trường hợp với Malaysia. Theo đó, giải pháp ngoại giao được cho là hiệu quả nhất.
Theo ông Warganegara, Indonesia cần tăng cường hoạt động ngoại giao với Philippines và ASEAN để có thể “chiếm ưu thế trên bàn đàm phán” với Chính phủ Trung Quốc và thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.