Bổ nhiệm cố vấn an ninh mới, Mỹ có thay đổi chính sách với Nga?
VOV.VN - Sau khi Tổng thống Mỹ Trump bổ nhiệm McMaster vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia thay ông Flynn, giới phân tích Nga lập tức đánh giá nhân vật này.
Phía Nga xem việc bổ nhiệm tướng H.R. McMaster làm cố vấn an ninh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump thay cho tướng Flynn như dấu hiệu báo trước chính sách bảo thủ hơn của Mỹ đối với Moscow trong tương lai gần.
Ông Trump và cố vấn an ninh mới McMaster (trái). Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia chính sách đối ngoại ở Moscow đang cố gắng hiểu hơn về ông Herbert Raymond McMaster, người mới được ông Trump bổ nhiệm vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia.
Hôm 20/2, tướng 3 sao McMaster, đã thay thế tướng Michael Flynn, người đã từ chức sau các cáo buộc rằng ông đã lấy thông tin từ các quan chức cao cấp trong chính quyền liên quan đến Đại sứ Nga tại Mỹ.
Chất “Cộng hòa” ngày càng tăng
Một số nhà phê bình cho rằng việc bổ nhiệm McMastere cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chính sách đối ngoại Cộng hòa trong chính quyền Trump. Họ dự báo trong các tháng tới, quan điểm chính sách của Mỹ đối với Nga sẽ ngày càng bảo thủ hơn.
Maxim Suchkov, một chuyên gia tại Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga và là một cây viết cho tờ Al-Monitor, nói rằng “Tôi không dám khẳng định ông McMaster chia sẻ quan điểm của ông McCain về Nga đến mức nào”.
Sự không chắc chắn nói trên về McMaster có thể bắt nguồn từ thực tế việc bổ nhiệm ông này đã nhận được nhiều lời ca ngợi từ các phương tiện truyền thông Mỹ cũng như từ các nhân vật nổi bật trong giới chính trị Mỹ, những người có thái độ phê phán chính sách đối ngoại của Nga. Thượng nghị sĩ John McCain, vốn nổi tiếng về quan điểm không khoan nhượng đối với Nga, đã ca ngợi việc bổ nhiệm McMaster bất chấp việc trước đó chính ông đã chỉ trích phong cách quản lý của ông Trump.
Liên quan đến Moscow, ông McMaster, người không có mối liên hệ được biết đến với Nga, có nhiều dấu hiệu hoàn toàn trái ngược với ông Fynnn – nhân vật thường được mô tả là cánh cửa của Kremlin đi vào chính quyền Trump.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức vì có liên hệ với Nga
Dmitry Suslov, một giáo sư tại Trường Kinh tế và là giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Thảo luận Vladai, nói: “McMaster có quan điểm chỉ trích Nga mạnh hơn nhiều so với Michael Flynn”.
Ông Suslov nhận định thêm: “Việc bổ nhiệm McMaster cho thấy thể chế Cộng hòa truyền thống đang giành lấy ảnh hưởng đáng kể dù không ồn ào trong chính quyền Trump... Những người như Phó Tổng thống Mike Pence, James Mattis và McMaster thể hiện bước phát triển này. Tôi cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có lẽ sẽ thích ứng hơn với quan điểm truyền thống của phe Cộng hòa, và McMaster là điềm báo cho điều này”.
Trong khi đó, chuyên gia Suchkov nói: “Quan điểm của McMaster đối với Nga khá giống với của Mattis”. James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Trump, đã gặp phải phản ứng hoài nghi ở Nga sau khi ông gợi ý về việc Mỹ nên đàm phán với Nga từ “vị thế của bên mạnh”.
McMaster có thể tạo ra một thách thức cho Moscow nếu ông này đi theo con đường của Mattis.
Suchkov nói: “Tôi cho rằng tình hình sẽ khá tệ cho Nga nếu Mattis và McMaster vận động hành lang cho cách tiếp cận mạnh mẽ như vậy với Nga... Có thể là xu hướng dùng giải pháp chính trị và chính sách cứng rắn sẽ áp đảo nếu đội ngũ của Trump đầy những nhân sự có gốc gác quân đội.”
Ưu tiên hàng đầu
Bất chấp có chút lo ngại về việc thái độ hợp tác của ông Trump với Nga có bị thay đổi dưới áp lực của các cố vấn quân sự, các chuyên gia cho rằng Nga không phải là mối bận tâm lớn đối với chính quyền Trump đến mức ông Trump phải đưa ra quyết định bổ nhiệm một cố vấn an ninh có thái độ cứng rắn hơn với Nga.
Suchkov nói: “Người Nga có xu hướng nghĩ rằng mọi vấn đề xoay quanh Nga, nhưng tôi không cho rằng việc bổ nhiệm McMaster có liên quan đến Nga... Trước hết, đây là một động thái chính trị của ông Trump, nhằm sử dụng một nhân vật có danh tiếng để củng cố vị trí của mình. Ông Trump đã lựa chọn một người có tinh thần yêu nước cao”.
Thực sự, Moscow có thể sẽ chỉ nhận được ít sự chú ý trong “phòng tình hình” [của Tổng thống Mỹ - ND], theo các chuyên gia.
Michael Kofman, nghiên cứu viên tại Viện Kennan, nhận định: James Mattis là một lãnh đạo quân sự am tường, ông ấy sẽ không bị ảnh hưởng bởi các nỗi lo sợ về học thuyết chiến tranh tổng hợp của Nga. Nếu điều này đúng, Nga có thể rớt vài bậc trên danh sách các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo Koftman, giới quân sự trong đội ngũ của ông Trump sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề Iran và tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hơn là Nga./.
8 điều cần biết về Cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump
Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khác ông Trump về quan điểm với Nga?