Bế tắc khó phá vỡ ở Michigan trở thành tâm điểm bầu cử Mỹ
VOV.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban bầu cử bang Michigan có thể bế tắc trong việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống tại bang này khi đến thời hạn chót 23/11 (theo giờ Mỹ).
Theo luật và thực tiễn, việc xác nhận kết quả ở Michigan do Ủy ban bầu cử cấp bang – gồm 2 thành viên đảng Dân chủ và 2 thành viên đảng Cộng hòa – thực hiện. Thủ tục này sẽ chính thức công nhận rằng, các kết quả sơ bộ là hợp lệ.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay ở Michigan là bầu không khí đảng phái cùng chiến dịch tin giả, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump cùng đội ngũ luật sư của ông đang tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử ở Michigan cũng như các bang chiến địa khác mà kết quả sơ bộ cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng ở Đại cử tri đoàn.
“Hệ thống này đã gây nhiều tranh cãi suốt hàng chục năm qua, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ nói chung và chính trị Michigan nói riêng đang ngày càng mang tính lưỡng đảng”, David Kimball, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Missouri ở St. Louis nói.
Việc có một ủy ban lưỡng đảng thực hiện chức năng xác nhận kết quả bầu cử theo quy ước có thể gửi đi một thông điệp tới mọi người rằng cả 2 đảng đều tin tưởng kết quả là công bằng. Vậy điều không ổn ở đây là gì?”, ông nói.
Sự bế tắc tiềm tàng
Viễn cảnh về sự bế tắc – thường ít gặp ở cấp tiểu bang nhưng đã xảy ra ngày 17/11 tại ủy ban bầu cử hạt Wayne của Michigan - khiến các chuyên gia đặt câu hỏi liệu một ủy ban 4 thành viên, chia đều cho mỗi đảng, có khả thi hay không khi mà đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ bất đồng không chỉ về chính sách mà còn về các vấn đề thực tế.
Một số người đặt câu hỏi liệu hệ thống xác nhận bầu cử của Michigan có cần một nhân vật đóng vai trò phá vỡ bế tắc hay không, như ở các bang Trung Tây khác như Ohio, Wisconsin và Minnesota.
Một số người khác lại cho rằng đã đến lúc đặt các vấn đề chính trị ra ngoài quy trình chứng nhận bầu cử, tương tự như chính tiểu bang Michigan đã từng làm năm 2018 với việc thành lập một ủy ban độc lập xem xét lại khu vực bầu cử.
Barry Burden, Giáo sư về khoa học chính trị và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử tại Đại học Wisconsin, cho rằng: “Một mô hình tốt hơn nên tìm cách loại bỏ yếu tố đảng phái thay vì đặt nó vào hệ thống này”.
Một thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban bầu cử bang Michigan, Norman Shinkle cho biết ông có nhiều mối quan tâm, từ thiết bị bầu cử đến quy trình bỏ phiếu vắng mặt, các vấn đề minh bạch, và ông nghiêng về việc trì hoãn chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống.
Dù vậy, để trì hoãn việc chứng nhận kết quả, sẽ cần phải có thêm 1 lá phiếu nữa. Thành viên đảng Cộng hòa còn lại trong ủy ban này, Aaron Van Langevelde, chưa lên tiếng về việc sẽ bỏ phiếu như thế nào.
Ông Van Langevelde đã cùng một số nhà lập pháp khác của đảng Cộng hòa đã tới Washington DC hôm 20/11 để gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.
Ngày 21/11, Ronna McDaniel, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa – một cư dân Michigan, và Laura Cox, Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại Michigan, đã gửi thư lên Ủy ban bầu cử tiểu bang yêu cầu trì hoãn chứng nhận kết quả thêm 14 ngày, trong khi chờ kiểm phiếu lại, với lý do “có những bất thường về thủ tục và kiểm đếm” chẳng hạn như sự khác biệt giữa số người được ghi lại khi bỏ phiếu tại các khu vực của Detroit và số phiếu thực tế được đếm.
Các quan chức bầu cử cho biết sự chênh lệch này không phải là hiếm ở các khu bầu cử trên khắp Michigan và không phải là bằng chứng của gian lận. Điều này thường là do lỗi của con người, chẳng hạn như ghi nhận ban đầu khi một phong bì lá phiếu vắng mặt được gửi đến nhưng sau đó được phát hiện là không có lá phiếu bên trong.
Quan chức phụ trách bầu cử bang Michigan, bà Jocelyn Benson cho biết bang này có kế hoạch tiến hành các cuộc kiểm tra sau bầu cử, bao gồm cả hạt Wayne. Tuy nhiên, theo luật Michigan, những cuộc kiểm tra như vậy chỉ có thể được tiến hành sau khi kết quả được chứng nhận.
Chia rẽ đảng phái và cuộc chiến hao tiền tốn của
Theo John Fortier, Giám đốc nghiên cứu chính phủ của Trung tâm chính sách lưỡng đảng ở Washington, việc trì hoãn xác nhận kết quả và cả những cái giá của một cuộc chiến tòa án đều sẽ chỉ ra điểm yếu trong hệ thống của Michigan – thiếu cơ chế phá vỡ thế bế tắc 2-2 trong Ủy ban bầu cử tiểu bang.
“Sẽ tốt hơn nếu có thêm một cơ chế phá vỡ thế bế tắc để tránh phải giải quyết mọi việc ở tòa án”, ông Fortier nói.
Ở Trung Tây, các quan chức đóng vai trò như người phân xử này không nhất thiết phải là người phi đảng phái hay có quan điểm trung lập.
Ở Ohio, người đứng đầu ủy ban bầu cử của bang, một quan chức (theo đảng phái) được bầu, đóng vai trò phá vỡ thế hòa, và là người có quyền quyết định cuối cùng.
Còn tại Wisconsin, Ủy ban bầu cử gồm 8 thành viên chia đều giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng vai trò quyết định nằm ở Chủ tịch Ủy ban này – vị trí luân phiên giữa 2 đảng.
Với bang Minnesota, sự bế tắc là không thể xảy ra, vì Ủy ban bầu cử cấp bang có 5 thành viên.
Trong khi đó, Ủy ban bầu cử bang Michigan lại không có lá phiếu “chốt” để phá vỡ bế tắc.
“Khi không có một cơ quan trung lập mà chúng ta tin tưởng, chúng ta buộc phải đặt ra một ủy ban với các thành viên của từng đảng để giám sát chéo lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ rất khó để thay đổi”, ông Fortier nói.
Mặc dù khả năng Ủy ban bầu cử bang Michigan không thể xác nhận kết quả bầu cử tổng thống là chưa từng có tiền lệ, nhưng thế bế tắc 2-2 này thì không phải là điều mới mẻ.
Năm 2004, các thành viên đảng Dân chủ không bỏ phiếu về đề xuất xác định hôn nhân là sự kết hợp giữa một nam và một nữ hoặc việc đặt Ralph Nader vào lá phiếu (bầu tổng thống) với tư cách là một ứng cử viên tổng thống độc lập – yếu tố khiến ông này có thể thu hút được phiếu bầu của ứng viên đảng Dân chủ hơn là của ứng viên của đảng Cộng hòa.
Năm 2002, các thành viên đảng Cộng hòa đã gây nên sự bế tắc về đề xuất để các cử tri quyết định có chi phần lớn số tiền thuốc lá của bang vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và chống hút thuốc hay không.
Cũng có những cuộc chiến giữa các thành viên trong ủy ban về kết quả bầu cử, cho dù không phải là cuộc chạy đua bầu cử tổng thống.
Nhìn chung, theo giáo sư Kimball, bế tắc đảng phái trong các ủy ban như thế này là một hiện tượng ngày càng gia tăng, và cũng được nhận thấy trong các cơ quan tương tự cấp liên bang, như Ủy ban bầu cử liên bang.
Theo dự kiến, Ủy ban bầu cử bang Michigan sẽ họp để bỏ phiếu (độc lập với Cơ quan lập pháp và thống đốc) vào 13h chiều ngày 23/11 (theo giờ địa phương).
Nếu Ủy ban này không bỏ phiếu vào ngày 23/11 để xác nhận kết quả bầu cử ở Michigan, các chuyên gia pháp lý cho rằng điều đó sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc bổ nhiệm các đại cử tri của bang.
Khi đó, gần như chắc chắn sẽ có một vụ kiện lên Tòa án phúc thẩm Michigan và tiếp sau đó là Tòa án Tối cao cấp tiểu bang, để buộc ủy ban này phải chứng nhận kết quả.
Mọi thủ tục tại tòa sẽ phải kết thúc trước 8/12, ngày “an toàn” để Quốc hội chấp nhận các phiếu đại cử tri của bang Michigan. Sau đó, Thống đốc Gretchen Whitmer sẽ phê chuẩn 16 đại cử tri của bang trước khi Đại cử tri đoàn bỏ phiếu ngày 14/12./.