“Bị quản thúc 31 tiếng”: Hé lộ cuộc chạy trốn khỏi đất nước của cựu Tổng thống Afghanistan
VOV.VN - Tờ Hasht e Subh Daily mới đây đã tiết lộ hành trình chạy trốn khỏi Afghanistan của cựu Tổng thống Ashraf Ghani ngay trước khi lực lượng Taliban kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8.
Bị quản thúc 31 tiếng tại Uzbekistan
Hasht e Subh Daily dẫn nguồn tin thân cận với ông Ghani cho biết, cựu Tổng thống Afghanistan đã rời khỏi thủ đô Kabul và qua Uzbekistan, trước khi đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng với các trợ lý và vệ sĩ đã rời khỏi Kabul bằng trực thăng ngay trước khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô hôm 15/8.
“Do quy trình an ninh đặc biệt, trong nhiều năm qua, có 4 máy bay trực thăng luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, dù đó là ở sân bay quốc tế Kabul hay dinh tổng thống”, nguồn tin cho biết.
Phi đội trực thăng quyết định hạ cánh xuống sân bay Termez gần biên giới Afghanistan-Uzbekistan, dù đoàn tùy tùng của ông Ghani đã không liên lạc với phía Uzbekistan để xin phép hạ cánh.
“Phi công lái trực thăng của ông Ashraf Ghani đã không liên lạc với các quan chức Uzbekistan nhưng vẫn thông báo cho các trực thăng còn lại rằng cho dù bất kể điều gì xảy ra họ vẫn sẽ hạ cánh xuống sân bay Termez vì các trực thăng sắp hết nhiên liệu”, nguồn tin cho hay.
Với quyết định này, 4 chiếc trực thăng lần lượt hạ cánh xuống một góc sân bay Termez thuộc lãnh thổ Uzbekistan. Theo nguồn tin, tổng cộng 54 người, trong đó có 22 phi công, sĩ quan kỹ thuật của Không quân Afghanistan, 22 vệ sĩ và các quan chức khác đã hạ cánh xuống sân bay Termez, không ai trong số họ có hộ chiếu.
Nguồn tin tiết lộ thêm, ngay sau khi trực thăng của ông Ghani và đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Termez, “khoảng 200-300 lính biên phòng và nhân viên quân sự Uzbekistan đã bao vây xung quanh 4 chiếc trực thăng, mang theo súng và sẵn sàng hành động”.
Các binh sĩ Uzbekistan đã giam giữ ông Ghani và đoàn tùy tùng trong suốt 31 giờ. Trong thời gian này, binh sĩ Uzbekistan luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ và theo dõi từng hành động của cựu Tổng thống Afghanistan.
“Đó là 31 giờ chờ đợi dài và đau đớn nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi không có thức ăn và nước uống. Không có nhà vệ sinh. Hơn 200 binh sĩ Uzbekistan đã canh giữ chúng tôi và luôn sẵn sàng nổ súng”, một người trong cuộc cho biết.
Binh sĩ Uzbekistan dường như coi ông Ghani và đoàn tùy tùng là “những kẻ hèn nhát đã bỏ rơi đất nước được người dân và cộng đồng quốc tế hỗ trợ suốt 20 năm qua”.
Tình hình được cải thiện
Tình hình đã diễn biến khả quan hơn vào ngày 16/8, khi một chiếc máy bay nhỏ màu trắng không có biểu tượng chính phủ hay thương hiệu hạ cánh xuống sân bay Termez.
Ông Ghani cùng phu nhân và cựu chánh văn phòng tổng thống Afghanistan là những người đầu tiên lên chiếc máy bay 60 chỗ ngồi. Những người còn lại sau đó cũng lên máy bay trong tình trạng đói khát.
“Không ai nói gì và chúng tôi không biết mình đang đi đâu. Vài phút sau, máy bay cất cánh và họ thông báo rằng chúng tôi sẽ đi tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bên trong máy bay, sau 28 giờ, chúng tôi đã được ăn uống”, nguồn tin cho biết.
Tờ Hasht e Subh Daily dẫn thông tin từ trang web Flight Radar chỉ ra rằng, chuyến bay mang số hiệu FJK-1255 rời sân bay Termez đến thủ đô Abu Dhabi của UAE vào ngày hôm đó là một máy bay của hãng hàng không Kazakhstan FlyJet.
Sau khi máy bay hạ cánh xuống Abu Dhabi, “một số người đàn ông Arab đã tiếp cận đoàn tùy tùng của ông Ghani và đưa một số quan chức Afghanistan rời đi”.
“Không giống như ở Uzbekistan, những người Arab có thái độ tôn trọng và chào đón đoàn của ông Ghani bằng những chiếc xe sang trọng”, nguồn tin tiết lộ.
Người trong cuộc cho biết, kể từ khi ông Ghani rời sân bay, ông không nhìn thấy cựu tổng thống hoặc các quan chức khác trong đoàn tùy tùng.
“Ngày 17/8, một số quan chức UAE đã đến thăm và hỏi chúng tôi dự định sẽ đi đâu. Họ nói rằng chúng tôi không thể sống ở UAE. Một số người trong đoàn tùy tùng, bao gồm phi công và kỹ sư không quân đều không có giấy tờ tùy thân nào khác ngoài thẻ quân nhân. Họ được đưa tới một khu trại cho người tị nạn Afghanistan do Mỹ thiết lập ở Abu Dhabi. Một số người khác tự tìm đường đi riêng”, nguồn tin nói.
Ngày 18/8, Bộ ngoại giao UAE xác nhận trong một thông cáo báo chí rằng ông Ghani và gia đình được phép nhập cảnh vào quốc gia Trung Đông này vì “lý do nhân đạo”. Tuy nhiên, thông cáo không nêu chi tiết về điều kiện xin tị nạn của gia đình ông Ghani cũng như nơi ở chính xác của cựu Tổng thống Afghanistan ở UAE./.