Bầu cử Mỹ 2020: Trung Quốc muốn ông Trump hay ông Biden thành Tổng thống?

VOV.VN - Chủ nghĩa đa phương ông Biden theo đuổi và sự khó đoán định của ông Trump đều khiến Trung Quốc lo ngại. Vậy Bắc Kinh muốn ai trở thành Tổng thống?

Ông Trump hay ông Biden?

Tống thống Mỹ Donald Trump gần đây đã khẳng định rằng, nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, Trung Quốc sẽ "sở hữu" nước Mỹ và người Mỹ sẽ phải học tiếng Trung Quốc.

Thông điệp đảng Dân chủ mềm mỏng với Trung Quốc dường như tiếp tục là một chủ đề mà Tổng thống Trump muốn nhấn mạnh trong chiến lược tái tranh cử của mình nhằm làm nổi bật sự đối lập giữa ông và ông Biden.

Trước khi Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra trong tuần này, chiến dịch của Tổng thống Trump đã thông báo về chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Tài liệu ngắn gọn này bao gồm 10 ưu tiên cốt lõi. Ưu tiên "chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc" nằm ở những vị trí hàng đầu, chỉ sau ưu tiên "công việc" và "xóa sổ Covid-19".

Đội ngũ chiến dịch của Tổng thống Trump khẳng định, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa 1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ, đồng thời khiến Bắc Kinh chịu "toàn bộ trách nhiệm cho việc để virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn thế giới".

Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ. Ông Trump đã tiến hành cuộc chiến thuế quan, trừng phạt các quan chức Trung Quốc và cấm các công ty công nghệ của nước này, trong đó có tập đoàn viễn thông Huawei.

Mặc dù mối lo ngại về Trung Quốc trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm hơn trong những năm gần đây nhưng nhiều nhà quan sát ở Washington vẫn cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ông Biden trở thành Tổng thống hơn. Hồi tháng trước, William Evania, quan chức tình báo hàng đầu Mỹ đã khẳng định trong một thông báo rằng, Bắc Kinh muốn Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử này.

Trong một bài phát biểu vào đêm khai mạc Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa hôm 24/8 (giờ Mỹ), cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley đánh giá ông Biden sẽ là "điều tuyệt vời cho Trung Quốc".

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, thực tế phức tạp hơn nhiều và giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chia rẽ về việc liệu ứng viên nào sẽ phù hợp với các mục tiêu chiến lược dài hạn của nước này.

Chiến lược “đa phương” của ông Biden

Từ quan điểm của Bắc Kinh, Tổng thống Trump dường như đã làm suy yếu các liên minh truyền thống và danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế. Theo đó, mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ tiến hành các cuộc tấn công Trung Quốc dưới hình thức thuế quan, trừng phạt và ngăn cấm nhưng ông chủ yếu thực hiện đơn phương mà không có sự ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt.

"Họ biết ông Biden sẽ là một người theo chủ nghĩa đa phương, dù là trên lĩnh vực thương mại, an ninh hay thậm chí nhân quyền. Ông ấy sẽ có một hướng tiếp cận đa phương với Trung Quốc và đó là điều những người này lo ngại về nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden", Stephen Orlins, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung đánh giá.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Trung Quốc có cơ hội hành động ngày càng quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Sau khi Tổng thống Trump thông báo Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ cung cấp 2 tỷ USD trong 2 năm để hỗ trợ thế giới đối phó với đại dịch. Trung Quốc cũng đã thông qua luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, khẳng định lập trường cứng rắn về Đài Loan và tiếp tục thúc đẩy các yêu sách phi pháp trên Biển Đông.

Theo Minxin Pei, giáo sư tại Cao đẳng Claremont McKenna, nếu trở thành Tổng thống, ông Biden sẽ đưa Mỹ quay lại ủng hộ các tổ chức đa phương như WHO, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và liên minh quân sự NATO, tất cả đều nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Mặc dù ông Biden chỉ đề cập đến Trung Quốc 1 lần trong bài phát biểu chấp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào tuần trước nhưng cựu Phó Tổng thống Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Trump "mềm yếu với Trung Quốc".

Trong tài liệu dài 92 trang của đảng Dân chủ, bao quát các vấn đề về chính sách, trong đó có chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu và kinh tế, Trung Quốc được nhắc đến 22 lần. Tài liệu này phác thảo việc "đảng Dân chủ sẽ hành động cương quyết với Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào làm giảm khả năng sản xuất của Mỹ", đồng thời hợp tác với "các đồng minh để đối phó với Trung Quốc", chỉ trích các động thái của Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và thực hiện các lệnh trừng phạt với những thực thể liên quan đến vấn đề Hong Kong.

Ông Biden đã viết trong một bài báo trên trang Foreign Affairs hồi đầu năm rằng: "Trung Quốc không thể phớt lờ hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu. Điều đó khiến chúng ta có ảnh hưởng đáng kể để định hình các quy tắc với mọi thứ từ môi trường tới lao động, thương mại, công nghệ và sự minh bạch".

Susan Shirk, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Thế kỷ 21 tại UC San Diego và là cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton nhận định, Trung Quốc đã "mất rất nhiều người bạn ở châu Á" khi sử dụng quyền lực kinh tế để cưỡng ép các nước này thực hiện theo đường lối của Bắc Kinh.

"Nếu ông Biden trở thành Tổng thống, việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn ở châu Á sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều", nhà phân tích này đánh giá.

Sự khó đoán định của Tổng thống Trump

Trong khi việc ông Biden trở thành Tổng thống sẽ là một thách thức với Trung Quốc thì Tổng thống Trump cũng trở thành một mối lo ngại với giới lãnh đạo Bắc Kinh bởi sự khó đoán định của ông.

Trong một báo cáo tình báo của Mỹ gần đây do quan chức hàng đầu Evanina tổng hợp, "sự khó đoán định" của Tổng thống Trump được dẫn ra là một lý do cho thấy tại sao Trung Quốc lại thích ông Biden trở thành Tổng thống hơn.

Khi Tổng thống Trump lần đầu tiên nhậm chức, ông đã khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ ăn tối cùng nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida. Tuy nhiên, điều đó không khiến nhà lãnh đạo Mỹ xa rời việc coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Các chuyên gia nhận định, sự khó đoán định trong tính cách của Tổng thống Trump làm gia tăng nguy cơ leo thang đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại những khu vực có lợi ích đan xen như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Đài Loan (Trung Quốc).

"Chúng tôi không có sự trao đổi hiệu quả và cơ chế ngăn chặn khủng hoảng với Trung Quốc như cách thức chúng tôi đã thực hiện với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Vì thế, đây là một tình huống rất nguy hiểm", chuyên gia Shirk nhận định.

Truyền thông Trung Quốc đã gọi ông Biden là người "mềm mỏng hơn" trong quá trình đàm phán cũng như là người có thể tạo nên những "không gian hợp tác" trong những vấn đề quốc tế quan trọng như biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Henry Wang, một cố vấn trong chính quyền Trung Quốc và là người sáng lập Trung tâm Toàn cầu hóa đánh giá, dưới thời ông Biden, sẽ có nhiều cơ hội đối thoại Mỹ - Trung hơn.

Nhà phân tích Pei thì nhận định, sự chia rẽ trong thái độ của Trung Quốc với ông Trump và ông Biden phụ thuộc vào việc liệu các quan chức Bắc Kinh đang xem xét mối quan hệ này trong ngắn hạn hay dài hạn.

Những người có tầm nhìn dài hạn sẽ thích Tổng thống Trump tái đắc cử hơn bởi họ coi ông không đủ năng lực và không thể tập hợp các đồng minh dưới một lập trường thống nhất, do đó, điều này sẽ khiến Trung Quốc có nhiều cơ hội hành động hơn. Theo đó, 4 năm tiếp theo của ông Trump ở Nhà Trắng sẽ dẫn đến sự “chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc trong lòng nước Mỹ, giảm khả năng thực hiện thành công một chiến lược dài hạn nhằm chống lại Trung Quốc".

"Chính quyền ông Biden có thể thực hiện một chiến lược dài hạn bền vững với sự ủng hộ đa phương từ các đồng minh và điều đó thực sự có thể kiềm chế quyền lực của Trung Quốc trong 2 - 3 thập kỷ tới", nhà phân tích Pei nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, những người tập trung vào tầm nhìn ngắn hạn thì lại muốn ông Biden trở thành Tổng thống hơn bởi ứng viên đảng Dân chủ này sẽ sớm chấm dứt tình trạng "rơi tự do" trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

"Chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden nhiều khả năng sẽ chấm dứt cái mà tôi gọi là quá trình phá hủy bởi dù sao thì việc phá hủy mối quan hệ quan trọng nhất thế giới này không phải là lợi ích căn bản của Mỹ", giáo sư Pei nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại hội đảng Cộng hòa có mang lại cú hích ngoạn mục cho Trump trước bầu cử?
Đại hội đảng Cộng hòa có mang lại cú hích ngoạn mục cho Trump trước bầu cử?

VOV.VN - Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa được coi là cơ hội hiếm có để ông Trump “xốc lại” chiến dịch tranh cử nhằm hạ bệ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden.

Đại hội đảng Cộng hòa có mang lại cú hích ngoạn mục cho Trump trước bầu cử?

Đại hội đảng Cộng hòa có mang lại cú hích ngoạn mục cho Trump trước bầu cử?

VOV.VN - Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa được coi là cơ hội hiếm có để ông Trump “xốc lại” chiến dịch tranh cử nhằm hạ bệ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden.

Ông Trump tin chắc tái đắc cử Tổng thống
Ông Trump tin chắc tái đắc cử Tổng thống

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, chỉ có gian lận mới có thể khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Ông Trump tin chắc tái đắc cử Tổng thống

Ông Trump tin chắc tái đắc cử Tổng thống

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, chỉ có gian lận mới có thể khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Bầu cử Mỹ 2020: Lợi thế thực sự của Trump đang bị “phớt lờ” như thế nào?
Bầu cử Mỹ 2020: Lợi thế thực sự của Trump đang bị “phớt lờ” như thế nào?

VOV.VN - Mặc dù bị ông Biden dẫn trước đáng kể nhưng một số điểm mạnh và lợi thế của Tổng thống Trump đang bị “phớt lờ” trong nhiều cuộc khảo sát.

Bầu cử Mỹ 2020: Lợi thế thực sự của Trump đang bị “phớt lờ” như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2020: Lợi thế thực sự của Trump đang bị “phớt lờ” như thế nào?

VOV.VN - Mặc dù bị ông Biden dẫn trước đáng kể nhưng một số điểm mạnh và lợi thế của Tổng thống Trump đang bị “phớt lờ” trong nhiều cuộc khảo sát.