Bé gái 3 tuổi chỉ nặng bằng trẻ sơ sinh: Ám ảnh khủng hoảng đói nghèo ở Afghanistan

VOV.VN - Afghanistan hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo trầm trọng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, ngay cả đối với tầng lớp trung lưu ở khu vực thành thị.

Kamila gần 3 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 5kg. Làn da của bé gái nhăn nheo, tay chân gầy gò và chiếc bụng phình to.

Bà ngoại của em cho biết, Kamila bị suy dinh dưỡng 8 tháng nay và phải nằm trong một bệnh viện cùng những đứa trẻ ốm yếu khác ở thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Gia đình của Kamila nằm trong số hàng triệu người Afghanistan đang vật lộn để tồn tại trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào mùa đông khắc nghiệt và nền kinh tế nước này suy sụp. Các tổ chức nhân quyền Afghanistan kêu gọi nhiều viện trợ nước ngoài hơn, nói rằng những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đang phải chịu đựng nhiều khó khăn.

Trong một tuyên bố với CNN, Taliban thừa nhận Afghanistan đang đối mặt với “nhiều vấn đề kinh tế”, nhưng phủ nhận có một cuộc khủng hoảng, cho rằng điều này là “giả mạo”.

“Không có ai chết đói vì không có nạn đói và các hành phố đầy ắp thực phẩm”, Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban, nói, trái ngược với những hình trẻ em chết đói được ghi nhận.

Ngay cả trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực đã xảy ra phổ biến do hạn hán kéo dài, suy giảm kinh tế, xung đột và đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, 3 tháng sau khi lực lượng này tiếp quản đất nước, cuộc khủng hoảng đói nghèo trở nên tồi tệ hơn. Theo Liên Hợp Quốc, khi mùa đông đến, gần 23 triệu người, chiếm hơn 50% dân số Afghanistan, đang phải đối mặt với mức độ đói cùng cực. Ít nhất 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chết vì đói.

Bán tất cả mọi thứ để mua thực phẩm

Thời tiết khắc nghiệt đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực tại Afghanistan. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đa số người Afghanistan dựa vào nông nghiệp để kiếm sống, nhưng nước này đã mất 40% thu hoạch trong năm 2021 do hạn hán. Khi nguồn cung thực phẩm cạn kiệt, giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì đã tăng vọt.

“Chúng tôi chỉ có nước và bánh mì, nhưng đôi lúc chúng tôi không có gì để ăn”, Musafer, một người lao động, nói.

Đầu tháng 12, Musafer đưa con gái Razia 3 tuổi đến bệnh viện ở Chagcharan, thủ phủ tỉnh Ghor. Xương sườn và xương sống của Razia nhô ra do quá gầy khi cô bé vùi mặt vào lòng mẹ. Đây là lần khám bệnh thứ ba của bé gái trong vòng 8 tháng và sức khỏe của em vẫn chưa khá hơn.

“Tôi không có việc làm, không có thu nhập, không có thức ăn cho con gái. Mỗi lần nhìn thấy cô bé, tôi thấy rất buồn”, Musafer nói.

Richard Trenchard, Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, mô tả tình hình hiện tại ở quốc gia này là “thảm khốc” trong một tuyên bố hồi tháng 11.

“Những người nông dân đã mất gần như toàn bộ vụ mùa trong năm nay, nhiều người phải bán gia súc. Họ có những khoản nợ khổng lồ”, ông Trenchard nói.

Trước khi Taliban lên nắm quyền, nghèo đói đã xảy ra phổ biến ở nhiều vùng nông thôn của Afghanistan, nhưng giờ đây, tầng lớp trung lưu và người dân thành thị cũng chìm trong tuyệt vọng.

Theo WFP, trên khắp đất nước, các gia đình đang phải bán quần áo, đồ nội thất, gia súc, thậm chí là cả nhà cửa, để lấy tiền mua thực phẩm. Một số gia đình nghèo không còn gì để bán đã phải gả con gái nhỏ cho gia đình khác để lấy tiền.

Bệnh viện quá tải bệnh nhân suy dinh dưỡng

Các bệnh viện tại Afghanistan đã quá tải với những bệnh nhân chết đói trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung vật tư y tế và nhân viên.

Trước đây, chương trình y tế toàn quốc của Afghanistan đã được Ngân hàng Thế giới tài trợ, nhưng việc tài trợ đã bị tạm dừng vào tháng 8, khiến 2.300 cơ sở y tế không đủ khả năng để mua vật tư y tế hoặc trả lương.

Tiến sĩ Paul Spiegel tại Đại học Johns Hopkins, người vừa trở về từ Afghanistan, với tư cách là cố vấn cho WFP, cho biết, trước khi Taliban kiểm soát đất nước, có 39 bệnh viện ở Afghanistan điều trị Covid-19, nhưng hiện chỉ có 3-4 bệnh viện còn hoạt động.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trong số các cơ quan đã nối lại vận chuyển các nguồn cung y tế thiết yếu đến Afghanistan. Vào tháng 11, WHO cho biết, 4 lô hàng y tế sẽ đáp ứng cho 1,5 triệu bệnh nhân. Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc đã cung cấp 15 triệu USD cho ngành y tế Afghanistan vào tháng 11, giúp trả lương cho hơn 23.000 nhân viên y tế.

Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nghèo đói ở Afghanistan.

Faziluhaq Farjad, trưởng khoa dinh dưỡng của bệnh viện ở tỉnh Ghor, cho biết, có tới 100 bà mẹ và trẻ em đến khám mỗi ngày để điều trị suy dinh dưỡng, giống như một loạt bệnh khác như sởi, tiêu chảy, cảm lạnh và cúm. Nhưng nguồn cung thiết bị y tế và thuốc của bệnh viện đang cạn kiệt nhanh chóng, chỉ còn sữa để cung cấp cho bệnh nhân suy dinh dưỡng.

“Gần 70% các ca suy dinh dưỡng là nghiêm trọng và đây là ở thành phố, hãy tưởng tượng xem tình trạng ở khu vực nông thôn sẽ tồi tệ đến mức nào”, Farjad nói.

Một trong những bệnh nhân của Farjad, Nasrin, 1 tuổi, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đã phải nằm viện gần 6 tháng. “Cứ mỗi 10 hoặc 20 ngày, chúng tôi lại đến bệnh viện”, Abdul Rauf, người thân của Narsin, cho biết.

Kêu gọi viện trợ nước ngoài

Các tổ chức viện trợ cho biết, những nỗ lực của các quốc gia nhằm ngăn nguồn tiền của Taliban đang gây ra hậu quả khôn lường, khiến người dân Afghanistan chết đói.

Chuyên gia Spiegel kêu gọi các nước xem xét lại động thái đóng băng tài sản của Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản đất nước, bao gồm việc tài trợ cho các bệnh viện do chính phủ điều hành.

“Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng đưa ra một số quyết định nếu không sẽ quá muộn và sẽ có rất nhiều cái chết đáng tiếc”, ông Spiegel nói.

EU đã cam kết gói viện trợ 1,12 tỷ USD vào tháng 10 và hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới gần đây đã cam kết 280 triệu USD cho UNICEF và WFP. Mỹ cũng đã đóng góp gần 474 triệu USD viện trợ nhân đạo trong năm 2021 cho Afghanistan. 

Tuy nhiên, các quỹ viện trợ quốc tế đã được cam kết cũng chỉ là một phần nhỏ trong số tài sản bị đóng băng 9,5 tỷ USD của Afghanistan. Những khoản tiền đó đang được chuyển đến các tổ chức quốc tế đã hoạt động tại Afghanistan, nghĩa là số tiền này không thể được tiếp cận bởi các ngân hàng hoặc người dân Afghanistan.

Đối với nhiều gia đình Afghanistan, họ không thể làm gì ngoài việc chờ đợi sự giúp đỡ. Sau 15 ngày điều trị, Nasrin được xuất viện với cân nặng chỉ hơn 6kg. Gia đình Nasrin trở về nhà, nơi có 4 đứa trẻ đói khát khác đang chờ đợi.

“Tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ những người đang phải chịu cảnh đói nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi sẽ mất những đứa con của mình”, Rauf, cha của Nasrin, nói./.

60% dân số thiếu ăn, Afghanistan đối diện nạn đói nghiêm trọng

VOV.VN - Số người sống trong điều kiện gần như nạn đói ở Afghanistan đã tăng lên 8,7 triệu người, cao hơn 3 triệu so với đầu năm nay. Khoảng 60% dân số Afghanistan đang chịu cảnh thiếu ăn, trong đó có nhiều trẻ em, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gọi đây là một thảm họa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhìn lại năm 2021: Taliban trở thành “bình thường mới” ở Afghanistan
Nhìn lại năm 2021: Taliban trở thành “bình thường mới” ở Afghanistan

VOV.VN - Năm 2021, Taliban cầm quyền ở Afghanistan trở thành “bình thường mới” sau khi thế giới theo dõi thông tin về cuộc tiếp quản quyền lực đầy bất ngờ ở Kabul qua các phương tiện truyền thông. Dù vậy, với những người đầu tiên trực tiếp trải nghiệm sự thay đổi này, tình hình vẫn vô cùng khó khăn.

Nhìn lại năm 2021: Taliban trở thành “bình thường mới” ở Afghanistan

Nhìn lại năm 2021: Taliban trở thành “bình thường mới” ở Afghanistan

VOV.VN - Năm 2021, Taliban cầm quyền ở Afghanistan trở thành “bình thường mới” sau khi thế giới theo dõi thông tin về cuộc tiếp quản quyền lực đầy bất ngờ ở Kabul qua các phương tiện truyền thông. Dù vậy, với những người đầu tiên trực tiếp trải nghiệm sự thay đổi này, tình hình vẫn vô cùng khó khăn.

Indonesia quan ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi ở Afghanistan
Indonesia quan ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi ở Afghanistan

VOV.VN - Tại cuộc họp bất thường lần thứ 17 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra tại thủ đô Islamabad của Pakistan diễn ra cuối tuần qua, Indonesia đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo đang xấu đi tại Afghanistan.

Indonesia quan ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi ở Afghanistan

Indonesia quan ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi ở Afghanistan

VOV.VN - Tại cuộc họp bất thường lần thứ 17 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra tại thủ đô Islamabad của Pakistan diễn ra cuối tuần qua, Indonesia đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo đang xấu đi tại Afghanistan.

Cần 220 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho người dân Afghanistan
Cần 220 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho người dân Afghanistan

VOV.VN - Liên Hợp Quốc cho biết, cần ít nhất 220 triệu USD mỗi tháng để cung cấp lương thực cho khoảng 23 triệu người dân Afghanistan trong năm tới.

Cần 220 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho người dân Afghanistan

Cần 220 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho người dân Afghanistan

VOV.VN - Liên Hợp Quốc cho biết, cần ít nhất 220 triệu USD mỗi tháng để cung cấp lương thực cho khoảng 23 triệu người dân Afghanistan trong năm tới.