Bí quyết nào giúp ông Macron trở thành tân Tổng thống Pháp?
VOV.VN - Bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn, biết nắm bắt thời cơ, vận hội, nhiệt huyết và may mắn đã giúp ông Emmanuel Macron chinh phục điện Élysée.
Ba năm trước, hiếm ai biết đến tên ông.
Song trong một kịch bản mà có thời điểm là ngoài sức tưởng tượng, ứng viên trung lập Emmanuel Macron (39 tuổi), một hiện tượng lạ của một thế chế chính trị đang già cỗi, đã thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày chủ nhật (7/5) với tỉ lệ ủng hộ áp đảo. Ông Macron sẽ trở thành vị nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi nhất của nước Pháp kể từ thời Napoleon Bonaparte cũng như là vị tổng thống hiện đại đầu tiên không thuộc về đảng trung tả hay trung hữu vốn nắm quyền điều hành nước Pháp trong 60 năm qua.
Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron và phu nhân. Ảnh: Reuters |
Nối tiếp sau thành công của Brexit (Anh rời EU) và chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thắng lợi của ông Macron được ca ngợi đã góp phần kìm chân chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên ngôi. Trong vòng bỏ phiếu thứ hai quyết định, ứng viên trung lập Macron đã đánh bại bà Marine Le Pen, lãnh tụ Mặt trận Quốc gia Pháp cực hữu, một đảng chống người nhập cư mạnh mẽ và hằn sâu tư tưởng bài Do Thái.
Câu chuyện của ông Marcon là về một cuộc lội ngược dòng không tưởng trong một hệ thống chính trị cổ hủ.
Nhận định về chiến thắng của ông Macron, François Heisbourg, chuyên gia quốc phòng nổi tiếng của Pháp, người đã cố vấn ông Macron về các vấn đề an ninh và khủng bố, nói: "Điều này hoàn toàn chưa có tiền lệ trong nền đệ ngũ Cộng hoà Pháp. Chiến thắng này rất phi thường bởi cách thức ông Macron đã xâm nhập vào được hệ thống từ là một người vô danh tiểu tốt".
Là người chưa bao giờ quản lý nhiệm sở do bầu cử, ông Macron nay được bầu chọn là một trong những nhà lãnh đạo có thế lực nhất trong thế giới phương Tây, là người đảm trách công việc quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu đang trong thời khắc khó khăn. Theo các nhà phân tích, chiến thắng của ông Macron có được là nhờ sự kết hợp cả vào yếu tố may mắn và thông điệp vận động tranh cử phù hợp với một thời điểm chính trị mới.
Tại Pháp, năm 2017 cũng là một năm lý tưởng để ra tranh cử độc lập. Một chân không chính trị hiếm có nổi lên và ông Marcon, người vừa từ chức Bộ trưởng Kinh tế Xã hội vào tháng 7/2016, đã biết nắm bắt thời cơ và khai thác mọi lợi thế này.
Khi công chúng Pháp vẫn còn kinh hoàng bởi một loạt các cuộc tấn công khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện và với tỉ lệ thất nghiệp ở mức hai con số, tỉ lệ ủng hộ Đảng Xã hội Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống François Hollande, đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Vào tháng 12/2016, Tổng thống Hollande tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử, song ứng viên Đảng Xã hội thay thế Benoit Hamon đã bị loại ngày từ vòng đầu và chỉ giành được số phiếu ủng hộ ít ỏi là 6,35%.
Trong khi đó, Les Républicains, đảng bảo thủ Pháp, mất uy tín bởi vụ bê bối về chi tiêu liên quan đến ông François Fillon. Từ vị trí là một ứng viên triển vọng đă từng được yêu mến và được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng, ông Fillon bị giáng một đòn "chí tử” sau khi tờ báo trào phúng Le Canard Enchaîné của Pháp buộc tội ông Fillon đã "tuồn” khoảng 900.000 euro công quỹ cho vợ con mình vì những công việc mà họ chưa bao giờ thực hiện.
Theo ông Heisbourg, ông Macron đã nhận thức rằng "sự chia cắt mới” trong bộ phận cử tri Pháp không phải sự chia rẽ lịch sử giữa tả và hữu mà là giữa một xã hội mở và đóng. Đây cũng là đường lối mà bà Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc theo đuổi trong nhiều năm song ít ai trong các đảng phái lớn trực tiếp hưởng ứng.
Bảo vệ một xã hội mở, đa văn hoá là yếu tố cốt lõi của phong trào En Marche (Tiến lên) do ông Macron khởi xướng vào năm 2016. Phát biểu tại một điểm vận động tranh cử, ông Macron đã từng nói: "Toàn cầu hoá có thể là một vận hội lớn”. Tại một diễn đàn khác, ông Macron nhấn mạnh: "Không có điều gì giống như văn hoá Pháp. Văn hoá Pháp là sự đa dạng".
Các tiểu thuyết vĩ đại của Pháp thường là các câu chuyện của những chàng trai trẻ đầy hoài bão rời tỉnh lẻ ra thủ đô Paris tráng lệ để thử vận may. Đối với nhiều người, ông Macron cũng phải là trường hợp ngoại lệ. Là con trai của hai bác sỹ ở vùng Amiens, ông Macron đã tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chính École Normale d’Administration - cái nôi đào tạo nhiều tổng thống Pháp.
Một số phương tiện báo chí Pháp đã chú ý đến những hoài bão to lớn của ông Macron trên mọi phương diện, từ câu chuyện tình yêu của ông trong quá trình theo đuổi kiên trì người vợ sau này của mình Brigitte, một cựu giáo viên trung học và hơn ông 24 tuổi. Bà Brigitte Macron đã chia sẻ với một nhà làm phim tài liệu Pháp vào năm ngoái: "Từng bước một, bằng sự kiên nhẫn, ông ấy đã đánh đổ mọi sự kháng cự của tôi theo một cách đáng kinh ngạc”. Ứng viên Macron cũng đã chứng tỏ đức tính bền chí này trong công cuộc chinh phục Cung điện Elysee.
Trong cuốn sách của mình Révolution năm 2016, ông Macron đã viết: "Tôi đã nếm mùi thất bại và đôi khi cay đắng, song tôi không bao giờ cho phép mình lùi bước".
Theo giới phê bình, chính sự bền bỉ này cùng sự chú ý có suy tính đến những mối kết giao có ích đã đưa ông Macron tiệm cận được đến với nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc của Pháp và các quan chức chính phủ mà đã góp phần giúp ông Macron thăng tiến sau này.
Vào cuối thập niên 1990, khi vẫn còn là một sinh viên mới ra trường, ông Macron đã làm trợ lý cho Paul Ricoeur, một nhà văn và một tri thức kiệt xuất của Pháp và đến giữa những năm 2000 ông Macron "đầu quân” cho Bộ Tài chính Pháp và làm ở một uỷ ban chuyên trách về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở đó, ông đã có cơ hội gặp gỡ Jacques Attali, một nhà kinh tế nổi tiếng và là người môi giới quyền lực ở Paris, người mà theo nhiều người sau này đã thúc đẩy ông Macron có những bước tiến nhanh đến những vị trí cao nhất trong chính quyền của ông Hollande.
Trong một bài phỏng vấn, ông Attali, người còn đảm trách vai trò là cố vấn cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Macron, ngay lập tức bác bỏ ý kiến cho rằng ông Macron chủ yếu giỏi về kết giao. Ông Attali nói: "Macron có thể ở bất cứ vị trí nào như ngày nay cho dù có hay không có sự giúp đỡ của tôi".
Thách thức quan trọng đầu tiên mà vị tân Tổng thống Pháp tương lai sẽ phải đối mặt đó là lập nên một nội các mới. Do không cơ cấu đảng phái hậu thuẫn phía sau, nên ông sẽ chịu sự chi phối lớn bởi kết quả của cuộc bầu cử nghị viện Pháp dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới.
Patrick Weil, một học giả về luật hàng đầu Pháp và là nhà sử học nhận định: "Có nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử nghị viện sắp tới, bởi các lực lượng chính trị chủ chốt tại Pháp hầu như vắng bóng trong vòng thứ hai, cả cánh hữu và cánh tả. Hiện nay, các đảng này đang thất vọng và sẵn sàng sẽ đáp trả trong cuộc bầu cử nghị viện".
Vị Tổng thống 39 tuổi, sẽ chèo lái con thuyền nước Pháp như thế nào? Tuy có thể thiếu kinh nghiệm chính trường hay tài hùng biện, song ông Macron mang trong mình nhiệt huyết thay đổi, cách tân của một nhà lãnh đạo trẻ, điều mà một bộ phận lớn người dân Pháp mong đợi./.