Bầu cử Mỹ: Biden thay đổi “kế sách” tranh cử, quyết “qua mặt” Trump
VOV.VN - Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tung ra một loạt đề xuất mới, nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ giữa cơn khủng hoảng.
Trong một nỗ lực để giành được lợi thế trong cuộc bầu cử vào mùa Thu năm nay, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đang đề xuất sử dụng các quy định và quyền hạn chi tiêu của chính phủ liên bang nhằm thúc đẩy năng lực các công ty sản xuất và công nghệ của Mỹ.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNBC. |
Biden thay đổi chiến lược tranh cử
Ông Biden đã kêu gọi chính phủ chi tiêu 400 tỷ USD để mua dịch vụ và hàng hóa được sản xuất trong nước, cộng thêm 300 tỷ USD đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Ông cũng đề xuất thắt chặt luật lệ “Mua hàng Mỹ”, được ban hành với mục đích mang lại lợi cho cho các công ty Mỹ, song lại rất dễ dàng bị các cơ quan của chính phủ lách luật.
Bản dự thảo do đội ngũ tranh cử của ông Biden đưa ra cũng nêu bật những cam kết của ứng cử viên nhằm tăng cường quyền thương lượng tập thể của các công nhân và bãi bỏ những khoản thuế được cắt giảm đối với doanh nghiệp Mỹ do đảng Cộng hòa ủng hộ, có thể mang công ăn việc làm của người dân Mỹ ra nước ngoài.
AP dẫn lời Cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử Jake Sullivan cho biết: “Đây sẽ là đợt huy động vốn đầu tư công lớn nhất trong việc mua sắm và phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chiến lược này ưu tiên các thị trường nội địa trước khi đàm phán bất cứ thỏa thuận thương mại quốc tế nào”.
Đề xuất nói trên cho thấy ông Joe Biden đang thay đổi chiến lược tranh cử, chuyển hướng từ công kích Tổng thống Trump sang thúc đẩy nền kinh tế. Kinh tế từng được coi là “con át chủ bài” của đảng Cộng hòa, đã mang lại lợi thế rõ ràng cho Tổng thống trump trước khi dịch bệnh Covid-19 làm giảm các hoạt động chi tiêu và đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên cao ở mức gần thời kỳ “Đại Suy thoái”.
Nhân tố bất ngờ có thể “đảo chiều” cuộc đua giữa Trump và Biden
Phiên bản mới của “Nước Mỹ trên hết”?
Sự chuyển hướng sang chính sách lao động và sản xuất của ông Biden không phải là ngẫu nhiên.Ứng cử viên này muốn tận dụng mối quan hệ của ông với các tổ chức công đoàn và thực hiện mục tiêu giành được sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động, từng giúp ông Trump giành được chiến thắng vang dội cách đây 4 năm.
Dự kiến, ông Biden sẽ tiếp tục công bố kế hoạch sử dụng năng lượng để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và gói “chăm sóc kinh tế” tập trung vào việc thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già với giá cả phải chăng hơn và giảm bớt áp lực cho những người trong độ tuổi lao động ở Mỹ.
Các trợ lý chiến dịch cho biết, tất cả chính sách của ông Biden nhằm mục đích phục hồi kinh tế ngay lập tức từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ.
“Chúng ta cần phải xây dựng lại không chỉ nơi chúng ta đang ở mà cả những nơi chúng ta đã từng ở. Chúng ta sẽ thực hiện một bước tiến vượt bậc nhằm đảm bảo sự thịnh vượng, sức mạnh, sự an toàn và phẩm giá của tất cả những người lao động Mỹ”, cựu Phó Tổng thống Biden phát biểu trước nghiệp đoàn công nhân điện lực Mỹ vào hôm 8/7.
Giới phân tích đánh giá chương trình nghị sự của đảng Dân chủ có phần giống với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, tuy nhiên, ông Biden khẳng định cách tiếp cận của ông rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden cho rằng, việc Tổng thống Trump tăng cường áp thuế và thất bại trong đàm phán thương mại với nhiều quốc gia khác đã khiến nước Mỹ ngày càng bị cô lập. Hơn nữa, kinh tế Mỹ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi những chính sách về thuế làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia.
Theo họ, dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Trump, nước Mỹ đã tăng cường chi tiêu mua sắm từ nước ngoài, còn các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ thì tiếp tục mang công ăn việc làm của người dân ra nước ngoài.
Phía Đảng Cộng hòa đã bày tỏ rõ lập trường sẽ tấn công Biden về vấn đề thương mại và kinh tế, cho rằng ứng cử viên này là một nhân vật có chính sách thương mại làm tổn hại đến người lao động Mỹ. Trước đó Tổng thống Trump cũng chỉ trích ông Biden “yếu thế trước Trung Quốc”.
Cả Tổng thống Trump và ông Biden đều cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại không công bằng. Tuy nhiên ông Biden cho rằng ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với một quốc gia có sức mạnh kinh tế tương đương và “không có kế hoạch” chiến thắng.
Ông Biden đã bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ tại Thượng viện năm 1994 – Hiệp định mà Tổng thống từng nhiều lần phản đối. Kể từ những năm 1990, ông Biden đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ các thỏa thuận thương mại trong tương lai.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden khẳng định cách tiếp cận của ứng cử viên này nằm trong khuôn khổ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tuy nhiên các trợ lý của ông thừa nhận, nếu thắng cử, chính quyền ông Biden sẽ sửa đổi một thỏa thuận hiện có với WTO và Hiệp định Mua sắm của chính phủ, vốn tạo ra một thị trường quốc tế mở chung cho các chính phủ tham gia để bảo đảm hàng hóa và dịch vụ./.