Bất lợi của Trump và cục diện khó đoán trong cuộc đua bầu cử Mỹ 2020

VOV.VN -Vụ việc George Floyd khiến nhiều cử tri da trắng quay lưng với ông Trump. Dù vậy, vẫn quá sớm để dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.

Một nghiên cứu mới đây dựa trên khảo sát hàng trăm người biểu tình ở các thành phố của Mỹ cho thấy gần như tất cả những người được hỏi đều phản đối Tổng thống Trump trong khi ủng hộ mạnh mẽ cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Với 5 tháng trước cuộc bầu cử, vẫn còn quá sớm để loại trừ khả năng ông Trump không thể giành chiến thắng. Ảnh: Getty

Các nghiên cứu mới cũng cho thấy phong trào biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát đối với người Mỹ da đen đang trở thành một phong trào phản đối Trump. Trong khi đó, phần lớn những người tham gia vào các cuộc biểu tình hiện nay lại chính là những người người da trắng.

“Tôi chưa từng có một câu hỏi khảo sát nào mà tất cả những người phản hồi đều trả lời theo cùng 1 cách”, Dana Fisher, nhà xã hội học của Đại học Maryland nói với Insider. Fisher tiến hành nghiên cứu cùng với nhà khoa học chính trị Michael Heaney thuộc Đại học Michigan.

Những người tham gia khảo sát (255 người) được hỏi họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ông Trump hay không ai cả. Điều bất ngờ là tất cả đều trả lời họ sẽ bỏ phiếu cho Biden - ứng viên của đảng Dân chủ.

Những người tham gia khảo sát đều là những người trên đường phố, có thể không phải là cử tri đã đăng ký, nhưng kết quả vẫn gây bất ngờ khi không ai đề cập tới ứng cử viên thuộc đảng thứ 3 hoặc nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ai trong số 2 người.

“Trong số những người phản hồi câu hỏi này, 100% nói rằng họ sẽ ủng hộ Joe Biden trong cuộc bầu cử. Không ai trả lời họ sẽ ủng hộ Trump hay lựa chọn không bỏ phiếu” các nhà nghiên cứu cho biết.

Phần lớn cử tri da trắng cho rằng phân biệt chủng tộc là vấn đề lớn

Nghiên cứu của Fisher và Heaney cho thấy động lực để người dân Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình hiện nay là vì vấn đề liên quan đến bạo lực cảnh sát, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nhiều người được cũng nói rằng, ông Trump cũng chính là một lý do.

Ở Washington cuối tuần qua, có tới 45% số người được hỏi đã viện dẫn ông Trump là yếu tố khiến họ xuống đường biểu tình.

Tổng thống Trump vốn có giọng điệu tiêu cực về những người biểu tình thậm chí từ trước khi ông đắc cử năm 2016. Dù các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát gần đây phần lớn là hòa bình, nhưng ông Trump vẫn tập trung chủ yếu vào các trường hợp bạo bực, bạo động và trộm cướp.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy đông đảo người Mỹ da trắng cho rằng phân biệt chủng tộc đang trở thành “vấn đề lớn” ở nước Mỹ.

Trong khi đó, phần lớn những người tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp cả nước là người da trắng. Ở thủ đô Washington DC cuối tuần trước, 65% số người phản hồi khảo sát là người da trắng. Tương tự, tỷ lệ này ở thành phố New York là 61% trong khi ở Los Angeles là 53%.

Khối cử tri da trắng đang “quay lưng” với ông Trump?

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy, Joe Biden đang dẫn trước ông Trump với khoảng cách lên tới 14%, dù ông Trump thậm chí lên tiếng rằng cuộc thăm dò của CNN cũng giả như tin tức của hãng này.

Theo Nate Cohn, một nhà báo của New York Times, sự sụt giảm trong tỷ lệ ủng hộ ông Trump chủ yếu là do sự sụt giảm ở khối cử tri da trắng, đặc biệt là những người từng nói là trung thành với ông. Cohn tính trung bình các kết quả thăm dò gần đây và nhận thấy Biden đang dẫn trước ông Trump với con số cách biệt lên tới 10 điểm %, cao hơn so với con số 6 điểm % hồi đầu năm nay.

Phân tích sâu hơn các kết quả thăm dò dư luận, Nate Cohn nhận thấy, hiện ông Trump chỉ dẫn trước cựu Phó tổng thống Biden 21 điểm % xét về tỷ lệ ủng hộ ở khối cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động – khối cử tri quan trọng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, kết quả thăm dò tương tự năm 2016 cho thấy ông Trump dẫn trước đối thủ khi đó là bà Hillarry Clinton với khoảng cách 31 điểm %.

Trong khi đó, theo khảo sát của Post/Schar School, có một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong cách cử tri da trắng nhìn nhận vấn đề liên quan tới các cuộc biểu tình hiện nay.

Chỉ khoảng 35% số người được hỏi ủng hộ cách ông Trump xử lý các cuộc biểu tình. Trong khi đó 74% ủng hộ các cuộc biểu tình và 69% cho rằng cái chết của George Floyd cho thấy những vấn đề rộng hơn về cách cảnh sát đối xử với những người da màu.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng, trong số các cử tri da trắng: chỉ 39% ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump, trong khi 57% không đồng tình; 69% ủng hộ các cuộc biểu tình và 68% nói rằng cái chết của Floyd cho thất sự ngược đãi mang tính hệ thống của cảnh sát đối với những người da đen.

Không có sự khác biệt đáng kể giữa khối cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động và tầng lớp trí thức. Ở khối cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, đa số cơ bản không đồng tình với cách xử lý biểu tình của ông Trump. Trong khi đó, ở khối cử tri da trắng nói chung, có tới đa số áp đảo ủng hộ các cuộc biểu tình và nói rằng cái chết của Floyd cho thấy vấn đề rộng hơn trong cách đối xử của cảnh sát với người Mỹ da đen.

Cuộc đua khó dự đoán?

Một tuần qua có lẽ là tuần tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump (tính tới nay). Như một Thủ tướng Anh từng nói những năm 1960, “trong chính trị, 1 tuần là khoảng thời gian dài”.

Dù vậy, với 5 tháng trước cuộc bầu cử, vẫn còn quá sớm để loại trừ khả năng ông Trump không thể giành chiến thắng.

Điển hình như năm 2016, các cuộc thăm dò cho rằng bà Hillarry Clinton sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, đánh bại ông Trump với khoảng 3 triệu phiếu. Kết quả cuộc bầu cử năm đó lại khá bất ngờ với nhiều người, đặc biệt là chính bà Clinton, khi bà hơn ông Trump gần 2 triệu phiếu phổ thông nhưng lại thua về số phiếu đại cử tri.

Lật ngược lại lịch sử là cuộc bầu cử năm 1968. Tổng thống đương nhiệm khi đó là Johnson Lyndon (đảng Dân chủ). Do vấp phải làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, ông Lyndon tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ 2. Cuộc bầu cử tổng thống năm đó là cuộc đua giữa cấp phó của Johnson, Hubert Humphrey và Richard Nixon.

Mặc dù đảng Dân chủ của tổng thống đương nhiệm phải đối mặt với làn sóng phản đối Chiến tranh Việt Nam và tình hình bất ổn dân sự trong nước, nhưng ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon chỉ thắng cách biệt 0,7% so với đối thủ Hubert Humphrey.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump có những nguồn lực tài chính vững mạnh. Bản thân ông Trump cũng là một người vận động tranh cử đầy tự tin, điều đã được thể hiện trong chiến dịch năm 2016. Những chiến lược bất ngờ và kịch tính của một “kẻ ngoại đạo” (không phải một chính trị gia truyền thống) như ông Trump sẽ khiến cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới thêm gay cấn và khó dự đoán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên