Bạo loạn ở Anh: Bài toán khó về hòa hợp đa sắc tộc và văn hóa

Bạo loạn đã bùng phát trong hai đêm liên tiếp tại Tottenham rồi lan ra nhiều vùng lân cận ở thủ đô London, những địa điểm vốn nổi tiếng từ lâu về tình trạng mất an ninh do có đông người nhập cư.

Nhìn rộng ra toàn khu vực, chỉ tính trong vài tuần qua, vấn đề phân biệt sắc tộc, người nhập cư liên tục bị liên đới, từ vụ thảm sát kép tại Na Uy, đến các cuộc tranh luận nảy lửa về chính sách hạn chế người nhập cư tại Pháp, rồi đến việc Italy ban hành quy định cấm phụ nữ đạo Hồi trùm khăn nơi công cộng … Cái đích hòa hợp đa sắc tộc; đa văn hóa ở Anh nói riêng, châu Âu nói chung ngày càng trở nên xa vời.

Dư luận tại Anh đang hướng sự chỉ trích vào lực lượng cảnh sát do chậm trễ trong dẹp loạn để xảy ra việc cướp bóc tài sản, tấn công, đốt phá nhà cửa, xe cộ của người dân tại nhiều nơi ở thủ đô London. Những chỉ trích càng trở nên nặng nề sau khi Thị trưởng London Boris Johnson tuyên bố không rút ngắn kỳ nghỉ hè để trở về đối phó với bạo loạn. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn là tình trạng lộn xộn nổi tiếng ở Tottenham, nơi chiếm tới 90 nạn buôn bán ma túy ở Anh; tỷ lệ tội phạm và thất nghiệp cao hàng đầu quốc gia châu Âu này.

Tottenham từng là nơi xảy ra một trong những vụ bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1985, khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh để phản đối sự dính líu của cảnh sát trong cái chết của một phụ nữ da đen. Căn nguyên vụ việc lần này ban đầu cũng có vẻ tương tự, khi người biểu tình lấy lý do bênh vực cho cái chết của một thanh niên 29 tuổi Mark Duggan hôm 4/8. Nhưng diễn biến tình hình trong 2 ngày qua ngày càng bộc lộ đây là những hành động gây rối và ăn theo bạo động: phá hoại, cướp phá các cửa hàng, đốt nhà, đốt xe, tấn công lực lượng an ninh… Ngay chính gia đình của người thanh niên xấu số Mark Duggan cũng lên tiếng chỉ trích các vụ bạo loạn không phải vì người thân của họ mà chỉ phá hoại, gây thương vong về người, thiệt hại lớn về tài sản.

Cảnh sát trưởng thành phố London Adrian Hanstock nói: “Đây không phải là phản ứng của một cộng đồng dân cư bảo vệ cho một điều gì cả mà là những hành động mang tính phá hoại của các cá nhân nhằm vào cộng đồng. Chúng tôi đã tích cực có phản ứng trước các vụ bạo loạn, phối hợp với các lực lượng an ninh xung quanh khu vực để ổn định tình hình. Nhưng bạo lực gia tăng nhanh chóng hơn chúng tôi dự đoán.”

Những số liệu thống kê thời gian gần đây khiến người ta phần nào hy vọng rằng mối quan hệ đa sắc tộc tại Tottenham nói riêng, ở Anh nói chung đang được cải thiện so với thời điểm xảy ra bạo loạn cách đây 25 năm. Đơn cử, con số cảnh sát là người nhập cư hay dân tộc thiểu số trong lực lượng an ninh London nay là 3.000 người, so với 180 người vào năm 1985. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm một nửa. Tuy nhiên, các vụ bạo loạn chưa chấm dứt hiện nay đã dập tắt niềm hy vọng đó.

Nhìn toàn cảnh châu Âu, bức tranh xã hội xem ra khá ảm đạm, người dân châu Âu ngày càng cảm thấy bức bối trước làn sóng nhập cư đổ về ngày càng nhiều. Tại Pháp, một năm sau khi triển khai diễn văn của Tổng thống Pháp  Nicolas Sarkozy đọc tại Grenoble về việc thắt chặt tiếp nhận người nhập cư, tình hình không có gì sáng sủa hơn. Dọc hai bên vỉa hè phía dưới đường quốc lộ, người nhập cư dựng lều trại sinh sống tạm bợ. Những người bị trục xuất sau vài tháng đã quay trở lại Pháp và số quay lại còn nhiều hơn trước do các nước châu Âu khác (như Hungary, Romania…) cũng không muốn gánh trách nhiệm và lại đuổi những người này đi. Rồi trong vụ thảm sát kép tại một quốc gia được tiếng là thanh bình xưa nay như Na Uy, đa phần quan điểm của người dân châu Âu là thương tiếc các nạn nhân, song cũng có một số thái độ đồng tình với tư tưởng bài ngoại của kẻ khủng bố, trong đó có cả quan điểm công khai của một nghị sỹ châu Âu người Italy. Hay việc Đan Mạch đóng cửa biên giới bất chấp Hiệp ước Schengen; rồi một Ủy ban Quốc hội của Italy phê chuẩn luật cấm phụ nữ trùm khăn che mặt ở nơi công cộng, tương tự như quy định Pháp và Bỉ đã ban hành…

Tất cả cho thấy xung đột văn hóa, sắc tộc đang gia tăng trong lòng xã hội châu Âu và càng trở nên trầm trọng hơn trong thời buổi khó khăn kinh tế. Giải quyết cân bằng và hợp lý vấn đề người nhập cư; ngăn chặn một làn sóng mới của những phong trào dân tộc cực đoan và phát xít mới nhưng cũng phải đảm bảo an ninh, trật tự ở những nơi có đông dân nhập cư... Châu Âu khó có thể sớm tìm ra thuốc chữa cho căn bệnh đau đầu kinh niên về hòa hợp đa sắc tộc, đa văn hóa và tôn giáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên