Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ là một cú thở phào nhẹ nhõm của hầu hết châu Âu. Bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến hồi tháng 2 đã khiến châu Âu thêm tin tưởng vào tuyên bố: "Nước Mỹ trở lại".

Có nhiều điều cần "trở lại". Dưới thời cựu Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ đối mặt với nhiều lo ngại, từ phong cách lãnh đạo không theo chuẩn mực của ông Trump cho tới việc Mỹ rút lại các cam kết và rời khỏi nhiều cơ chế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi ông Biden bước vào Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố không chỉ đưa nước Mỹ mà còn cả các liên minh và mối quan hệ Mỹ - EU trở lại. Tuần tới, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden là một loạt các Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Âu, trong đó có Thượng đỉnh NATO, G7, Mỹ - EU và Mỹ - Nga tại London, Cornwall, Brussels và Geneva. Tổng thống Biden rõ ràng sẽ không bỏ lỡ cơ hội để một lần nữa khẳng định với các đồng minh châu Âu rằng nước Mỹ đã trở lại. Đã qua rồi những ngày Tổng thống Mỹ tuyên bố EU "tệ hơn cả Trung Quốc" hay đe dọa Mỹ sẽ rút sự bảo vệ cho châu Âu nếu các nước này "không trả ngân sách quốc phòng" như cam kết.

Chính quyền Tổng thống Biden đặc biệt đánh giá vai trò quan trọng trong quan hệ với châu Âu qua 3 vấn đề liên quan đến những thách thức an ninh và lợi ích của Mỹ gồm: Nga, Iran và Trung Quốc.

Nga: NATO sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ngày 14/6 ở Brussels. Trọng tâm của cuộc gặp này là bàn bạc về bản đánh giá gần đây nhất của liên minh này là "NATO 2030" - một nghiên cứu toàn diện về môi trường chiến lược của NATO và đưa ra một danh sách dài những khuyến nghị. Dù vậy, Nga sẽ là chủ đề trung tâm của Hội nghị khi châu Âu bày tỏ mong muốn giúp chính quyền Tổng thống Biden định hình lập trường và chính sách với Moscow. Mục đích của Hội nghị sẽ là thông qua các cam kết và hành động nhằm tái tái đảm bảo với các nước đồng minh, đặc biệt là những nước gần Nga nhất, đồng thời khẳng định với điện Krelin rằng về cơ bản, liên minh này "sẽ không thể bị chia rẽ".

Nguồn ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, sự nhất trí chính thức giữa các đồng minh trước những tính toán của Nga ở châu Âu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, ít nhất là so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Trong những năm qua, hướng tiếp cận của Mỹ với Nga đã có sự dịch chuyển. Cựu Tổng thống Trump đã có hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Moscow sau khi ông bị chỉ trích vì có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin. Triển vọng hợp tác Nga - Mỹ đã được ông Trump và ông Putin đem ra thảo luận ở Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki vào tháng 7/2018 nhưng không đi đến đâu khi mọi thứ dường như chỉ tập trung vào mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo. Tổng thống Biden hiện khẳng định ông sẽ có lập trường cứng rắn với Nga mặc dù thừa nhận về khả năng hợp tác với Nga trong những vấn đề nhất định như thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân NEW START mà hai bên nhất trí hồi tháng 2 sẽ gia hạn thêm 5 năm.

Nguồn video: Reuters

Bản thân bên trong nước Mỹ đã có sự chia rẽ về quan điểm với Nga và trong liên minh giữa Mỹ và châu Âu cũng tồn tại không ít những khác biệt, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu qua Biển Baltic. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã dừng trừng phạt công ty thi công dự án để làm yên lòng Đức nhưng những bất đồng về dự án này vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" là nguồn con chia rẽ Mỹ và châu Âu. Nguồn ảnh: Reuters, Bloomberg

Nhìn chung, sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu trong chính sách với Nga sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhưng mục tiêu "chống Nga" không còn đủ mạnh để trở thành chất kết dính cho mối quan hệ này nữa. Trong cách tiếp cận kết hợp giữa "răn đe và đối thoại" của NATO, trong khi Tổng thống Biden nghiêng về răn đe thì nhiều nước châu Âu lại nghiêng về đối thoại. Tại Mỹ, sự phản đối trong nước đối với những nỗ lực xây dựng quan hệ trong tương lai với Nga vẫn rất mạnh mẽ và đến nay, không có dấu hiệu gì cho thấy Tổng thống Putin sẽ phản ứng một cách tích cực.

Trung Đông (Tập trung vào Iran): Những quan điểm trong liên minh quân sự NATO cũng như trong EU, bao gồm Mỹ và hầu hết các đồng minh EU có sự chia rẽ về những vấn đề "nằm ngoài khu vực". Trung Đông là khu vực tập trung của ít nhất 2 khác biệt.

Thứ nhất là về quan điểm chung: Chính quyền Tổng thống Biden dường như sẽ tiếp tục chính sách dưới thời cựu Tổng thống Trump khi quyết định rút quân Mỹ khỏi khu vực (bắt đầu bằng việc rút toàn bộ quân Mỹ và quân đồng minh khỏi Afghanistan vào 11/9). Có thể Mỹ muốn châu Âu có trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy các lợi ích của phương Tây ở những khu vực khác trên thế giới, tuy nhiên, đây không phải là điều mà hầu hết châu Âu mong muốn.

Thứ hai là những khác biệt riêng. Từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015, hầu hết các nước châu Âu đều lo ngại nguy cơ khủng hoảng hoặc thậm chí xung đột gia tăng, đặc biệt khi Iran bắt đầu ngừng tuân thủ các hạn chế được thỏa thuận trong JCPOA về chương trình hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tái gia nhập JCPOA, một quyết định được châu Âu hoan nghênh. Tuy nhiên, cả ông Biden và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông từ lâu đều cho rằng trước khi Mỹ tái gia nhập JCPOA hoặc giảm các lệnh trừng phạt lên Iran, Tehran phải quay lại tuân thủ các điều khoản khác, đặc biệt là đảo ngược việc làm giàu uranium vốn đang tiếp diễn kể từ tháng 5/2018.

Trong khi đó, Iran lại có quan điểm trái ngược, rằng Mỹ đã rời bỏ JCPOA nên Washington sẽ phải là bên có động thái trước. Những cuộc đàm phán giữa 2 bên đã khởi động từ tháng 3 nhưng nếu việc này không đưa đến bất kỳ đột phá nào và Mỹ vẫn duy trì đầy đủ các lệnh trừng phạt lên Iran thì mối lo ngại của châu Âu sẽ ngày càng lớn bởi sẽ ngày càng có nhiều rủi ro của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Trung Quốc: Một vấn đề dài hạn có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chính là Trung Quốc. Đây là chủ đề đã được nhấn mạnh nhiều lần trong liên minh sau khi Mỹ "xoay trục" đáng kể sang châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy và những tham vọng của Trung Quốc. Sự tập trung của Mỹ vào Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn châu Âu là một sự chuyển biến tự nhiên về địa chính trị và địa kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề Trung Quốc có tác động tới quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu còn bởi, giống như người tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Biden kỳ vọng châu Âu sẽ đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.

Ảnh minh họa: Getty

Các đồng minh, như các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden thường nhận định, là lợi thế quan trọng của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Các đồng minh châu Âu giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới liên minh chống Trung Quốc hiện nay nhưng không giống như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, châu Âu không còn là mặt trận trung tâm nữa. Thay vào đó, châu Âu đóng vai trò hỗ trợ Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Việc châu Âu không phải là ưu tiên của Tổng thống Biden thể hiện trong việc bổ nhiệm người phụ trách và các lựa chọn chính sách của chính quyền Mỹ mới. Ông Biden đã xây dựng những vị trí "điều phối" mới đầy quyền lực trong Hội đồng An ninh Quốc gia cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung Đông khi bổ nhiệm các quan chức giàu kinh nghiệm như Kurt Campbell và Brett McGurk tại các khu vực này.

Điều đó cũng cho thấy thực tế rằng chính quyền ông Biden coi Trung Đông có nhiều vấn đề cần bận tâm hơn châu Âu và các đối tác châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ có vai trò quan trọng hơn châu Âu trong cuộc đối đầu trung tâm với Trung Quốc. Vì thế, không khó để giải thích vì sao Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lại là những nhà lãnh đạo đầu tiên và mới chỉ có 2 nhà lãnh đạo này tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Biden cho tới nay.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng chưa dỡ bỏ các biện pháp thuế quan được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Trump lên mặt hàng nhôm và thép của châu Âu, vốn được áp đặt với lý do vì an ninh quốc gia. Lệnh cấm đi lại do Covid-19 với châu Âu cũng vẫn tiếp tục thực hiện, đảo ngược việc chấm dứt quyết định này của cựu Tổng thống Trump vào những ngày cuối nhiệm kỳ.

Nguồn ảnh: Getty

Nhà quan sát Jeremy Shapiro, từng là Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu và là học giả cấp cao tại Viện Brookings nhận định trên Politico rằng: "Chính quyền Tổng thống Biden hợp tác với châu Âu theo kiểu lịch sự bên ngoài nhưng lại hầu như không chú ý tới những mối lo ngại của châu Âu, từ quyết định về vấn đề sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 cho tới quyết định rút các lực lượng của NATO khỏi Afghanistan”.

Trong khi hầu hết thành viên trong NATO là các nước châu Âu thì việc Mỹ tham vấn đồng minh chỉ diễn ra ngay trước khi quyết định được thông báo. Mặc dù sự tham vấn này là một bước tiến lớn so với thời cựu Tổng thống Trump, khi mà châu Âu chỉ biết về những quyết định quan trọng của Mỹ qua Twitter hay báo chí, nhưng điều này vẫn chưa đủ để thiết lập một mối quan hệ đối tác thực sự. Theo ông Jeremy Shapiro, các quan chức châu Âu đã kín đáo phàn nàn về việc này.

Tuy nhiên, những lý do để chính quyền Tổng thống Biden giảm bớt sự ưu tiên với châu Âu vượt ra ngoài yếu tố địa lý. Trong một thời gian, Washington đã có sự hoài nghi đáng kể rằng, một châu Âu chia rẽ và hướng đến việc "tự lực cánh sinh" sẽ không dành cho Mỹ nhiều sự ủng hộ trong việc đối phó với Trung Quốc. Sau hàng thập kỷ chờ đợi châu Âu hoạt động hiệu quả hơn và có cùng quan điểm về địa chính trị để rồi lại thất vọng khi các nước châu Âu không dành 2% GDP cho quốc phòng, các quan chức Mỹ phần lớn cho rằng, châu Âu chưa bao giờ có thể tự giải quyết những vấn đề của riêng mình, chứ chưa nói tới việc đóng góp vào sự an ninh của các khu vực khác.

Nguồn ảnh: Getty

Kết quả là châu Âu chủ yếu trở thành nơi dành cho những bài phát biểu hay những hoạt động ngoại giao chủ yếu mang tính biểu tượng. Các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, kêu gọi châu Âu dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng và ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm "đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc” nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng không còn tin tưởng nhiều vào khả năng của châu Âu ngoại trừ việc duy trì quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương, một lĩnh vực vẫn đóng vai trò quan trọng.

Sự ngần ngại của châu Âu trong việc tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc họ khó có thể trở thành nhân tố địa chính trị quan trọng ở Đông Á. Sự tập trung vào việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc châu Âu không thể trở thành người ủng hộ "toàn tâm toàn ý" của Mỹ trong chiến dịch gây sức ép địa kinh tế lên Bắc Kinh. Và gần đây, Brexit đã cho thấy sự chia rẽ nội bộ khiến châu Âu khó có thể hoạt động hiệu quả trong tất cả nỗ lực trên, bất kể châu Âu mong muốn điều đó tới đâu.

Dù vậy, những giá trị tương đồng và liên minh lâu dài với Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không bao giờ có thể khiến Brussels quay lưng lại với Washington.

Nhìn chung, khó có thể đổ lỗi cho chính quyền Mỹ mới khi không đặt châu Âu trở thành ưu tiên hàng đầu và cũng không thể "trách" châu Âu khi không hoàn toàn tin tưởng Washington. Tuy nhiên, nếu điều này tiếp diễn, về dài hạn, cả Mỹ và châu Âu đều đang bỏ lỡ cơ hội quan trọng để hình thành một liên minh thực sự giúp cả hai có khả năng đối phó với những vấn đề như Trung Quốc, Nga hay thậm chí biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nhấn mạnh rằng, vai trò lãnh đạo của Mỹ là mang các quốc gia lại với nhau bởi "họ tin tưởng vào sự dẫn dắt của chúng ta và không ai có thể đoàn kết các bên như chúng ta". Đây là một mục tiêu tham vọng. Trong những tháng tới, Tổng thống Biden có cơ hội để thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trở lại" nhưng điều quan trọng là cần đưa châu Âu vào những nỗ lực này. Khôi phục niềm tin vào nước Mỹ là điều cơ bản nhất của "Nước Mỹ trở lại" nhưng rõ ràng sự lãnh đạo, hợp tác và thỏa thuận là con đường 2 chiều bởi kết quả sẽ không bao giờ trọn vẹn nếu chỉ có nỗ lực đến từ một phía./.

Thứ Ba, 06:16, 08/06/2021