Bất bình đẳng vaccine làm xuất hiện các biến thể mới như Omicron
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể khiến đột biến xảy ra nhiều hơn, dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới như Omicron.
Các nước giàu đã nhanh chóng tích trữ vaccine ngừa Covd-19 đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số vài lần, trong khi không thực hiện được cam kết chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi cách tiếp cận này là “vô đạo đức”.
Đó có thể chỉ là sự khởi đầu cho điều tồi tệ hơn. Một biến chủng mới đầy nguy hiểm, có tên là Omicron, đang nổi lên từ khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thấp nhất.
Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Botswana, khiến khính phủ các nước lo ngại đặc biệt sau khi Nam Phi thông báo số ca mắc Covid-19 tăng cao trong tuần qua.
Cả Botswana và Nam Phi, cũng như nhiều nước khác trong khu vực, có tỷ lệ tiêm chủng thấp và gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine. Nguyên nhân là do các nước giàu đã nhanh chóng tích trữ vaccine từ đầu đại dịch.
Bất bình đẳng vaccine khiến các biến thể mới xuất hiện nhiều hơn
Virus SARS-CoV-2, kể từ khi bắt đầu đại dịch, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và có nguy cơ gây tử vong cao hơn so với biến thể gốc ban đầu. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể khiến các đột biến xảy ra nhiều hơn.
Một trong những đặc tính quan trọng của virus corona là protein gai - cho phép virus xâm nhập vào tế bào vật chủ và gây bệnh. Protein gai cũng là thành phần mà các loại vaccine ngừa Covid-19 nhắm tới để ngăn chặn virus.
Tuy nhiên, ở những người chưa tiêm chủng, virus xâm nhập, tấn công tế bào vật chủ và biến tế bào thành một “nhà máy”. Sau đó virus sẽ tự nhân bản. Nếu quá trình “sao chép” bị lỗi, các nhà khoa học gọi đó là một đột biến.
Một đột biến có thể giúp virus đi vào tế bào cơ thể dễ dàng hơn. Khi các đột biến tăng lên theo thời gian, nó sẽ làm sinh ra biến thể mới của một dòng virus.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Phi và trách nhiệm của các nước giàu
Cho tới nay, mới chỉ có hơn 25% số nhân viên y tế châu Phi được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. Đây cũng là tỷ lệ tiêm mũi vaccine thứ nhất của toàn bộ dân số Nam Phi.
Trong khi các nước phát triển đã đạt được thỏa thuận từ sớm với các nhà sản xuất vaccine để đảm bảo hàng tỷ liều, thậm chí từ trước khi vaccine được phê duyệt, các nước nghèo chỉ có thể dựa vào nguồn cung hạn chế từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ chế COVAX.
Bản phân tích do công ty phân tích khoa học Airfinity tại châu Phi thực hiện mới đây cho thấy tình trạng bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp, đặc biệt ở châu Phi.
Theo bản phân tích, số liều vaccine phân phối cho các nước G-20 theo đầu người cao gấp 15 lần so với số liều phân phối cho các nước cận Sahara châu Phi, gấp 15 lần số liều phân phối cho các nước có thu nhập thấp và gấp 3 lần số liều phân phối cho tất cả các nước khác cộng lại.
“Các nước giàu có nguồn cung cấp dồi dào hơn so với nhu cầu thực tế và họ cũng đã hào phóng cam kết tài trợ vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua COVAX. Tuy nhiên, những liều vaccine hứa hẹn này được chuyển đi quá chậm. Trong số 1,4 tỷ liều bổ sung mà các nước giàu cam kết tài trợ, mới chỉ có 356 triệu liều được cung cấp cho COVAX”, đại diện UNICEF tại châu Phi cho biết.
Theo dữ liệu từ website “Our World In Data”, chỉ khoảng 11% dân số châu Phi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và chỉ 7,2% được tiêm đủ 2 mũi.
Thế giới giúp châu Phi bằng cách nào?
Tăng số lượng vaccine cung cấp cho các nước đang phát triển, hỗ trợ kinh tế và dỡ bỏ rào cản sáng chế đối với các sản phẩm liên quan đến Covid-19 là những giải pháp mà thế giới có thể thực hiện để giải quyết tình hình hiện nay.
Nam Phi và Ấn Độ đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan đến Covid-19 để đảm bảo không chỉ các nước giàu mà cả các nước nghèo cũng có thể tiếp cận và mua vaccine, thuốc điều trị và các công nghệ mới cần thiết để kiểm soát đại dịch.
Ngành công nghiệp dược phẩm và nhiều nước có thu nhập cao khác phản đối mạnh mẽ vì cho rằng điều đó có thể “bóp nghẹt” sự đổi mới.
Theo các thông tin, Ấn Độ sẽ tiếp tục nêu yêu cầu về miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các loại thuốc Covid-19 tại cuộc họp của WTO trong tuần tới.
Trong khi đó, WHO cũng kêu gọi các nước dừng tiêm mũi tăng cường trong bối cảnh trên thế giới vẫn còn nhiều người đang chờ được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
“Thật khó hiểu khi các nước tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành khỏe mạnh và tiêm chủng cho trẻ em, trong khi các nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm có nguy cơ cao ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đang chờ mũi vaccine tiêm đầu tiên”, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy trong đại dịch Covid-19./.