Bí ẩn vụ tên lửa rơi ở Ba Lan: Ukraine muốn bảo vệ vùng tiếp tế ở phía Tây?
VOV.VN - Trong khi Ba Lan, Mỹ và NATO đều khẳng định tên lửa rơi ở Ba Lan không phải do Nga phóng thì Ukraine vẫn một mực cho rằng Nga đứng đằng sau vụ phóng đó. Phải chăng Ukraine đang mong thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ vùng tiếp tế ở phía Tây nước này?
Một mình Ukraine có tuyên bố trái ngược với Mỹ, Ba Lan và NATO
Ngày 15/11/2022, một quả tên lửa đánh trúng vào ngôi làng Przewodów ở Ba Lan gần biên giới với Ukraine, khiến 2 công dân Ba Lan thiệt mạng. Ngay sau khi có vụ rơi tên lửa nói trên, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thảo luận với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg về khả năng kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận các tin tức cho rằng một quả tên lửa của Nga đã đánh vào lãnh thổ Ba Lan. Họ gọi cáo buộc này là “sự cố tình khiêu khích nhằm leo thang tình hình”.
Sau đó, cũng trong ngày 15/11, Tổng thống Ba Lan Duda thừa nhận không có bằng chứng về ai là bên phóng quả tên lửa đó.
Mặc dù ông Duda đã đưa ra tuyên bố như vậy, Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục đổ lỗi cho Nga về sự cố tên lửa. Trong một phát biểu qua video vào đêm 15/11, ông Zelensky nói rằng “tên lửa của Nga đã đánh trúng Ba Lan”. Ông khẳng định, sự việc này là sự vi phạm “an ninh tập thể” và là một sự “leo thang đáng kể”.
Vào ngày 16/11, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ tuyên bố trên của Ukraine. Bộ này nói rằng đoạn video về xác của tên lửa được phát hiện ở làng Przewodów, đăng tải vào đêm 15/11 ở Ba Lan, đã được các chuyên gia quốc phòng Nga nhận diện là các thành phần của quả tên lửa phòng không S-300 có dẫn đường thuộc về lực lượng phòng không Ukraine.
Cũng trong ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nghi vấn lập luận của ông Zelensky cho rằng tên lửa rơi xuống Ba Lan là của Nga. Ông Biden nói với phóng viên rằng “đấy không phải là bằng chứng”.
Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Duda nói rằng “khả năng cao” tên lửa do lực lượng phòng không Ukraine phóng. Ông Duda cũng khẳng định rằng, dựa trên các thông tin mà Ba Lan và các đồng minh của Ba Lan có được, đó là một quả rocket S-300 thời Liên Xô và không có bằng chứng phía Nga đã phóng quả rocket này.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng tuyên bố ông đồng ý với đánh giá của Ba Lan.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky một lần nữa bác bỏ tuyên bố của Ba Lan và khẳng định đấy không phải là tên lửa phóng đi từ Ukraine.
Tên lửa rơi vào Ba Lan là do cố ý hay đạn lạc?
Một câu hỏi tiếp theo là, vụ tên lửa S-300 rơi trên lãnh thổ Ba Lan là hành động cố ý hay là tai nạn đạn lạc?
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa hành trình và UAV của Nga không tấn công một mục tiêu Ukraine nào cách biên giới với Ba Lan chưa đến 35km. Tuyên bố này chưa bị cả Ukraine lẫn Ba Lan bác bỏ.
Vậy giả sử tên lửa xuất phát từ Ukraine thì liệu nó có thể đi lạc theo hướng ngược với hướng tấn công của tên lửa hành trình Nga?
Tình huống bay lạc là có thể xảy ra vì các tên lửa hành trình có khả năng điều hướng theo các điểm tham chiếu. Nói cách khác, tên lửa hành trình Nga có thể đã đến gần biên giới với Ba Lan rồi quay đầu để tiến sâu vào lãnh thổ Ba Lan 35km. Nhưng nếu tên lửa Nga bay lạc như vậy thì tên lửa Ukraine cũng có khả năng bị như thế.
Tuy nhiên, có một điều là các tên lửa đi lạc được thiết kế để tự hủy trong hành trình bay.
Việc quả tên lửa nói trên rơi xuống đất và phát nổ cho thấy 2 khả năng: Cơ chế tự phá hủy của tên lửa bị hỏng hoặc tên lửa được phóng theo chế độ đất đối đất, khi ấy việc tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan lại có khả năng cao là sự cố ý.
Một bộ dữ liệu radar về quả tên lửa đó sẽ giúp xác định liệu tên lửa đi lạc hay cố ý phóng vào đất Ba Lan.
Nhiều khả năng Ukraine cũng như hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không của Mỹ có dữ liệu radar về vụ việc trên. Cựu Đại sứ Mỹ Kurt Volker cho hay: “Người Ukraine sở hữu bộ sưu tập dữ liệu rất tốt. Họ có radar tốt và theo dõi từng quả tên lửa một… Tôi đã tới tổng hành dinh của họ, thiết bị ở đây rất tinh vi. Họ biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi chắc người Ba Lan cũng thế”.
Vì sao Ukraine lại luôn chủ động quy trách nhiệm cho Nga về vụ phóng tên lửa và muốn kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO dù rằng có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy đó không phải là tên lửa do Nga phóng?
Nếu Ukraine thuyết phục được NATO rằng đó là vụ phóng của Nga thì có khả năng NATO sẽ thiết lập vùng cấm bay ở miền Tây Ukraine, từ đó bảo đảm cho Ukraine tuyến tiếp tế an toàn từ phương Tây, đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trước các cuộc không kích của Nga đến mức độ Ukraine có thể vượt qua mùa Đông năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter lời kêu gọi hãy “đóng cửa bầu trời” để ngăn chặn các quả tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ nhiều khả năng lại đánh giá rằng lập một vùng cấm bay như vậy trên bầu trời Ukraine sẽ đẩy Mỹ vào chỗ xung đột trực tiếp các lực lượng Nga mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden thì lại luôn cố gắng tránh điều này. Mỹ cho rằng lập vùng cấm bay vào lúc này là đi ngược lại lợi ích của họ./.