Bầu cử Australia: Cuộc đua gay cấn và khó đoán
VOV.VN -Trong cuộc bầu cử, hơn 16 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu song có khoảng 4 triệu cử tri bỏ phiếu sớm, khiến các ứng cử viên thay đổi chiến lược tranh cử.
Ngày 18/5, người dân Australia sẽ đi bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ viện và hơn một nửa Thượng viện liên bang. Đây là cuộc đua sít sao giữa liên minh cầm quyền gồm đảng Tự do và đảng Dân tộc với Công đảng đối lập. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận từ nhiều tháng trước đều cho thấy Công đảng đang giành ưu thế song có nhiều yếu tố khiến cho kết quả trở nên khó dự đoán.
Ông Jason Yat Sen Li, ứng cử viên Thượng nghị sỹ của Công đảng hàng ngày đều đến các địa điểm bỏ phiếu sớm để gặp gỡ cử tri. |
Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 46 của Australia vào ngày mai (18/5) diễn ra trong bối cảnh liên minh giữa đảng Tự do và đảng Dân tộc cầm quyền liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ, tức là 6 năm. Thành tích lớn nhất của liên minh cầm quyền đó là giữ vững đà tăng trưởng khiến cho Australia đạt được kỷ lục tăng trưởng trong 27 năm liền. Tuy vậy, những số liệu gần đây cho thấy về tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,2%, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái cũng như nền kinh tế không đạt được thặng dư như mong muốn đang làm lu mờ những thành tựu của liên minh cầm quyền đồng thời khiến các cử tri hoài nghi về hiệu quả các chính sách kinh tế của họ.
Bên cạnh đó, liên minh cầm quyền cũng bộc lộ yếu điểm đó là mâu thuẫn nội bộ khiến cho Australia có tới 3 Thủ tướng trong vòng 6 năm. Vì điều này mà cử tri như anh Jonathan Blair suy giảm lòng tin đối với liên minh cầm quyền và cho rằng điều quan trọng nhất mà anh tìm kiếm trong cuộc bầu cử lần này chính là lòng tin. “Tôi cho rằng đó là sự tin tưởng vào chính phủ. Đặc biệt sau những gì diễn ra với đảng Tự do dẫn đến việc thay đổi lãnh đạo đất nước thì tôi cho rằng đảng này đang có nhiều vấn đề”, anh Jonathan Blair chia sẻ.
Trong bối cảnh uy tín của liên minh cầm quyền sụt giảm, Công đảng đối lập có nhiều cơ hội để thuyết phục cử tri nhằm tạo ra sự thay đổi không chỉ trên chính trường mà còn cả trong xã hội Australia bằng hàng loạt các cam kết về tăng đầu tư cho giáo dục, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe cho người già cũng như quan tâm hơn tới vấn đề biến đổi khí hậu. Những chủ đề này được Công đảng đưa ra nhằm thu hút sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu, chiếm tới 58% dân số Australia cũng như nhóm cử tri quan tâm đến môi trường.
Sự lo ngại của liên minh cầm quyền trước khả năng có thể mất quyền kiểm soát Hạ viện liên bang và quyền thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử vào ngày mai tăng lên sau các cuộc bầu cử Hạ viện liên bang bổ sung thời gian qua, Công đảng đối lập đã giành thêm ghế, rút ngắn khoảng cách từ 6 ghế xuống còn 1 ghế so với liên minh cầm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận từ giữa năm 2017 cho đến nay cũng đều cho thấy Công đảng đối lập giành ưu thế trước liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa liên minh cầm quyền với Công đảng được thu hẹp dần khi gần đến ngày bầu cử và giữ vững ở mức 49% cho liên minh cầm quyền và 51% cho Công đảng đối lập trong 3 tuần cuối cùng.
Trong tình thế đang phải chịu áp lực cao vì cần phải lội ngược dòng nên đảng Tự do trong đó có Thủ tướng Scott Morrion đã vận động tranh cử đến tối ngày cuối cùng để tận dụng mọi cơ hội gặp gỡ và thuyết phục cử tri ở những bang dao động. Khoảng cách không nhiều, chỉ 2 điểm, cùng với nỗ lực hết mình của đảng Tự do cùng với sự tín nhiệm đối với Thủ tướng Scott Morrison luôn cao hơn so với lãnh đạo Công đảng là nghị sỹ Bill Shorten khiến chưa thể dự đoán sớm kết quả cuộc bỏ phiếu ngày mai.
Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp liên bang Australia là cuộc đua sít sao giữa đảng Tự do với Công đảng đối lập đến mức dù chưa đến ngày bầu cử chính thức song các nhà quan sát nhận định có khả năng không bên nào giành đủ đa số ghế cần thiết để thành lập chính phủ của riêng mình. Trong bối cảnh này, các đảng nhỏ hơn như Đảng Xanh, đảng Đoàn kết và cả các nghị sỹ độc lập đều đang được các đảng lớn cân nhắc mời tham gia chính phủ liên minh.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Australia lần này, hơn 16 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu song có khoảng 4 triệu cử tri bỏ phiếu sớm, thực tế này khiến các ứng cử viên thay đổi chiến lược tranh cử. Thay vì đến từng cộng đồng để gặp gỡ mọi người như thường lệ thì nay nhiều ứng cử viên đã đến các địa điểm bỏ phiếu sớm để thuyết phục cử tri trước thời điểm quyết định. Jason Yat Sen Li, ứng cử viên Thượng nghị sỹ của Công là người như vậy.
Ông Jason cho biết thường xuyên đến các địa điểm bỏ phiếu để tăng cường kết nối với cử tri:“Ngày nào tôi cũng tới các địa điểm bỏ phiếu bởi vì thời điểm này rất quan trọng và Công đảng muốn gửi thông điệp tích cực như tăng đầu tư cho giáo dục, bệnh viện, chăm sóc y tế, và chăm sóc sức khỏe cho người già.
Ngày 17/5, chiến dịch tranh cử của tất cả các đảng phái tại Australia đã kết thúc để các cử tri có một ngày tĩnh tâm trước khi quyết định lá phiếu của mình. Ngày mai, các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 8h sáng cho đến 18h chiều và việc kiểm phiếu sẽ được bắt đầu ngay sau khi địa điểm bỏ phiếu đóng cửa. Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ của Australia không cùng chung một múi giờ và nhiều người đi bỏ phiếu sớm hơn những lần trước nên có thể việc kiểm phiếu không được nhanh như mong đợi./.
Bầu cử Australia: Tỉ lệ ủng hộ Liên minh cầm quyền tiếp tục giảm
Bầu cử Australia: Scott Morrison và Bill Shorten tranh luận nảy lửa
Bầu cử Australia: Công đảng giành ưu thế trước liên minh cầm quyền