Bao giờ virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sẽ bị xóa sổ?
VOV.VN - Theo các nhà nghiên cứu, di truyền, hành vi và môi trường là những yếu tố quan trọng để ước tính được khi nào virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất.
Hơn nửa triệu người trên toàn cầu đã tử vong do Covid-19. Đó là một thảm kịch lớn, tuy nhiên có lẽ đây không phải là quy mô mà một số người ban đầu lo sợ.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Bergamo, Italy. Ảnh: Reuters. |
Tới nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 đang dần hạ nhiệt ở một số quốc gia. Điều này đã khuyến khích nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và trở lại cuộc sống bình thường một cách thận trọng.
Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 rất khó dự đoán. Chẳng hạn, trên tàu du lịch Diamond Princess, nơi virus có khả năng lây lan tương đối mạnh do hệ thống điều hòa không khí liên kết với các khoang tàu. Song, chỉ có khoảng 20% hành khách và phi hành đoàn trên du thuyền mắc Covid-19.
Dữ liệu thống kê từ thành phố như Stockholm, New York và London cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus ở mức khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với các mô hình toán học dự đoán trước đây.
Ngưỡng để đạt miễn dịch Covid-19
Điều này dẫn đến suy đoán về việc liệu dân số có thể đạt được miễn dịch với Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm ở mức 20% hay không. Đây là một tỷ lệ thấp hơn ngưỡng miễn dịch cộng đồng được công nhận rộng rãi là 60%-70%.
Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển hồi cuối tháng 4 tuyên bố rằng, thủ đô Stockholm đã có dấu hiệu miễn dịch cộng đồng khi ước tính rằng khoảng một nửa dân số tại thành phố này đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Điển đã lên tiếng đính chính vào 2 tuần sau đó khi kết quả nghiên cứu kháng thể cho thấy chỉ có 7,3% dân số mắc bệnh. Mặc dù vậy, số ca mắc Covid-19 và tử vong do dịch bệnh ở Stockholm đang giảm thay vì tăng dù Thụy Điển đã không áp dụng phong tỏa.
Theo các nhà nghiên cứu, hy vọng đại dịch Covid-19 có thể kết thúc sớm đã được thúc đẩy bởi suy đoán về “vật chất tối miễn dịch”, một kiểu miễn dịch tồn tại từ trước mà không thể phát hiện bằng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2.
Các kháng thể được tạo ra bởi các tế bào B của cơ thể để đáp ứng với một loại virus cụ thể. Tuy nhiên, vật chất tối liên quan đến một tính năng của hệ thống miễn dịch bẩm sinh được gọi là miễn dịch trung gian qua tế bào T.
Các tế bào T được sản xuất bởi tuyến ức và khi chúng gặp phải các phân tử chống lại virus, được gọi là kháng nguyên, chúng sẽ được “lập trình” để chống lại các loại virus tương tự hoặc tương tự trong tương lai. Các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm SARS-CoV-2 có các tế bào T được “lập trình” để chống lại virus này. Đáng ngạc nhiên, những người không mắc bệnh cũng có các tế bào T trong cơ thể, điều này có thể do họ đã tiếp xúc với chủng virus khác.
Những người trẻ tuổi và những người mắc bệnh nhẹ có khả năng sinh ra tế bào T nhiều hơn so với người cao tuổi. Theo CNA, các tế bào T có thể giảm theo độ tuổi.
Yếu tố di truyền và môi trường
Vào đầu đại dịch, đã có nhiều suy đoán về việc liệu gen di truyền có ảnh hưởng đến độ nhạy với virus SARS-CoV-2 hay không. Các nhà di truyền học cho rằng, sự biến đổi ADN trong gen của enzyme ACE2 và TMPRSS2 có thể ảnh hưởng đến độ nhạy và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân khi nhiễm virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu đến nay cho thấy không có bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ giả thuyết này.
Báo cáo ban đầu từ Trung Quốc cũng cho rằng nhóm máu có thể đóng vai trò trong khả năng nhiễm SARS-CoV-2, với những người nhóm máu A có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Trong khi di truyền có thể là yếu tố quan trọng, môi trường cũng không là ngoại lệ. Theo các nghiên cứu, giọt bắn trong không khí sẽ truyền mạnh hơn ở những khu vực có khí hậu lạnh hơn. Các sự kiện “siêu lây lan” tại một số cơ sở sản xuất thịt, nơi có nhiệt độ trong nhà thấp, cho thấy môi trường lạnh đã tăng khả năng lây nhiễm virus.
Theo CNA, mọi người cũng có thói quen dành nhiều thời gian trong nhà và tiếp xúc gần với nhau trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, thời tiết ấm áp cũng khiến người dân tiếp xúc gần với nhau hơn, mặc dù là ở bên ngoài. Tháng 6 với thời tiết nắng nóng ở nhiều nước Bắc Âu đã khiến người dân đổ dồn tới các công viên, bãi biển và phớt lờ biện pháp giãn cách xã hội nhằm giảm sự lây lan của Covid-19. Điều này có thể sẽ gây ra làn sóng Covid-19 mới trong vài tuần tới.
Khi nào virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất?
Biện pháp phong tỏa được áp dụng rộng rãi, kết hợp với những hành động có trách nhiệm của công dân, chắc chắn sẽ làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 và cứu sống được nhiều người.
Thật vậy, ở Thụy Điển, quốc gia theo đuổi miễn dịch cộng đồng thay vì thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Na Uy và Phần Lan, các nước áp dụng phong tỏa toàn quốc khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, không chắc rằng chỉ riêng việc phong tỏa có thể giải thích thực tế rằng tỷ lệ lây nhiễm đã giảm ở nhiều khu vực sau khi 20% dân số mắc bệnh. Điều mà đã xảy ra ở thành phố Stockholm và trên các tàu du lịch. Điều đó cho thấy rằng hơn 20% người nhiễm virus ở những nơi khác đồng nghĩa với việc giả thuyết tế bào T cũng không phải là lời giải thích duy nhất.
Quả thực, nếu ngưỡng miễn dịch 20% tồn tại, nó chỉ áp dụng cho một số cộng đồng, tùy thuộc vào sự tương tác giữa nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch, hành vi và môi trường, cũng như các bệnh nền có từ trước của bệnh nhân./.