Bạo loạn ở Tân Cương không chỉ đơn thuần là khủng bố?

VOV.VN - Một giảng viên Đại học Oxford cho rằng nguyên nhân bạo lực ở đây chủ yếu là do bất bình đẳng kinh tế-xã hội.

Khu tự trị Tân Cương, đơn vị hành chính lớn nhất của Trung Quốc, là nơi có tới trên 8 triệu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống. Đây là cộng đồng thiểu số nói tiếng Turk gồm đa phần người Hồi giáo.

Người Duy Ngô Nhĩ đã sống khá căng thẳng bên cạnh dân tộc Hán chiếm đa số của Trung Quốc, trong nhiều thế kỷ kể từ khi nhà Thanh giành quyền kiểm soát đối với vùng Tân Cương nằm phía trên Tây Tạng và chung biên giới với nhiều quốc gia Trung Á vào những năm 1700.

Người Duy Ngô Nhĩ xuống đường ở thủ phủ Urumqi của vùng Tân Cương (ảnh: EPA)


Sau nhiều thập kỷ người Hán di cư ồ ạt về vùng Tân Cương, số người Duy Ngô Nhĩ bản địa giờ chỉ nhỉnh hơn người Hán chút xíu.

Cách đây 4-5 năm, một làn sóng bạo lực sắc tộc làm rung chuyển Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương. Các cuộc đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương, theo các con số ước tính.

Các cuộc bạo loạn vào năm 2009 được coi là một đỉnh điểm của căng thẳng sắc tộc.

>> Xem thêm: Trung Quốc bắt giữ thêm 29 người Tân Cương

Theo truyền thông nhà nước, các cuộc tấn công diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng dao hoặc bằng bom. Mục tiêu tấn công nhiều khi là lực lượng chấp pháp Trung Quốc.

Ngay khi có các đợt bùng phát bạo lực, giới lãnh đạo Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình đã quy trách nhiệm về các vụ việc này cho các “lực lượng ly khai dân tộc trong và ngoài nước”. Đây là cách phản ứng chính thức đã trở thành quen thuộc của giới chức nước này về tình trạng bất ổn ở Tân Cương.

Đã từ lâu chính phủ Trung Quốc gắn bạo lực ở Tân Cương với các nhóm vũ trang đấu tranh đòi hình thành nhà nước độc lập riêng, như là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan bị cáo buộc có liên hệ với al-Qaeda và phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công khủng bố trong quá khứ ở Trung Quốc.

Một tờ báo nhà nước thậm chí còn đi xa tới mức tuyên bố các cuộc bạo lực hồi năm 2013 là do các chiến binh Duy Ngô Nhĩ được huấn luyện ở Syria thông qua việc chiến đấu bên cạnh các phiến binh ở đó.

>> Xem thêm: Giải mã nỗi sợ mang tên Trung Quốc

Trong khi đó, Reza Hasmath, giảng viên tại Đại học Oxford cho rằng nguồn gốc chính của bạo động Tân Cương nằm ở yếu tố kinh tế xã hội.

Theo giảng viên này, Tân Cương là một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc và có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, đặc biệt là trong những người Duy Ngô Nhĩ. Những người nào kiếm được việc thì thường là trong các ngành nghề thu nhập thấp. Sự di cư đại quy mô của các nhân công Hán có trình độ học vấn và tay nghề cao đã tạo thêm bất bình đẳng kinh tế và khơi dậy tình cảm bất mãn trong người Duy Ngô Nhĩ.

Vẫn theo Hasmath, người Hán và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sống tương đối biệt lập, ít khi giao lưu với nhau.

>> Xem thêm: Làn sóng nhân công Trung Quốc tràn sang vùng Viễn Đông nước Nga

Hồi tháng 5/2010, chính quyền Trung Quốc công bố một gói kích thích kinh tế Tân Cương nhằm nâng cao thu nhập bình quân đầu người trong vùng trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên gói kích thích này được cho là chỉ làm gia tăng thêm khoảng cách kinh tế giữa hai nhóm dân tộc này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên