“Biến thể Delta sắp hết người để lây nhiễm”: Mỹ sẽ thoát khỏi cơn ác mộng Covid-19?
VOV.VN - Theo các nhà khoa học, khả năng miễn dịch tăng lên và những thay đổi trong hành vi của con người là lý do dẫn đến sự sụt giảm số ca mắc Covid-19 tại Mỹ trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa thể lường trước được.
Sau một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào mùa hè do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, virus SARS-CoV-2 dường như đang “rút lui” tại Mỹ.
Mỹ ghi nhận khoảng 90.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, giảm hơn 40% kể từ tháng 8. Số người nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng giảm.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm trên khắp nước Mỹ khi bang Alaska vẫn chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao. Mặc dù vậy, trên toàn quốc, xu hướng số ca mắc bệnh giảm là điều có thể thấy rõ. Điều này mang lại hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đối với Mỹ có thể đã qua.
Trong gần 2 năm qua, Mỹ đã trải qua nhiều đợt bùng phát Covid-19 khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Rất khó để tìm ra lý do khiến virus sinh sôi và lây lan trong mỗi đợt dịch. Điều này khiến việc đưa ra dự đoán về diễn biến đại dịch trong tương lai gặp khó khăn.
Khi mùa đông đang đến gần, có nhiều lý do để lạc quan về tình hình dịch bệnh tại Mỹ. Gần 70% người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ và nhiều trẻ em dưới 12 tuổi có thể sẽ đủ điều kiện để tiêm chủng sau vài tuần nữa. Các nhà quản lý liên bang sẽ sớm cấp phép loại thuốc kháng virus đầu tiên để điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Mỗi ngày Mỹ vẫn ghi nhận gần 2.000 ca tử vong do dịch bệnh và một đợt bùng phát mới vào mùa đông là điều có thể xảy ra. Theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều người Mỹ chưa tiêm chủng và còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch cơ bản.
Làm phẳng đường cong
Khi làn sóng Covid-19 đầu tiên tấn công Mỹ vào đầu năm 2020, vẫn chưa có vaccine và không ai miễn dịch với SARS-CoV-2. Vào thời điểm đó, cách duy nhất để làm phẳng đường cong đại dịch là thay đổi hành vi của con người.
Mỹ đã yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa doanh nghiệp, bắt buộc đeo khẩu trang và cấm tụ tập đông người để đẩy lùi làn sóng đầu tiên. Vẫn còn những tranh cãi đâu là biện pháp hiệu quả nhất, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn chung tất cả các biện pháp đã tạo ra sự khác biệt, giữ người dân ở trong nhà và ngăn chặn số ca mắc bệnh tăng.
“Sau khi số ca bệnh giảm, các biện pháp sẽ được dỡ bỏ”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, nói.
Sau đó, số ca nhiễm virus sẽ tăng trở lại và các mô hình chống dịch tương tự sẽ xuất hiện. Các doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẽ áp đặt lại các hạn chế.
Theo khảo sát xu hướng và tác động của Covid-19 tại Mỹ, trong suốt mùa đông năm 2020, tỷ lệ người dân đến quán bar, nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện lớn đã giảm.
“Đường cong đại dịch được định hình bởi nhận thức của cộng đồng. Chúng ta lẩn quẩn giữa khủng hoảng và sự tự mãn”, chuyên gia Nuzzo nói.
Biến thể Delta xuất hiện khi Mỹ đang gồng mình chống chọi với đại dịch, cũng là thời điểm nhiều người Mỹ đã tiêm chủng cảm thấy bắt đầu an tâm hơn về dịch bệnh. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, sự xuất hiện của biến thể Delta ít thúc đẩy sự thay đổi hành vi của người dân hơn so với các làn sóng dịch bệnh trước đó.
Theo Viện đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington, vào giữa tháng 7, chỉ 23% người Mỹ nói rằng họ luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Vào ngày 31/8, đỉnh điểm của làn sóng do biến thể Delta, con số đó đã tăng lên 41%, dù vẫn thấp hơn nhiều so với 77% những người luôn đeo khẩu trang trong mùa đông.
Tuy nhiên, ngay cả những thay đổi nhỏ bé trong hành vi cũng có thể giúp quá trình lây truyền của virus chậm lại. Biến thể Delta đã thúc đẩy những thay đổi ở cả cấp độ cá nhân và tổ chức. Các trường học đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa mới, các công ty hoãn mở cửa trở lại và các tổ chức hủy bỏ các sự kiện, khiến virus ít lây lan hơn.
Tăng khả năng miễn dịch
Thay đổi hành vi là một biện pháp tạm thời và ngắn hạn để giảm số ca mắc bệnh. Theo NY Times, sự kết thúc thực sự của đại dịch sẽ đến nhờ khả năng miễn dịch.
Biến thể Delta đã gây ra đợt bùng phát lớn đầu tiên sau khi chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi. Biến thể Delta có khả năng lây truyền mạnh tới mức nó lây lan nhanh chóng qua các cộng đồng dễ bị tổn thương, mang lại khả năng miễn dịch tự nhiên cho nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng.
Mặc dù miễn dịch nhờ tiêm chủng hay do từng mắc bệnh trước đó đều không cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn trước SARS-CoV-2, nhưng chúng làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, vào tháng 9, virus SARS-CoV-2 đã gặp khó khăn hơn trong việc “tìm vật chủ để lây nhiễm”.
“Biến thể Delta sắp hết người để lây nhiễm”, Jeffrey Shaman, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, nói.
Thực tế là số ca mắc bệnh giảm không có nghĩa là một quốc gia đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, mục tiêu nhiều nhà khoa học hiện cho là không thể đạt được. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng và lây nhiễm tăng cùng với những thay đổi về hành vi có thể sẽ kết thúc sự gia tăng số ca mắc bệnh.
“Đó là sự kết hợp của khả năng miễn dịch, nhưng mọi người vẫn cần cảnh giác”, Joshua Salomon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng sự kết hợp của các yếu tố trên, có thể khác nhau tùy thuộc vào từng khu vực, sẽ xác định được thời điểm và lý do tại sao dịch bệnh lại bùng phát và sau đó dịu lại. “Các đợt bùng phát Covid-19 phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ của làn sóng trước đó, số người đã tiêm chủng và sự xuất hiện của các biến thể mới”, Alessandro Vespignani, Giám đốc Viện Khoa học Mạng tại Đại học Northeastern ở Boston, cho biết.
Dự báo về đại dịch
Các nhà khoa học cảnh báo rằng rất khó dự đoán tình hình dịch bệnh sắp tới tại Mỹ.
Anh và Israel, cả hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Mỹ, vẫn đang phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19.
“Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Đừng nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc”, Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết.
Hầu hết các chuyên gia cho biết, họ sẽ không ngạc nhiên khi có ít nhất một đợt gia tăng số ca mắc bệnh vào cuối mùa thu hoặc mùa đông năm nay khi người dân bắt đầu dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong nhà và đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ.
Nhưng do vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do Covid-19, bất kỳ đợt gia tăng đột biến số ca bệnh nào trong mùa đông tới sẽ bớt tồi tệ hơn năm 2020.
“Có thể số ca tử vong do Covid-19 vào mùa đông năm nay sẽ không cao như mùa đông năm ngoái, trừ khi một biến thể mới xuất hiện”, Tiến sĩ Salomon nói./.