Bổ nhiệm quan chức cấp cao, chương trình hạt nhân của Taliban liệu có khả thi?

VOV.VN - Việc chỉ định một quan chức cấp cao phụ trách vấn đề hạt nhân cho thấy Taliban dường như rất quan tâm đến lĩnh vực này.

Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, chính phủ mới do Taliban dẫn đầu phải đảm đương nhiều trách nhiệm nặng nề để điều hành một quốc gia từng bị tàn phá do xung đột, trong đó có việc vực dậy nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng và vận hành một cơ quan hạt nhân non trẻ được thành lập cách đây một thập kỷ.

Động thái lạ của Taliban?

Việc chỉ định một quan chức cấp cao phụ trách vấn đề hạt nhân cho thấy Taliban dường như rất quan tâm đến lĩnh vực này. Điều đó đã đặt ra câu hỏi liệu Taliban có tìm cách quân sự hóa năng lượng hạt nhân để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không, dù nhiều chuyên gia cho rằng nỗ lực này khó có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại.

Một quan chức Taliban nói với Newsweek rằng: “Cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào về phát triển vũ khí hạt nhân được đưa ra”. Nhưng rất nhiều nhà quan sát đã chú ý đến danh sách các thành viên trong chính phủ lâm thời do Lãnh đạo Tối cao của Taliban, ông Hibatullah Akhundzada công bố.

Trong danh sách này “kỹ sư Najeebullah” được chỉ định làm “người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử”. Điểm khác biệt ở chỗ, trong khi những cái tên khác được nêu đầy đủ họ tên thì Najeebullah chỉ được nhắc đến bằng họ. Điều đó khiến nhiều người hoài nghi về danh tính thật của ông và đặt câu hỏi tại sao chính quyền mới lại tìm cách che giấu.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trả lời phỏng vấn Newsweek, người phát ngôn của IAEA nói: “Chúng tôi đã biết về những thông tin đăng tải trên phương tiện truyền thông mà các bạn đang nói đến”.

Afghanistan là một trong những thành viên sáng lập của IAEA vào năm 1957, và từng hợp tác với tổ chức quốc tế này trong hơn hai thập kỷ. Tuy nhiên, mối quan hệ đó đã bị gián đoạn vào cuối những năm 1970 do tình trạng bất ổn dân sự và sự can thiệp của Liên Xô chống lại lực lượng Mujahideen. Cuộc xung đột kéo dài gần 1 thập kỷ, kết thúc bằng việc Liên Xô rút quân và cuối cùng là sự tiếp quản của Taliban vào những năm 1990.

Sự hợp tác đã được nối lại sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan vào năm 2001. Năm 2011, Afghanistan đã thành lập Ủy ban Năng lượng Nguyên tử cấp cao để khám phá công nghệ hạt nhân sử dụng cho mục đích dân sự.  Tuy vậy, khi Taliban bắt đầu trỗi dậy trên khắp đất nước, uy ban này đã bày tỏ lo ngại sự bất ổn có thể gây nguy hiểm cho công việc của họ.

Trong một bài phát biểu trước IAEA vào tháng 2/2020, Đại sứ Afghanistan tại Áo Khojesta Fana Ebrahimkhel cảnh báo rằng: "Tình hình an ninh hiện tại ở Afghanistan xấu đến mức một số khu vực của đất nước bị các nhóm nổi dậy cùng các nhóm khủng bố trong nước và quốc tế kiểm soát, do đó, chúng tôi rất lo ngại về việc các nhóm này sẽ vận chuyển trái phép vật liệu hạt nhân thông qua Afghanistan. Chúng tôi cho rằng, những hoạt động bất hợp pháp đó sẽ khiến tình hình hình hiện tại trở nên phức tạp hơn và khiến cuộc sống của hàng nghìn người gặp nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các thành viên IAEA chú ý đến vấn đề này”.

Mặc dù chính phủ mới do Taliban đứng đầu vẫn chưa được bất cứ quốc gia nào công nhận, nhưng lực lượng này đã cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế trong một loạt vấn đề như ngăn chặn hoạt động của các nhóm phiến quân xuyên quốc gia, chống biến đổi khí hậu và tăng cường trao đổi thương mại.

Song vẫn còn nhiều hoài nghi về các cam kết của Taliban. Bên cạnh mối lo ngại việc Taliban lên nắm quyền sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và cộng đồng thiểu số, một số quan chức Mỹ và nhiều nhà bình luận đã cảnh báo về việc tình hình bất ổn tại Afghanistan có thể làm suy yếu an ninh ở nước láng giềng Pakistan – quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong phiên điều trần ngày 28/9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói với các nhà lập pháp rằng, “việc rút quân vội vã sẽ làm gia tăng các nguy cơ tại một khu vực vốn đã bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh của Pakistan và kho vũ khí hạt nhân của nước này, làm gia tăng các tổ chức cực đoan bạo lực, ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ với các đồng minh và đối tác”.

Trong lịch sử, Pakistan từng được cho là có hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ nước này. Nhà vật lý hạt nhân A.Q. Khan – “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Pakistan từ lâu đã trở thành tâm điểm của các cáo buộc quốc tế rằng ông đã cung cấp những thông tin bí mật, trong đó có cả thiết kế máy ly tâm cho Libya, Iran và Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, Pakistan đã đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng trước cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của đối thủ Ấn Độ vào năm 1974. Cuộc thử nghiệm này diễn ra 1 thập kỷ sau khi Trung Quốc – quốc gia đang vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên.

Ý định phát triển vũ khí hạt nhân?

Theo đánh giá của Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, là lực lượng có quan hệ thân thiết với Pakistan, khả năng Taliban có được vũ khí hạt nhân là khá cao, hơn nữa Taliban có thể tiến hành tàng trữ chất phóng xạ để tái tạo cái gọi là “bom bẩn”.

Ông John Bolton cảnh báo, việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan lần thứ hai sẽ tạo ra những mối đe dọa với Pakistan và kho vũ khí hạt nhân của nước này.  Phát biểu với đài WABC 770 của Mỹ cuối tuần qua, ông nói: “Việc Taliban kiểm soát Afghanistan có thể khiến những kẻ khủng bố chiếm quyền kiểm soát Pakistan. Điều đó có nghĩa là, 150 vũ khí hạt nhân của Pakistan có thể nằm trong tay những phần tử khủng bố”.

Trái với quan điểm này, ông Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí - một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ Pakistan sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi Taliban lên nắm quyền. Liệu cơ sở hạt nhân của nước này có dễ bị tổn thương hơn so với một năm trước không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không”.

Ông Daryl Kimball lập luận rằng, việc mua hoặc chế tạo vũ khí hạt nhân không nằm trong lợi ích của Taliban do những hạn chế về công nghệ và bản thân họ đã chứng minh rằng dù chỉ áp dụng chiến lược thông thường trong các cuộc giao tranh nhưng họ đã rất thành công.

“Động cơ để Taliban sở hữu vũ khí hạt nhân là cực kỳ thấp hoặc không có bởi vì chiến lược chiến tranh du kích của họ trong hơn 2 thập kỷ qua nhằm đối phó với Mỹ và chính phủ Afghanistan do Washington hậu thuẫn đã thành công. Bài học lịch sử cho thấy, họ có thể làm điều đó mà không cần dùng đến vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt”.  

Toby Dalton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân của Carnegie Endowment đã đưa ra một lập luận thuyết phục hơn khi cho rằng, Taliban có thể mong muốn tiếp tục hợp tác với IAEA và việc lực lượng này bổ nhiệm quan chức phụ trách vấn đề hạt nhân cho thấy rõ ý định đó.

“Có lẽ chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan sẽ muốn tiếp tục hợp tác với IAEA vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì vậy việc bổ nhiệm một bộ trưởng mới để giám sát vấn đề hạt nhân là điều cần thiết. Hầu hết các quốc gia đều có vị trí này, vì thế quyết định của Afghanistan không phải điều gì mới lạ”.

Ông Toby Dalton cũng lưu ý, Afghanistan chắc chắn phải đi một chặng đường rất xa để thiết lập nền tảng cơ bản nhất cho chương trình vũ khí hạt nhân, “quan trọng hơn, nỗ lực như vậy cần phải có sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài bất kể lý do chính trị hoặc quân sự cần thiết mà họ đưa ra nhằm để biện minh cho việc tìm kiếm những vũ khí như vậy”. Theo chuyên gia này, bằng cách đảm bảo sự hợp tác với IAEA, Taliban có thể mở ra một cánh cửa khác nhằm tìm kiếm sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Taliban sẽ không cho phép nữ giới và nam giới làm việc cùng nhau
Taliban sẽ không cho phép nữ giới và nam giới làm việc cùng nhau

VOV.VN - Một nhân vật cấp cao trong đội ngũ cầm quyền của Taliban cho biết, phụ nữ Afghanistan sẽ không được phép làm việc cùng với nam giới.

Taliban sẽ không cho phép nữ giới và nam giới làm việc cùng nhau

Taliban sẽ không cho phép nữ giới và nam giới làm việc cùng nhau

VOV.VN - Một nhân vật cấp cao trong đội ngũ cầm quyền của Taliban cho biết, phụ nữ Afghanistan sẽ không được phép làm việc cùng với nam giới.

Dự trữ quốc tế bị đóng băng, Taliban sẽ làm gì để cấp kinh phí cho chính phủ mới?
Dự trữ quốc tế bị đóng băng, Taliban sẽ làm gì để cấp kinh phí cho chính phủ mới?

VOV.VN - Taliban đã công bố các nhân vật đầu tiên nằm trong bộ máy điều hành - bước đi quan trọng trong quá trình thành lập chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi nước này.

Dự trữ quốc tế bị đóng băng, Taliban sẽ làm gì để cấp kinh phí cho chính phủ mới?

Dự trữ quốc tế bị đóng băng, Taliban sẽ làm gì để cấp kinh phí cho chính phủ mới?

VOV.VN - Taliban đã công bố các nhân vật đầu tiên nằm trong bộ máy điều hành - bước đi quan trọng trong quá trình thành lập chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi nước này.

Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến
Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến

VOV.VN - Taliban hôm nay (6/9) tuyên bố đã giành quyền kiểm soát tỉnh Panjshir, nằm ở phía Bắc thủ đô Kabul – vốn là thành trì của lực lượng kháng chiến tại Afghanistan.

Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến

Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến

VOV.VN - Taliban hôm nay (6/9) tuyên bố đã giành quyền kiểm soát tỉnh Panjshir, nằm ở phía Bắc thủ đô Kabul – vốn là thành trì của lực lượng kháng chiến tại Afghanistan.