Báo chí quốc tế nể phục bí quyết chống Covid-19 hiệu quả của Việt Nam
VOV.VN - Truyền thông quốc tế đã có những bài viết phân tích, đánh giá và khen ngợi mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam.
SCMP dẫn thông tin từ hãng thông tấn DPA của Đức ngày 13/4 đăng tải bài viết với tiêu đề: “Virus corona: Điều gì phía sau thành công của Việt Nam trong ngăn chặn dịch bệnh?”.
Ảnh minh họa. |
Bài viết cho biết, mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam nhờ có sự kết hợp của một loạt biện pháp như hành động quyết liệt ngay từ ban đầu, xét nghiệm rộng rãi, kiểm dịch mạnh mẽ và đoàn kết xã hội, cho đến nay đã tránh được kịch bản tồi tệ tương tự như ở Mỹ và châu Âu.
Với việc hạn chế lây nhiễm ở mức hơn 200 ca mắc tính đến ngày 13/4, phản ứng của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng đã nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế thế giới.
Phản ứng nhanh và quyết liệt
Con số thống kê chính thức cho thấy đang có hơn 75.000 người cách ly hoặc tự cách ly. Số mẫu xét nghiệm đã vượt trên 121.000 lượt, trong đó chỉ 262 ca dương tính. Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan đến virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) – những nơi đã được truyền thông quốc tế khen ngợi về cách thức đối phó hiệu quả với dịch bệnh.
Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, phản ứng sớm của Việt Nam đối với dịch bệnh là điều rất quan trọng. “Việt Nam đã ứng phó với Covid-19 từ rất sớm và rất chủ động. Đánh giá rủi ro đầu tiên của nước này được tiến hành vào đầu tháng 1/2020, ngay sau khi các ca mắc tại Trung Quốc bắt đầu được thông báo”, ông Park nói.
Theo quan chức này, Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhờ đó có thể triển khai kế hoạch ứng phó cấp quốc gia “ngay lập tức”. Mặc dù có số ca mắc rất thấp, nhưng Việt Nam đã thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội bắt đầu từ ngày 1/4, một phản ứng nhanh và quyết liệt hơn nhiều so với Anh hoặc Italy – những nước đã phải chứng kiến hàng nghìn người mắc bệnh trước khi ban hành lệnh phòng tỏa.
“Ở một số nơi khác, chính phủ các nước phải áp đặt lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang hoành hành. Còn ở Việt Nam, thực hiện cách ly toàn xã hội để tránh một cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn quốc”, DPA cho biết.
Phần lớn thành công của Việt Nam nằm ở sự đoàn kết xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cho rằng các nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giống như một “Cuộc tổng tấn công mùa Xuân 2020”, liên tưởng đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm1968, kêu gọi người dân phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Nguyễn Vân Trang, một nhà kinh tế học tại Hà Nội cho biết, cha mẹ cô chưa từng chứng kiến mức độ tuân thủ, giữ kỷ luật và sự đoàn kết như vậy kể từ sau chiến tranh.
Các trường học đóng cửa từ tháng Giêng/2020 và lệnh cách ly tập trung diện rộng tiến hành từ ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người trở về từ các vùng dịch sẽ bị cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội. Đến ngày 25/3, Việt Nam đã dừng các chuyến bay quốc tế.
Vẫn chưa có dấu hiệu gỡ bỏ những hạn chế này trong tương lai gần. Phần lớn các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, xe buýt đã bị dừng hoạt động. Bất cứ công dân nào rời Hà Nội – nơi đang có nhiều ca mắc nhất trên cả nước, sẽ bị cách ly khi đến các tỉnh thành khác.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã giải thích với truyền thông về thành công của Việt Nam.
“Việt Nam không phải chịu sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh trong cộng đồng vì thế số lượng người già bị mắc bệnh rất ít. Do ít bệnh nhân mắc Covid-19, nên chúng tôi có đủ phương tiện, thuốc men và y bác sỹ để điều trị cho họ. Ngoài ra chúng tôi có kinh nghiệm xây dựng phác đồ điều trị”, ông Nguyễn Huy Nga cho biết, viện dẫn việc Việt Nam đã có kinh nghiệp đối phó với dịch SARS bùng phát vào năm 2003, do 1 chủng khác của virus corona gây ra.
Theo DPA, Việt Nam trước đây là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc xác nhận ca nhiễm SARS, nhưng cũng là nước đầu tiên được WHO công nhận là đã kiểm soát được dịch bệnh này.
Báo chí quốc tế nói về cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Truy tìm tiếp xúc và cách ly đa tầng
Quá trình tìm kiếm và cách ly các trường hợp nghi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm tại Việt Nam theo nhiều lớp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại Covid-19. “Bước đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện cho những người bị xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc những người xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm virus này”, chuyên gia Park cho biết. Tiếp đến, bất cứ ai tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ phải cách ly bắt buộc. Biện pháp này còn được áp dụng cả với những người đã tiếp xúc với họ. Những người này cũng được yêu cầu tự cách ly. Ở lớp cuối cùng, cả cộng đồng, khu phố hoặc tòa nhà nơi có các ca mắc cũng sẽ bị cách ly.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất nghiêm khắc trong việc xử lý những trường hợp không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. Tại TP. HCM, những người không đeo khẩu trang bị phát hiện lây nhiễm cho người khác có thể đối mặt với án tù 12 năm. Trước đó ngày 10/3, một người đàn ông đã bị kết án tù 9 tháng vì không đeo khẩu trang và cố tình chống đối, hành hung người thi hành công vụ khi bị nhắc nhở, tờ DPA nêu dẫn chứng,
Ông Park, đại diện của WHO cho biết, mặc dù các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng đã cho kết quả tương đối thành công, nhưng vẫn cần phải xem xét liệu Việt Nam hay các quốc gia có phản ứng tương tự có thể hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian dài hay không.
“Chúng tôi không thể dự đoán, nhưng chúng tôi có thể nói rằng diễn biến của đại dịch sẽ được quyết định bởi các hành động mà các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, hiện đang thực hiện”, ông Park nhấn mạnh.
Hình mẫu trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả
Tờ The Strategist của Mỹ thì cho rằng, Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với ngân sách và cách làm này đã chứng minh hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và đưa các bệnh viện cùng cơ quan y tế địa phương vào tình trạng báo động cao, chỉ 3 ngày sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, thậm chí trước khi xảy ra trường hợp tử vong đầu tiên tại ổ dịch này.
Theo The Strategist, nghiên cứu gần đây về phản ứng của Việt Nam góp phần tạo nên thành công ban đầu trong việc hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh cho thấy, chính quyền tập trung chú ý vào truyền thông và giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống theo dõi.
Tờ báo cũng lưu ý rằng, người dân tự nguyện chia sẻ thông tin y tế cá nhân của họ thông qua một ứng dụng do Chính phủ đề xuất với tên gọi NCOVI, còn nhà chức trách tích cực tương tác với nhân dân thông qua mạng xã hội. The Strategist kết luận, bằng cách tập trung đánh giá sớm những nguy cơ, giao lưu và hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính phủ, Việt Nam có thể kiểm soát tốt đại dịch.
Thời báo Ấn Độ (Times of India) đánh giá chính phủ Việt Nam đã tích cực bảo vệ người dân trước dịch bệnh khi kịp thời đề xuất và thực thi các sáng kiến, hiểu rõ bản chất các thách thức. Tờ báo nhấn mạnh rằng thành công có thể đạt được nếu mỗi công dân nâng cao ý thức trách nhiệm và hợp tác với chính phủ.
Bên cạnh đó, hành động của Việt Nam gửi khẩu trang cho các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh cùng với các nước láng giềng như Campuchia, Lào cũng được sự khen ngợi của tờ New York Times (Mỹ).
Còn tờ ASEAN Post cho rằng, các quốc gia khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể học hỏi cách phản ứng của Việt Nam với đại dịch Covid-19./.